Kiểm soát trong hoạt động tư pháp giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp

Thứ Sáu, 22/01/2016, 17:36
Chiều 22-1, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội làm việc tại Hội trường thảo luận về các văn kiện. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Chủ tịch nước điều hành phiên thảo luận.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã trình bày tham luận về vấn đề "Tòa án nhân dân tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình bày tham luận.

Theo đó, để thống nhất nhận thức, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn 2016 - 2020 tới đây, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Chính trị cho phép trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Đề án bổ sung biên chế Thẩm phán, công chức cho Tòa án nhân dân các cấp trong cả nước; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện về thể chế cụ tể hóa Hiến pháp, thể hiện sự kiểm soát trong hoạt động tư pháp giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp. 

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, trang bị phương tiện làm việc và công nghệ thông tin cho các Tòa án; xây dựng một bảng lương riêng cho công chức Tòa án; tổng kết lý luận và thực tiễn, nhất là tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, về việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức Đảng trong các Tòa án nhân dân theo hướng vừa đảm bảo thực hiện đúng đắn Điều lệ và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, vừa đảm bảo phù hợp với nguyên tắc độc lập xét xử và các nguyên tắc cơ bản khác liên quan đến Tòa án nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. 

Nêu những kết quả tích cực đã đạt được qua 30 năm đổi mới đất nước, Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là việc thực hiện chương trình trọng tâm cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015 đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định, đường lối, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng là hoàn toàn đúng đắn trong tiến trình xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa – Nhà nước của dân, do dân, vì dân; luôn đề cao việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”. 

Tuy nhiên, việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tư pháp còn chậm. Chất lượng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, luật sư, bổ trợ tư pháp còn chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan sai, bỏ lọt tội phạm… cần tiếp tục nghiên cứu định hướng xây dựng một nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. 

Huyền Chi (ghi)
.
.
.