Tổng thống Pháp Macron kỳ vọng “thổi luồng gió mới” vào nội các

Thứ Năm, 18/10/2018, 08:51
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa tiến hành một đợt cải tổ nội các quan trọng nhằm vực dậy niềm tin của người dân nước này vào chính phủ, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ dành cho chính quyền của ông Macron liên tục lao dốc.

Ngày 16-10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành một đợt cải tổ nội các quan trọng, với việc một loạt nhân sự cấp cao được thay mới, hãng thông tấn Reuters đưa tin. Trong thông báo chính thức của Điện Elysee, nội các mới của Pháp sẽ bao gồm 34 thành viên, trong số này một nửa là phụ nữ, đúng theo tinh thần bình đẳng mà ông Macron nhiều lần nhắc tới, và vẫn được điều hành bởi Thủ tướng 47 tuổi Edouard Philippe.

Các nhân vật chủ chốt như Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian, 71 tuổi, và Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, 49 tuổi, sẽ tiếp tục được giữ nguyên, trong khi các vị trí của người đứng đầu Bộ giáo dục, văn hóa, môi trường, nông nghiệp được thay mới bằng những gương mặt trẻ. Điểm đáng chú ý nhất trong chiến dịch cải tổ lần này là việc ông Macron quyết định đưa cựu nghị sĩ đảng Xã hội Christophe Castaner thân cận vào ghế Bộ trưởng Nội vụ - một trong những vị trí quan trọng nhất của Chính phủ Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Bloomberg.

Ông Castaner từng đảm nhận cương vị người phát ngôn của chính phủ trong vài tháng, sau đó làm Chủ tịch đảng Nền Cộng hòa tiến bước của ông Macron. Với việc đưa ông Castaner vào chiếc “ghế nóng” ở Bộ Nội vụ, Tổng thống Macron dường như đang quyết tâm củng cố chính phủ của ông sau một loạt đơn từ chức, đồng thời thúc đẩy động lực cải cách hiện có dấu hiệu giảm sút.

Theo tờ Washington Post, cuộc cải tổ này xuất phát từ quyết định từ chức bất ngờ của cựu Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb hôm 2-10. Ông Collomb là người thứ ba trong nội các của ông Macron, sau Bộ trưởng Môi trường Nicolas Hulot và cựu Bộ trưởng Thể thao Laura Flessel, quyết định “dứt áo ra đi” vì bất đồng với các chính sách của chính phủ. Sự rút lui liên tục của những nhân vật này theo đó đã đặt ra áp lực không hề nhỏ với ông Macron, trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ của người dân Pháp dành cho ông và nội các ngày càng tụt dốc.

 Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận mới được Viện ý kiến công luận Pháp – IFOP công bố hồi cuối tháng 9, tỷ lệ ủng hộ vị Tổng thống 40 tuổi này đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu nhiệm kỳ khi chỉ 29% người được hỏi cho biết hài lòng với sự lãnh đạo của ông. Hồi tháng 8, số người ủng hộ ông Macron là 34%. Con số này vào tháng 7 cao hơn một chút, ở mức 39%. Trong khi đó, nhiều thành viên khác trong chính quyền Pháp cũng phải nhận các đánh giá không mấy tích cực như việc Thủ tướng Edouard Philippe chỉ nhận được sự “hài lòng” từ 34% dân chúng Pháp.

Ông Macron, một người theo đường lối trung dung với những chủ trương thân thiện với kinh doanh, đã chiến thắng áp đảo trước đối thủ cực hữu Marine Le Pen để trở thành nhà lãnh đạo Pháp trẻ nhất từ thời Napoleon. Ông Macron tuyên thệ nhậm chức từ tháng 5-2017 với cam kết vực dậy nền kinh tế Pháp vốn đang trì trệ, và thay đổi trật tự chính trị trong và ngoài nước.

Sau hơn một năm lãnh đạo nước Pháp, ông Macron dần trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới nhờ đại diện cho cả châu Âu trong nhiều vấn đề nóng và tỏ ra năng nổ trong công cuộc tìm lại vị trí trước đây cho nước Pháp trên chính trường quốc tế sau một giai đoạn nhạt nhòa dưới thời người tiền nhiệm Francois Hollande.

Tuy nhiên, tại Pháp, mọi thứ với ông Macron lại khó khăn hơn nhiều khi mà phe phản đối ông cho rằng các chính sách cải cách mà ông đang tiến hành chỉ có lợi cho người giàu và ảnh hưởng xấu đến người lao động. Guardian cho biết, thách thức lớn nhất của ông Macron vẫn là vực dậy sức mạnh của nền kinh tế, song các chính sách cải tổ có lợi cho doanh nghiệp của ông đến nay chưa làm giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp cũng như chưa tạo ra tăng trưởng như kỳ vọng. Việc ông đang tìm cách nới lỏng các tiêu chuẩn về sử dụng lao động, giúp các công ty ở Pháp dễ dàng hơn trong việc sa thải công nhân cũng khiến nhiều cử tri không hài lòng.

Thêm vào đó, trong tháng 9 vừa qua, Tổng thống Macron lại một lần nữa vấp phải nhiều phản đối trong dân chúng Pháp khi chính quyền nước của ông lên kế hoạch thu thuế thu nhập cá nhân ngay từ trước khi trả lương.

Giới quan sát nhận định, với việc ra mắt một nội các được đổi mới toàn diện các vị trí quan trọng trong công tác đối nội, ông Macron dường như muốn “thổi một luồng gió mới” vào việc điều hành đất nước theo hướng quan tâm hơn tới tiếng nói của người dân lao động, qua đó vực dậy niềm tin của đa số dân chúng vào Chính phủ Pháp. 

Trong tuyên bố mới nhất, Điện Elysee cho biết, Tổng thống Macron tin tưởng đợt cải tổ lần này sẽ mang lại “một tập thể được đổi mới” nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị không thay đổi, với chủ trương cốt yếu là tiến hành những cải cách cần thiết. Trong khi đó, phát biểu trước người dân Pháp sau khi công bố các vị trí mới trong nội các, đích thân Tổng thống Macron đã nhấn mạnh: “Chính phủ (Pháp) đang đi đúng hướng và sẽ nỗ lực giải quyết mọi vấn đề từ gốc rễ”.

Thiện Minh
.
.
.