“Bốn cùng” với dân bản

Thứ Tư, 14/02/2018, 17:17
Tuổi thanh xuân với biết bao hoài bão, cũng là tuổi đẹp nhất cống hiến cho công việc mà họ gắn bó, yêu mến. Với nhiều chiến sĩ trẻ ở Công an tỉnh Bắc Kạn, tuổi thanh xuân của họ là gắn bó với mỗi bản làng, với từng thửa ruộng bậc thang, với mỗi con người bình dị bên nếp nhà sàn. 

Trên cánh đồng vàng sắc xuân, tiếng liềm cứa vào thân ngô hòa với tiếng trò chuyện chộn rộn cả một góc nương. Đó là khung cảnh quen thuộc và yên bình mà cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn “bốn cùng” với dân trong các đợt tăng cường cơ sở. 

Trên thửa ruộng bậc thang vàng óng trong sắc xuân rực rỡ là màu xanh quân phục lấp lánh trong nương ngô. Cùng dân gặt lúa, bẻ ngô, làm đường… là công việc thường ngày của những cán bộ Công an tỉnh Bắc Kạn đi tăng cường cơ sở. 

Họ làm việc mà dân bản làm, ăn thức ăn mà dân bản ăn, ngủ trên nhà sàn của dân, nói tiếng nói của đồng bào dân tộc. “Bốn cùng” với dân đã trở thành nhiệm vụ của những chiến sĩ Công an tăng cường cơ sở ở những địa bàn trọng điểm về ANTT.  

Cái rét ngọt cuốn chúng tôi vào từng câu chuyện “bốn cùng” của những chiến sĩ trẻ đi tăng cường cơ sở. Nơi họ đến đều là những điểm nóng về an ninh nông thôn ở Bắc Kạn, là những địa bàn bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Nhiều đông bào người dân tộc vùng cao Bắc Kạn đã bị tổ chức này lôi kéo, dụ dỗ đi theo.

Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn có Kế hoạch 306 thành lập tổ công tác tăng cường tại địa bàn bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Bốn tổ công tác gồm 22 CBCS được triển khai xuống địa bàn 4 huyện (Chợ Mới, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Pắc Nặm).

Tuổi trẻ Công an tỉnh Bắc Kạn giúp dân làm nương.

Theo chân Thiếu úy Nông Ngọc Tuấn, Phòng phòng chống phản động và chống khủng bố (Phòng PA88) chúng tôi mới chỉ cảm nhận được một phần công việc và tâm huyết của các anh mỗi đợt đi tăng cường cơ sở. Anh là chiến sĩ trẻ, từ ngày về nhận công tác tại Công an tỉnh Bắc Kạn đều gắn bó “bốn cùng” với người dân bản Lũng Lia. 

Trước khi về công tác ở Phòng PA88 vào tháng 4-2017, Thiếu úy Nông Ngọc Tuấn đã có 4 năm công tác tại Đội An ninh Công an huyện Ngân Sơn. Với anh, Lũng Lia quá đỗi quen thuộc vì ngần ấy năm công tác ở Công an huyện Ngân Sơn, anh có 2 năm làm nhiệm vụ tăng cường đảm bảo an ninh ở nơi đây. Mỗi ngọn suối, nóc nhà, mỗi con người đã trở thành thân thiết với công việc thường ngày của anh. 

Tổ công tác tăng cường lần này gồm 5 đồng chí do Thượng tá Nông Văn Thành (Phó trưởng Công an huyện Ngân Sơn) làm Tổ trưởng. Bản Lũng Lia nằm độc đạo trên núi cao, đường vào chỉ có đi bộ, qua nhiều khe suối cheo leo, hoang vắng.  

Tổ công tác chia nhau triển khai đến nhà dân, anh em đều biết tiếng Mông nên cùng các hộ gia đình đi làm nương. “Bà con làm gì thì mình làm nấy, có khi cả ngày đi làm cùng họ, nhưng họ cũng không bắt chuyện với mình. Mình phải kiên trì, dần dần cho họ hiểu để họ không lảng tránh nữa. Sau khi đã nói chuyện được với họ, tạo cho họ tin tưởng thì mới dễ dàng vận động được” – Thiếu úy Nông Ngọc Tuấn kể lại. 

Đi làm cùng dân nghe thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng kỳ thực đây cũng là một công việc không kém phần vất vả. Nương ở mãi tận xa, anh em phải dậy từ rất sớm, tối về muộn, đường xuống bản không quen chỉ cần sơ sểnh là lao xuống vực.  

Dáng người to khỏe, Thượng úy Lương Như Đại (Đội An ninh tôn giáo, Phòng PA88) gắn bó với cơ sở từ khi anh về nhận công tác ở Công an huyện Chợ Đồn. Công việc của anh luôn phải gắn với đồng bào dân tộc, thời gian ở bản nhiều hơn ở nhà. Mỗi chuyến “cắm bản” có thể là nửa năm, một năm, tuổi thanh xuân anh đã dành trọn cho công việc. 

Tháng 3-2018 anh chuyển công tác về Phòng PA88 thì tháng 5 anh nhận nhiệm vụ đi tăng cường cơ sở ở 2 điểm “nóng” là Khuổi Sáp và Dù Lùng 2 (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn). Dù Lùng có 35 hộ thì 17 hộ theo tổ chức trái phép Dương Văn Mình, nằm biệt lập ở hai bên khe núi hiểm trở, đi lại vô cùng khó khăn. Ngày mưa thôn bị cô lập hoàn toàn, không vào và cũng không ra được. 

Ở Khuổi Sáp cứ nghe tiếng xe của người Kinh, dân bản đóng cửa coi như không có ở nhà. Thế nên, mỗi đợt tăng cường, anh em đều xác định “bốn cùng” với dân trong thời gian dài, thậm chí là nhiều năm.

Nhiệm vụ của mỗi chiến sĩ An ninh cơ sở để hoàn thành được đều phải nhờ vào dân và dựa vào dân. Thượng úy Lương Như Đại kể rằng, đường vào bản khó đi, xe máy mua mới chỉ một năm đã hỏng. 

Để liên lạc về nhà, anh em phải leo cả giờ mới tìm được chỗ có sóng điện thoại. Muốn tạo được thiện cảm với dân, không chỉ đi làm cùng họ, nói tiếng nói của họ, mà còn phải luôn giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong của người chiến sĩ CAND để người dân có cảm tình, có niềm tin. Vận động họ là cả một quá trình không đơn giản, phải là người có kinh nghiệm, tiếng nói phải có trọng lượng, phải khiến họ cảm tình. 

Anh bảo, mùa hè không có điện, mắc màn thì nóng, bỏ màn thì muỗi. Họ tìm nguồn gió mát bằng cách rủ nhau ra suối ngồi. Có những cái Tết, trong nhà vợ con chờ họ về, nhưng vì nhiệm vụ, bước chân họ vẫn còn in dấu ở trên những bản cao.

Vất vả, khó khăn có lẽ chỉ người trong cuộc mới cảm nhận hết được, nhưng thấu hiểu được sự gian khổ đó, chúng tôi mới thấm thía hết công việc thầm lặng của những chiến sĩ An ninh cơ sở. Với nhiều chiến sĩ An ninh trẻ ở Công an tỉnh Bắc Kạn, Tết Mậu Tuất này, họ vẫn ở vùng cao đón Tết với đồng bào nơi họ đang “cắm bản”, chỉ gửi một phần thương nhớ về tới gia đình.

Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.