Chuyện người quản lý

Bắc thang vào nhà và việc công khai thông tin về quy hoạch

Thứ Tư, 20/05/2015, 09:49
Trong thời gian gần đây, dư luận báo chí đề cập đến khá nhiều một câu chuyện hy hữu trên tuyến đường mới mở Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Hình ảnh được nhắc đến nhiều nhất trên con đường “đắt nhất hành tinh” này là một số nhà dân ven đường đã phải vào nhà… bằng thang.

Có sự tréo ngoe này là do sự chênh lệch giữa độ cao mặt đường và nền nhà quá lớn. Có trường hợp chênh hơn 1m, có trường hợp tới gần 2m. Đường thấp hơn nền nhà 2m thì chẳng có cách nào khác là phải bắc thang nếu muốn vào nhà.

Trả lời trên báo chí, đại diện chủ đầu tư cho rằng, dự án được thiết kế thi công theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, không thể làm theo hiện trạng nhà cao nhà thấp của dân. Trên  thực tế, câu chuyện về những bất cập trên những con đường mới mở trị giá hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là gần 1.000 tỷ đồng như đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài không phải là chuyện hiếm gặp.

Chuyện nền nhà cao, thậm chí là thấp hơn mặt đường cả mét đã xảy ra tại đường mới Kim Liên – Ô Chợ Dừa và trước đó là đường Lạc Long Quân. Tại đường Lạc Long Quân, sau khi con đường này hoàn thành có những trường hợp nền nhà thấp hơn mặt đường từ 0,5 đến 1 mét. Đường làm xong, nhiều nhà tầng 1 đã biến thành… hầm.

Thiếu thông tin về cốt đường cụ thể là nguyên nhân khiến nhiều người dân xây dựng nhà xong bị thấp hơn đường. Thậm chí, có cả trường hợp xây dựng nhà trong giai đoạn đường đang thi công, nhưng do không có thông tin cốt đường nên xây xong vẫn bị chung cảnh ngộ. Những bất cập không đáng có đó sẽ ít khi xảy ra nếu những thông tin về quy hoạch, cốt đường được công khai chi tiết đến tận người dân trong quá trình quy hoạch xây dựng.

Thiếu thông tin về các dự án đang là một thực tế bức xúc tại nhiều địa phương không phải riêng tại Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng loạt dự án lớn về mở đường, cải tạo các nút giao thông có quy mô lớn, ảnh hưởng đến số lượng dân cư rất lớn. Tuy nhiên, về quy hoạch chi tiết cụ thể, tiến độ thì không phải người dân nào cũng có được.

Dạo qua một số dự án giao thông lớn, thật khó nhìn thấy những pano bảng vẽ chi tiết quy hoạch của dự án này để người dân tự tham khảo. Đơn cử một ví dụ nhỏ như việc xây dựng nút giao thông Bưởi - một trong những nút giao được đánh giá là lớn nhất Hà Nội. Tuy nhiên, khi được hỏi về cụ thể về quy mô, bản vẽ chi tiết của nút giao thông cũng như những tuyến đường sắp mở liên quan thì một số người dân sống quanh khu vực vẫn khá mù mờ.

Điều 42 của Luật Xây dựng quy định rất cụ thể đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt phải được công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng.

Ngoài ra, người có thẩm quyền phải có các hình thức công bố công khai quy hoạch xây dựng. Đây là cách làm thể hiện sự công khai, minh bạch, tôn trọng quyền lợi của người dân có liên quan đến dự án. Đồng thời cách làm này cũng góp phần hạn chế những khiếu nại, kiện tụng không đáng có.

Đối với một dự án giao thông hàng trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng, việc bỏ ra một chi phí nhỏ để thiết kế lắp đặt một số những bản vẽ, pano tấm lớn, đưa đầy đủ thông tin chi tiết lên các trang thông tin điện tử... chẳng thấp tháp vào đâu. Chẳng nhẽ các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan lại không thể nghĩ ra?

Xuân Luận
.
.
.