Tạo dựng lòng tin, kiểm soát bất đồng

Chủ Nhật, 24/01/2016, 08:41
5-10 năm tới, trước chiều sâu của hội nhập quốc tế, trong lĩnh vực an ninh cần tạo dựng được lòng tin và hình thành nên các cơ chế hợp tác có hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ, kiểm soát bất đồng và giải quyết các vấn đề nảy sinh... Vấn đề này được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu trong tham luận tại Đại hội ngày 23-1.

Theo Phó Thủ tướng, dấu ấn nổi bật nhiệm kỳ qua về đối ngoại là đã góp phần quan trọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, đưa mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Trong 5 năm qua, lần đầu tiên chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước láng giềng, các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới. Cụ thể là đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược thêm với 8 nước, quan hệ đối tác toàn diện thêm với 3 nước, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước và tổng số đối tác toàn diện lên 10 nước, trong đó Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Các khuôn khổ đó đã đưa quan hệ của ta với các đối tác lên tầm cao chiến lược, ổn định, đồng thời mang lại ngày càng nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội.

Chúng ta đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ký kết hoặc kết thúc đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do ta đã tham gia và đang đàm phán. Đối với cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành viên có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp xây dựng cộng đồng. Năm năm qua, chúng ta đã vận động được thêm 38 trong tổng số 59 đối tác chính thức công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường. Các hoạt động kinh tế đối ngoại đã đóng góp tích cực vào việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đổi mới công nghệ, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa và lao động, tăng cường thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch…

Đại hội làm việc tại hội trường.

Đáng chú ý, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chúng ta đã hoàn tất ký kết các hiệp định quản lý biên giới trên bộ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào tạo cơ sở xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và ổn định. Với Lào, hai bên đã hoàn thành việc tăng dày tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia giữa hai nước. Trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông, chúng ta đã sử dụng triệt để các biện pháp chính trị, ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề biển Đông, đồng thời duy trì đoàn kết trong ASEAN, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Chúng ta đã tranh thủ được công luận quốc tế lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Phó Thủ tướng khẳng định, chúng ta đã đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại đa phương với phương châm chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng”, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm nước chủ nhà của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững. Việt Nam được các nước tin cậy, tín nhiệm và luôn được bầu với số phiếu cao nhất tại tất cả các cuộc bầu cử vào các cơ chế của Liên hợp quốc.

Theo Phó Thủ tướng, với nước ta, trong 5-10 năm tới, chiều sâu của hội nhập quốc tế được thể hiện ngày càng rõ nét. Trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đưa hội nhập đi vào chiều sâu tức là phải tạo được sự đan xen, gắn kết lợi ích một cách lâu dài và bền vững giữa nước ta với các đối tác, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, nhất là với các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh và phát triển của đất nước. Tạo dựng được lòng tin và hình thành nên các cơ chế hợp tác có hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ, ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ, kiểm soát các bất đồng và giải quyết các vấn đề nảy sinh, nhất là các vấn đề có thể tác động nghiêm trọng tới an ninh và phát triển của đất nước ta. 

Bàn về chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, ông Phạm Xuân Đương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, qua 30 năm đổi mới, những thành tựu đạt được của quá trình CNH, HĐH đất nước là hết sức quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nền công nghiệp nước ta phát triển còn rất khiêm tốn, cơ cấu ngành nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng cho yêu cầu của công nghiệp hóa, năng lực dự báo, tiếp cận thị trường, sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tính tuân thủ hợp tác còn hạn chế. Đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ tồn tại này, trong đó ông Phạm Xuân Đương cho rằng, cần phát huy, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về tài nguyên, lợi thế so sánh và con người để nâng cao chất lượng CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh tích lũy nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc gia. Nâng cao năng lực tiếp cận, phát triển các yếu tố nguồn lực và thị trường, trong đó tập trung vào phát triển tiếp cận vốn và thị trường tài chính, lao động và thị trường lao động, khoa học công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở hạ tầng…

Đề cập việc giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, tuổi trẻ Việt Nam ngày càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta… Giải pháp được đưa ra là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh thiếu nhi, nhất là ở các thành phố lớn và địa bàn nhạy cảm. “Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi” – Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị.

Đ.Trường – H.Chi
.
.
.