Những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ Công an tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015 – 2020

Thứ Hai, 20/07/2020, 06:23
Đắk Lắk là tỉnh miền núi, ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược, quan trọng về chính trị, kinh tế và an ninh, quốc phòng. Diện tích 13.125km2 (là tỉnh có diện tích lớn thứ tư của cả nước); dân số khoảng 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khoảng 637.000 người, chiếm 33,6% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh được giữ vững, ổn định, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn phức tạp.


Về an ninh chính trị: Hoạt động tuyên truyền, móc nối, phục hồi FULRO, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo có nhiều diễn biến phức tạp; cùng với đó, các vụ việc về an ninh nông thôn liên quan đến tranh chấp khiếu kiện về đất đai, hợp đồng khoán sản phẩm, bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết triệt để dẫn đến tình trạng tập trung đông người tại các trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc cản trở lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng”.

Trên lĩnh vực trật tự, xã hội: Hoạt động của tội phạm có tổ chức, “tín dụng đen”, “bảo kê” thu mua nông sản, các loại tệ nạn cờ bạc, ma túy, tội phạm trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm (như: Giết người, Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm trẻ em), tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép... có thời điểm diễn biến phức tạp tại một số địa bàn của tỉnh, gây mất ANTT tại cơ sở.

Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề đối với toàn Đảng bộ Công an tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng.

Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk trao thưởng tặng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác 6 tháng đầu năm 2020.

Trước tình hình trên, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, tạo nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện về công tác bảo đảm ANTT, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH), phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nhiệm vụ đối ngoại của địa phương, nổi bật là:

(1). Chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành trên 160 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể triển khai các mặt công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”. Chủ động các phương án, phối hợp giải quyết ổn định nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, không để phát sinh “điểm nóng” về ANTT, không để đột xuất, bất ngờ trong mọi tình huống.

Đặc biệt đã tích cực, chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30-5-2019 về xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 317/QĐ-UBND ngày 18-2-2020 phê duyệt Đề án điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Đắk Lắk là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an xã chính quy).

Đến nay, đã hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% các xã trên địa bàn tỉnh theo đúng tiến độ và chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an và Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk.

(2). Tổ chức mở 15 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANCT, TTATXH và nhiều kế hoạch chuyên đề đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nổi lên. Qua đó, đã giữ vững thế chủ động về an ninh trong mọi tình huống, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, khủng bố, phá hoại, đột xuất, bất ngờ.

Đấu tranh, vô hiệu hóa âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá, đập tan âm mưu, ý đồ hình thành khung tổ chức phản động trên địa bàn tỉnh. Nắm chắc tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật về tôn giáo, hàng trăm vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, nhiều tình huống tập trung đông người ngay tại địa bàn cơ sở, không để phức tạp về ANTT. Đảm bảo tốt an ninh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tư tưởng, thông tin và an ninh mạng.

Tội phạm hình sự được tập trung đấu tranh kiềm giảm mạnh (giảm 13,42% số vụ so với năm 2015). Đến nay, về cơ bản đã kiềm chế hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức và hoạt động “tín dụng đen” (theo thống kê, tính đến 15-6-2020, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện băng nhóm tội phạm có tổ chức).

Tỷ lệ điều tra, khám phá án hình sự ở mức cao (trung bình 88,5%), điều tra các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 95% - vượt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Đấu tranh triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn, không để Đắk Lắk trở thành địa bàn trung chuyển, sản xuất ma túy trái phép.

Tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, môi trường đã được tập trung trấn áp mạnh, xử lý trên 3.500 đối tượng các loại. Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, đã tập trung phát hiện, xử lý hàng trăm vụ việc và đối tượng liên quan, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, môi trường sinh thái của tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước về ANTT, công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, đã vận động nhân dân giao nộp 1.960 khẩu súng các loại, 5.669 viên đạn, 75 lựu đạn, 521 kíp nổ và nhiều loại hung khí, công cụ hỗ trợ khác. Tai nạn giao thông được kiềm giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí.

Trên lĩnh vực cải cách hành chính, kể từ năm 2017 tổ chức xếp hạng trong công tác cải cách hành chính, Công an tỉnh Đắk Lắk 3 năm liền xếp loại xuất sắc trong xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Bộ Công an; đặc biệt năm 2019 kết quả khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết thủ tục hành chính Công an tỉnh Đắk Lắk đạt 97,6%, kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính đạt 95,52%; xếp loại “Xuất sắc” và đứng thứ 5/63 tỉnh thành phố trong toàn quốc.

(3). Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng: Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, gắn với việc chăm lo, bảo đảm chế độ chính sách, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cho CBCS và phát động các phong trào thiết thực, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí phấn đấu, thúc đẩy, động viên CBCS sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; điểm nổi bật là đã phát động phong trào “Tuổi trẻ Công an Đắk Lắk tình nguyện tăng cường cho cơ sở, chống tư tưởng ngại khó, ngại khổ và nói không với chọn đơn vị, chọn lĩnh vực công tác”, qua đó đã có hàng trăm CBCS viết đơn tình nguyện công tác tại cơ sở.

Mặt khác, Công an tỉnh đã tập trung sắp xếp kiện toàn về tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo mô hình mới, theo đó giảm 5 đơn vị cấp phòng, 34 đơn vị cấp đội và tương đương, đến nay các đơn vị đã đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả.

Công tác quản lý cán bộ, bảo vệ lực lượng được tập trung đẩy mạnh, gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác được triển khai quyết liệt, với tinh thần “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng thực hiện, trong nhiệm kỳ đã tiến hành 36 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.

Đặc biệt, nhằm xây dựng lực lượng Công an cơ sở ngày càng vững mạnh, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở, Công an tỉnh đã chủ động nghiên cứu xây dựng Sổ tay công tác của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn.

Đây là cẩm nang hệ thống hóa toàn bộ các quy trình công tác của lực lượng Công an cơ sở theo phân cấp nghiệp vụ. Hiệu quả thực tế từ cách làm trên đã được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu để nhân rộng thực hiện trên phạm vi cả nước.

(4). Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó:

- Đã chủ trì tham mưu, phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức thành công Lễ ký kết giao ước thi đua giữa các tôn giáo về việc thực hiện phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giảm nghèo bền vững và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn tỉnh.

Đây là việc làm mang tính đột phá, sáng tạo chưa có tiền lệ trước đây, với mục tiêu đoàn kết các tôn giáo trên địa bàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm ANTT, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

- Triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”. Qua thời gian thực hiện thí điểm tại Công an TP Buôn Ma Thuột và Công an huyện Cư Mgar, hiện nay mô hình này đang được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh triển khai đồng loạt trong toàn lực lượng Công an tỉnh.

Việc áp dụng hình thức tuyên truyền, phòng chống các loại tội phạm thông qua mạng xã hội đã phần nào nâng cao ý thức cảnh giác trong phòng chống tội phạm của người dân, góp phần kéo giảm chung của toàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2020.

(5). Cùng với đó, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, hoạt động tình nghĩa, hướng về cơ sở được đẩy mạnh, tạo sự đoàn kết, gắn bó, thu hút CBCS tham gia. Đặc biệt, đã đăng cai tổ chức và tham gia Hội thi điều lệnh, bắn súng, võ thuật CAND lần thứ 5 bảng số 7 và vòng Chung kết khu vực phía Nam năm 2019 đạt thành tích cao, tạo ra phong trào rèn cán, luyện quân, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh và không khí thi đua sôi nổi trong toàn Công an tỉnh; tổ chức trên 1.000 đợt hướng về cơ sở, chung sức cùng cộng đồng; thăm và tặng quà gia đình chính sách và CBCS, đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng; hiến 1.822 đơn vị máu; phối hợp xây, tặng 64 công trình; tổ chức nấu và phát 10.000 suất cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo...

Với kết quả, thành tích xuất sắc trên các mặt công tác đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 9 tổ chức cơ sở đảng được Tỉnh ủy tặng Cờ, Bằng khen, 44 lượt cá nhân được Tỉnh ủy tặng Bằng khen; 1.334 lượt tập thể, 4.959 lượt CBCS được các cấp khen thưởng dưới các hình thức.

Trước những kết quả nổi bật nêu trên, Công an tỉnh nhiều lần được đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh gửi thư động viên, khen ngợi; được quần chúng nhân dân ủng hộ, tin tưởng. Đặc biệt, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có đánh giá với những thành tích, chiến công và kết quả công tác của toàn Đảng bộ, lực lượng Công an tỉnh “đã làm thay đổi diện mạo của Công an tỉnh Đắk Lắk so với thời gian trước đây, nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém về bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng lực lượng trong những năm trước, đến nay đã cơ bản giải quyết, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Với truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; cùng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả, toàn lực lượng Công an tỉnh sẽ đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu, phát huy những kết quả nổi bật đã đạt được, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, tiếp tục xây dựng Công an Đắk Lắk lớn mạnh không ngừng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong tình hình mới.

Đại tá, T.S Lê Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk
.
.