Thành lập và hoạt động Ban quản trị các khu chung cư ở Hà Nội:

Bài toán chưa có lời giải

Thứ Tư, 10/12/2014, 09:40
Được đưa vào sử dụng từ những năm 2004, nhưng đến tận thời điểm này, 11 tòa nhà chung cư với 1.085 hộ dân ở Khu đô thị Mỹ Đình II mới chỉ có duy nhất 1 ban quản trị “hữu danh vô thực” được thành lập của 1 cụm 3 tòa nhà. Trong 10 năm qua, không có người đại diện, nhiều quyền lợi của cư dân không được bảo vệ, phát sinh nhiều mâu thuẫn căng thẳng giữa chủ đầu tư và người dân.

Thực tế đây chỉ là ví dụ điển hình cho hàng trăm khu nhà chung cư hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa thành lập được ban quản trị. Các quy định liên quan tới vấn đề này mặc dù chưa đầy đủ nhưng cũng đã có. Câu hỏi rất nhiều người đang đặt ra hiện nay là đã có những quy định mà tại sao vẫn không thực hiện được?

Ban quản trị: Hữu danh, vô thực

Dẫn chúng tôi đi xem một số đơn nguyên khu nhà CT3, CT5, Khu đô thị Mỹ Đình II, ông Phạm Duy Thái, Phó ban Quản trị khu cụm nhà CT3 và CT5 bức xúc cho biết, hiện toàn bộ các tòa nhà ở đây vẫn đang do một xí nghiệp của Tổng Công ty HUD (chủ đầu tư) quản lý vận hành. Dưới chân đơn nguyên 3 tòa nhà CT5 là hàng loạt các kiốt, cửa hàng được chủ đầu tư ngăn ô của tầng một để cho thuê. Bên cạnh các kiốt kinh doanh hàng tạp hóa còn là hàng loạt cửa hàng, quán ăn, quán bia… nhộn nhịp người ra vào.

Vào ở từ 10 năm nay nhưng người dân Khu đô thị Mỹ Đình II vẫn lơ mơ về sở hữu chung, riêng.

Ông Phạm Duy Thái cho biết, năm 2013, cư dân và chủ đầu tư đã tổ chức bầu ra được ban quản trị cho cụm của 3 tòa nhà là các đơn nguyên của CT3 và CT5. Danh sách được gửi lên UBND huyện Từ Liêm để ra quyết định công nhận. Thế nhưng, chẳng hiểu tại sao đến tận tháng 3/2014, chính quyền mới gửi xuống cho dân bản quyết định thành lập ban quản trị này 1 bản phôtô có công chứng. Vào ở đã 10 năm nay nhưng người dân đến giờ vẫn không biết các khu nhà này có quỹ bảo trì hay không, hỏi chủ đầu tư thì chỉ nhận được câu trả lời là không có. Toàn bộ diện tích sinh hoạt cộng đồng theo quy định là 0,8m²/căn hộ, hoặc tối thiểu phải là 36m2/khu nhà nhưng thực tế ở đây chẳng có tòa nhà nào có. Người dân có việc gì đều phải lục tục kéo nhau đi họp nhờ. Theo ông Thái, đây là vấn đề bức xúc nhất của người dân ở đây hiện nay. “Chúng tôi đề nghị phải thành lập ban quản trị của tất cả các tòa nhà còn lại thì vị đại diện chủ đầu tư chẳng hề đả động đến”, ông Thái cho biết.

Chính quyền phải vào cuộc

Không ban quản trị, tại rất nhiều các khu chung cư hiện nay, quyền lợi của người dân không được bảo vệ. Chỉ nói đến mỗi câu chuyện phí bảo trì cũng đang là một cuộc chiến dai dẳng giữa chủ đầu tư và cư dân. Ví như tại Khu đô thị Mỹ Đình II, người dân đã vào ở đến nay là 10 năm nhưng vẫn đang rất lơ mơ về phí bảo trì, không biết có hay không; hay như Khu chung cư cao cấp The Manor Mỹ Đình, người dân đang phải đấu tranh quyết liệt để đòi khoản phí bảo trì từ chủ đầu tư. Đến như dự án tái định cư Đồng Tàu (Hoàng Mai), đơn vị quản lý nói đã hết phí bảo trì, đến khi cư dân phản đối mạnh mẽ thì một vài tòa nhà lại lòi ra khoản phí bảo trì lên đến vài trăm triệu đồng mà đơn vị quản lý giải thích là do… nhầm lẫn (!).

TS Phạm Sĩ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vẫn chưa xác định rõ vai trò của các thành phần tham gia triển khai thực hiện. Chẳng hạn như vai trò quản lý nhà nước là ai? Trên địa bàn TP Hà Nội thì Sở Xây dựng Hà Nội phải được thành phố giao cụ thể vai trò, sau đó đến UBND các quận. Cấp thành phố rất rộng, vì thế chủ yếu là thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, còn cấp quận phải có trách nhiệm tổ chức các chủ đầu tư thực hiện. Cấp phường phải là cấp trực tiếp xử lý các tranh chấp. Nếu phường xử lý không được thì đưa lên quận, lên thành phố, nhưng phường không thể đứng ngoài câu chuyện này được vì phường là đơn vị quản lý hành chính trực tiếp về mọi mặt tại các khu nhà này. Cái này phải phân công cho rõ, không nên đợi Nhà nước có sự phân công này mà UBND các thành phố phải ra một quy định phân công rõ ràng cho các cấp chính quyền, phải có điều lệ quản lý chung cư, đây là việc cấp bách trước mắt.

“Theo tôi, để giải quyết vấn đề cần phải bàn về vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý chung cư. TP Hà Nội phải quy định rõ là thời gian bao nhiêu ngày thì UBND các quận, huyện phải trả lời người dân, có quyết định thành lập ban quản trị cho dân. Nhưng chính vì cấp thành phố cũng không quy định vấn đề này nên mới xảy ra sự việc như thế. Cái này thành phố phải nhanh chóng có các quy định rõ ràng. Thực tế, theo tôi, các cấp chính quyền từ thành phố trở xuống vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc này. Nếu quy định rõ ràng, giao trách nhiệm cụ thể, ví dụ nếu để xảy ra các vấn đề liên quan đến quản lý chung cư trên địa bàn thì Chủ tịch UBND quận đó phải chịu trách nhiệm, bị kỷ luật thì chắc chắn mọi việc sẽ khác ngay”.

Phan Hoạt
.
.
.