Đại hội sẽ làm rõ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thứ Năm, 21/01/2016, 00:50
Người cán bộ trong điều kiện mới đương nhiên không ai yêu cầu phải khắc khổ nhưng phải nhìn mức sống của những người bên cạnh, của nhân dân, của đồng bào vùng sâu, vùng xa như thế nào để anh sống và làm việc.


“Chúng ta đã đi qua 30 năm đổi mới, với nhiều ưu điểm, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, 30 năm ấy, chúng ta cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, bất cập. Có những cái cách đây 20-30 năm là đúng, là cần thiết thì đến bây giờ không còn phù hợp và thậm chí lạc hậu. Vì thế, cần phải tìm, xác định hướng đi phù hợp, ngay cả công cuộc bảo vệ chủ quyền Biển Đông cũng đặt ra những vấn đề rất mới, những thách thức lớn buộc chúng ta phải xác định rõ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” - đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII khẳng định.

- Vấn đề lựa chọn, giới thiệu nhân sự để Đại hội bầu đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Qua thảo luận nhân sự ở các kỳ hội nghị Trung ương gần đây, đặc biệt là Hội nghị 11, 12, 13 và 14 đặt ra yêu cầu những người được chọn vào Ban Chấp hành Trung ương phải thực sự có đức, có tài, phải gương mẫu, tận tụy và có quyết tâm, tư duy và năng lực đổi mới. Sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong thời gian tới phải được nâng tầm lên bằng đường lối, nghị quyết của Đảng và sau đó lãnh đạo để thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo nguồn lực, điều kiện để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Phải trăn trở, phải đổi mới không chỉ ở tầm quốc gia mà ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Mỗi người trăn trở, quyết tâm và có tư duy đổi mới, có hướng đổi mới đúng thì đất nước sẽ có chuyển mình mạnh mẽ.

- Ông có thể nói rõ hơn tiêu chuẩn đức và tài trong điều kiện hiện nay, tiêu chuẩn đó có liên quan thế nào đến vấn đề kinh tế, đời sống của người cán bộ, đảng viên trong điều kiện mới? 

Người dân mong muốn đó là những người có quyết tâm, tư duy đổi mới, có đức, có tài. Đức ở đây trước hết phải trong sạch, không dính vào nhóm lợi ích, không có biểu hiện giàu lên nhanh chóng, không có biểu hiện xa rời nhân dân, đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không có biểu hiện tham nhũng, tư lợi.

- Tức là phải sống liêm khiết?

Người cán bộ trong điều kiện mới đương nhiên không ai yêu cầu phải khắc khổ nhưng phải nhìn mức sống của những người bên cạnh, của nhân dân, của đồng bào vùng sâu, vùng xa như thế nào để anh sống và làm việc. Nếu như làm cán bộ mà đặc quyền đặc lợi thì không phải là cán bộ cách mạng. Đảng và người dân không bao giờ chấp nhận những cán bộ như thế.

- Trong dự thảo văn kiện Đại hội XII lần này, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là về chủ quyền biển Đông được đề cập ra sao, thưa ông?

Tình hình thế giới và khu vực hiện nay liên tục thay đổi, có những thay đổi mau chóng và có những thay đổi chúng ta phải chủ động nắm bắt rất sớm để có giải pháp phù hợp. Đơn cử, chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng. Nước ngoài đã xây đảo nhân tạo, xây sân bay, đưa máy bay dân dụng ra đấy. Tới đây, họ sẽ từng bước quân sự hóa các đảo mà họ chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Trong Đảng và toàn dân cần thấy rằng, để giải quyết vấn đề này thực không dễ. Chúng ta không thể nói là cứ lớn tiếng phản đối, dù sự phản đối là cần thiết. Cũng không thể dùng các biện pháp bức xúc, thiếu kiểm soát. Cuộc đấu tranh này phải bằng giải pháp ngoại giao, hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và DOC. 

Chúng ta đã làm khá tốt việc đó thời gian qua và tới đây sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đồng thời, chúng ta phải tranh thủ sự vào cuộc, ủng hộ mạnh mẽ của dư luận khu vực và quốc tế, đặc biệt xây dựng khối đoàn kết ASEAN để chúng ta có đối sách hợp lý…

Đăng Phương (ghi)
.
.
.