Phát hiện mới đáng quan ngại về biến thể virus SARS-CoV-2

Thứ Sáu, 06/05/2022, 08:47

Trong khi nhiều nước trên thế giới bỏ hạn chế và quyết định sống chung với dịch, bước vào thời kỳ “bình thường mới”, tình hình COVID-19 tại một số khu vực vẫn đang có những diễn biến phức tạp và đáng quan ngại.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus ngày 4/5 cho biết các nhà khoa học Nam Phi đã chỉ ra nguyên nhân khiến số ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này gia tăng trong thời gian gần đây là do sự lây lan của BA.4 và BA.5, 2 trong số 5 dòng phụ của Omicron được giới khoa học xác định cho đến hiện nay.

 Nam Phi hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi với gần 3,8 triệu ca mắc và hơn 100.000 ca tử vong. Đến nay, gần 45% người trưởng thành ở nước này đã tiêm đủ liều cơ bản, nhờ đó số ca nhiễm mới đã liên tục giảm cho đến đầu tháng 4, thời điểm nước này gỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế để phòng dịch. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới hiện đang tăng trở lại, trong tuần qua tăng 50%.

Phát hiện mới đáng quan ngại về biến thể virus SARS-CoV-2 -0
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khó lường tại nhiều khu vực trên thế giới. Ảnh minh họa AP

Trong khi đó, theo NBC, Mỹ đã chạm mốc 1 triệu ca tử vong vì COVID-19 ngày 5/5, tổng số ca nhiễm được ghi nhận tại nước này đến nay là hơn 81,6 triệu, cao nhất thế giới. Cột mốc nghiệt ngã này là một lời nhắc nhở rằng Mỹ vẫn đang phải chống chọi với sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ hối thúc người dân tiếp tục đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng để bảo vệ bản thân và những người xung quanh do mật độ người tập trung tại khu vực này rất cao. Trước đó, CDC Mỹ đã gia hạn quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với người sử dụng phương tiện công cộng đến ngày 3/5.

Tại Trung Quốc, theo cập nhật của Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) nước này ngày 5/5, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 360 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có 261 ca ở Thượng Hải. Trung Quốc cũng ghi nhận thêm 13 ca tử vong do COVID-19, đều ở Thượng Hải, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 5.141 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát cách đây hơn 2 năm.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết ngày 5/5, nước này ghi nhận thêm 42.296 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 17.438.068 ca. Số ca mắc mới ngày 5/5 đã giảm nhẹ so với 49.064 ca ngày 4/5 và giảm mạnh so với 57.464 ca một tuần trước đó. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 79 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh này đến nay lên 23.158 ca.

Ở phạm vi toàn cầu, số ca tử vong do COVID-19 được WHO chính thức ghi nhận là hơn 6,2 triệu ca, song con số thực tế được cho là cao hơn. Tính đến cuối ngày 5/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trên toàn thế giới là 515,6 triệu, theo Đại học Johns Hopkins. Hiện số ca nhiễm mới và số bệnh nhân không qua khỏi ghi nhận hằng ngày toàn thế giới liên tục giảm và đã xuống con số thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cho rằng điều này không nói lên tất cả khi số ca lây nhiễm mới đang có chiều hướng gia tăng tại châu Mỹ và châu Phi do sự lây lan của các biến thể phụ của Omicron. Đáng chú ý, các nước ở thời điểm hiện tại không còn chú trọng và thậm chí không tiến hành xét nghiệm.

Kể từ khi được phát hiện tại Nam Phi cuối tháng 11/2021, đến nay Omicron đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo toàn cầu, trong đó dòng phụ “Omicron tàng hình” BA.2 gây ra phần lớn các ca nhiễm mới do có đặc tính lây nhiễm nhanh hơn. Trong báo cáo dịch tễ học mới nhất của WHO, cơ quan này cho biết BA.4 và BA.5 đã có một số đột biến bổ sung có thể ảnh hưởng đến đặc tính của 2 biến thể này. Theo ông Tedros, hiện còn quá sớm để xác định 2 biến thể phụ này có thể khiến dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn các biến thể phụ khác của Omicron hay không. Thêm nữa, người đứng đầu WHO nhấn mạnh các dữ liệu giai đoạn đầu cho thấy tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vẫn là biện pháp bảo vệ hiệu quả con người khỏi nguy cơ tử vong và trở nặng khi mắc bệnh.

Liên quan đến vấn đề này, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts, Đại học Minerva và Trường Y Harvard (Mỹ), biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 về bản chất cũng nguy hiểm như các biến thể ghi nhận trước đó, điều này trái ngược với những kết luận được đưa ra trong các nghiên cứu trước đây rằng Omicron có khả năng lây lan với tốc độ vượt trội so với các biến thể khác, song lại gây ít ảnh hưởng hơn.

 Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích hồ sơ bệnh án của 130.000 bệnh nhân COVID-19 trong thời gian hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19, cũng là thời điểm liên tiếp xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2. Họ khẳng định nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân mắc Omicron tương tự ở các biến thể khác của SARS-CoV-2. Nghiên cứu hiện đang trong quá trình bình duyệt tại cơ quan thẩm định và đã được đăng tải trên Research Square ngày 2/5.

Trước Omicron, các biến thể Beta, Gamma, Alpha và Delta lần lượt xuất hiện, trong đó Delta - biến thể xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 10/2020, đã nhanh chóng lây lan trên toàn thế giới và đây được coi là biến thể nguy hiểm nhất khi số người nhiễm, nhập viện và tử vong do COVID-19 đặc biệt tăng vọt. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Ben-Gurion của Israel thực hiện và được công bố trên tạp chí Science of The Total Environment cho thấy biến thể Delta vẫn có khả năng làm bùng phát một đợt dịch COVID-19 khác trong năm nay.

Tiến Anh (Tổng hợp)
.
.
.