Bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ đầm Thị Nại

Thứ Tư, 06/10/2021, 07:01

Ðầm Thị Nại nằm phía Đông Bắc TP Quy Nhơn (Bình Định), là đầm nước mặn-lợ có diện tích tự nhiên khoảng 5.000ha. Từ lâu, rừng ngập mặn nơi đây được ví là “lá phổi xanh” với hệ sinh thái đa dạng, tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân sống ven đầm.

Xóm Cồn Chim, một dải đất nổi lên cao giữa đầm Thị Nại thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Quanh cồn, các loại cây đưng, đước, sú vẹt… sinh sôi, tạo nên một vùng trù phú, màu mỡ cho tôm, cua, cá trú ngụ; cho cò, le le, sếu… quần tụ. “Lúc đầu, một số người đi đánh lưới chọn cồn làm nơi nghỉ chân khi trưa nắng hoặc ẩn nấp khi sóng gió. Dần dần, không ít người chọn đất cồn làm nơi sinh sống, để thuận lợi cho nghề đánh bắt thủy, hải sản”, ông Huỳnh Ngọc Biên, Trưởng thôn Vinh Quang 2 khái quát về quá trình hình thành nên xóm Cồn Chim.

thi-nai.jpg -0
Rừng ngập mặn trong đầm Thị Nại là nơi trú ngụ của quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú theo mùa.

Cồn Chim cách bờ chừng 5 phút đi đò. Nơi đây từng là vùng căn cứ địa vững chắc cho cách mạng, nhờ vào lợi thế rừng ngập mặn dày đặc bao phủ. Cũng như cây rừng ngày đêm che chở bộ đội, người dân Cồn Chim đều tham gia cách mạng. Theo các cụ cao niên, trước năm 1968, không quá 30 hộ sinh sống ở Cồn Chim nhưng hầu hết đi làm cách mạng. Không ít người bị địch bắt, bị cạo đầu bôi dầu hắc, rồi phơi nắng, bỏ cho chết khát...

Năm 1968, đất Cồn Chim oằn mình chịu đựng nỗi đau khi hàng chục người dân và bộ đội, cán bộ cách mạng bị thảm sát tập thể tại hầm trú ẩn. Căn hầm đó, ngày nay được chính quyền xây mộ tập thể, trở thành nơi tưởng niệm về sự hi sinh của những người con can trường. Đầu xóm, Bia tưởng niệm liệt sĩ (được tập thể xóm Cồn Chim lập năm 2003) ghi danh 71 người anh hùng xứ cồn đã hy sinh vì độc lập, tự do. Bằng chứng lịch sử đó là minh chứng cho sự dũng cảm, can trường của con người Cồn Chim trong chặng đường oai hùng đứng lên đấu tranh góp sức để giành độc lập cho dân tộc.

Sau năm 1975, xóm Cồn Chim vẫn vỏn vẹn 30 hộ gia đình. Đến năm 1992, khi điện “vượt” đầm ra với Cồn Chim, số hộ của xóm đã tăng lên trên 100 hộ. Chính sách giao khoán, bảo vệ diện tích mặt nước cũng góp phần tăng số hộ dân của xóm. Đến tháng 10/2021, Cồn Chim đã có 220 hộ/696 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy hải sản trong đầm Thị Nại. Cùng với Cồn Trạng, Cồn Giá và một phần thủy vực tự nhiên ở phía Nam và Tây Nam Cồn Chim thuộc xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận (huyện Tuy Phước), Cồn Chim đã và đang trong quá trình quy hoạch xây dựng để phát triển thành khu du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng chú trọng giữ gìn vẻ hoang sơ của đầm Thị Nại.

Ngoài vẻ đẹp hệ sinh thái đa dạng với các loài thủy sản có giá trị cao, Cồn Chim còn ở vị trí thuận lợi kết nối với các điểm đến du lịch lân cận như chủng viện Làng Sông, nhà thờ Gò Thị, chùa Linh Phong, đồi cát Nhơn Lý, đảo Hòn Khô… Vẻ đẹp văn hóa - lịch sử một vùng đất, những trải nghiệm các nghề truyền thống của ngư dân vùng đầm phá đang chờ du khách trong và ngoài nước khám phá.

Chưa hết, với nguồn lợi thủy hải sản trong đầm Thị Nại vô cùng đa dạng, có giá trị cao như: tôm, cua, cá mú, cá hồng, cá dìa, cá đối, các loài nhuyễn thể và hàng chục hecta rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú theo mùa, đầm Thị Nại nói chung và Cồn Chim nói riêng được ví như “sông nước Miền Tây”, rất phù hợp để phát sinh du lịch sinh thái.

Lão ngư Trần Hữu Khánh (76 tuổi, ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), tâm sự rằng, cuộc sống bà con ngư dân ven đầm khấm khá từng ngày là nhờ vào nguồn lợi thủy hải sản trong đầm Thị Nại đem lại. Cá, tôm trú ngụ ở đầm Thị Nại nhiều cũng nhờ vào khu rừng ngập mặn dày đặc trên đầm. Nhận thấy lợi ích rừng ngập mặn đem lại, người dân ven đầm Thị Nại đã chung tay bảo vệ rừng. Nhờ chăm sóc, bảo vệ rừng nghiêm ngặt, nên những dải rừng xanh ngập mặn ven đầm đã bảo vệ môi trường, chống xói lở, che chở nhà cửa cho cư dân ở đây. Đồng thời, góp phần đa dạng sinh học, đảm bảo cân bằng sinh thái, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho con người.

Xác định rừng ngập mặn đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống xâm thực thủy triều, chống biến đổi khí hậu, là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật hữu ích. Cuối năm 2010, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch trồng rừng, bảo vệ rừng ngập mặn giai đoạn 2010-2020 với tổng diện tích hơn 460ha. Riêng đầm Thị Nại được quy hoạch gần 240ha, trong đó diện tích rừng hiện có là 70ha. Năm 2021, Bình Định tiếp tục ban hành kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021-2025 với tổng diện tích được giao khoán, bảo vệ là 55,41ha. Trong đó, tiếp tục khoán bảo vệ đối với diện tích 42,77ha rừng đã có, 12,64ha rừng mới trồng và phát triển rừng trồng mới thêm 10ha.

Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, cho hay: “Đơn vị đang xây dựng các mô hình trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo hài hòa lợi ích kinh tế của hộ nhận khoán mà vẫn phát huy hiệu quả của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đồng thời, có cơ chế chuyển đổi nghề đối với những hộ dân khai thác thủy sản trên các bãi bồi ven biển để giảm áp lực trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn”.

Thanh Liêm
.
.
.