NATO kỷ niệm 70 năm trong bộn bề khác biệt

Thứ Ba, 03/12/2019, 08:55

Những tràng pháo tay sẽ vang lên khi các nhà lãnh đạo NATO tụ họp tại London trong lễ kỷ niệm 70 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – Liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến London tối muộn 2-12 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh Reuters. 

Tuy nhiên, với việc Tổng thống Pháp tố NATO đang “chết não”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ biến thành cái gai trong mắt của các đồng minh khi mua vũ khí của Nga hay một Tổng thống Mỹ luôn nghi ngại về toàn bộ tiền đề của siêu cường đang bảo vệ cho phương Tây – tương lai chính trị của NATO bỗng trở nên mơ hồ, một điều tưởng hiếm thấy nhưng lại là khá hiển nhiên.

“Câu hỏi đặt ra là, khi chúng ta kỷ niệm 70 năm, chúng ta sẽ vẫy tay chào mọi người trong lễ kỷ niệm hay người ta sẽ nghĩ là chúng ta đang chết đuối?” một quan chức cấp cao NATO châu Âu cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt chân đến thủ đô London của Vương quốc Anh vào tối muộn ngày 2-12 theo giờ địa phương, chính thức mở màn cho sự kiện được chờ đợi nhất tuần này trong thế giới phương Tây khi nguyên thủ 29 quốc gia thành viên khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO nhóm họp để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập khối.

Nữ hoàng Anh Elizabeth sẽ tiếp đón các lãnh đạo NATO tại Cung điện Buckingham. Tiếp đó, trong ngày 4-12, toàn thể các nguyên thủ NATO sẽ có buổi họp báo chung để thông báo kết quả của cuộc họp Thượng đỉnh và ra tuyên bố chung. Nguồn tin ngoại giao phát đi từ Đức cho biết, tuyên bố chung lần này của NATO sẽ có cam kết về phòng thủ tập thể.

Một loạt các cuộc họp song phương cấp cao bên lề cũng sẽ diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nguyên thủ các nước NATO như Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tuy nhiên, ngay cả với chủ nhà Anh, nước được coi là nhiệt tình bậc nhất trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương trong nhiều thập kỷ, cũng đang có những bất đồng nhất định khi nước này quyết dứt áo ra đi khỏi EU và bị phân tâm bởi một cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Người đứng đầu NATO, Jens Stoltenberg, mặc dù có những bất đồng, liên minh vẫn đang có “thể trạng tốt”, đã tăng cường khả năng của mình trong tiến hành sứ mệnh cốt lõi là bảo vệ châu Âu sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

“Chúng ta đang phải đối mặt với một nghịch lý. Đúng là chúng ta có nhiều khác biệt, nhưng thực tế là chúng ta đang cùng hợp tác trong nhiều năm qua”, ông Stoltenberg cho biết.

Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada sẽ cam kết chi 400 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024, nhằm xoa dịu Tổng thống Donald Trump, người từ lâu đã nói rằng các đồng minh của Mỹ cần chi nhiều hơn cho phòng thủ tập thể.

Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc trong nhiều bộn bề. Ảnh minh họa Getty Images. 

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ đồng ý một mức ngân sách mới cho giai đoạn 2021-2024, trong đó sự đóng góp của Mỹ để tài trợ cho liên minh sẽ giảm xuống. Các lãnh đạo cũng sẽ phê duyệt một chiến lược mới để lần đầu tiên theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc và liệt kê không gian là một lĩnh vực của chiến tranh, cùng với trên không, trên bộ, trên biển và trên mạng.

Tuy nhiên, các đồng minh NATO vẫn còn nhớ như in sự xuất hiện của ông Trump tại Hội nghị năm ngoái, giờ sẽ phải tranh cãi với hai nhà lãnh đạo chủ chốt khác của khối, đó là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Còn nhớ, ông Macron hồi tháng trước đã khiến cả liên minh phải “rung mình” khi ông công khai bày tỏ quan ngại về nguyên lý trung tâm của NATO rằng một cuộc cuộc tấn công nhằm vào một thành viên chính là cuộc tấn công nhằm vào cả liên minh.

Sự thất vọng của ông đối với việc Mỹ rút quân khỏi Syria hồi tháng 10 vừa qua, đã tạo tiền đề cho cuộc tấn công đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria, khiến ông Macron mô tả liên minh này đang “chết não”, hay thiếu chiến lược.

Ông Erdogan một mực theo đuổi chiến lược nhằm đánh bại các chiến binh người Kurd tại Syria, lực lượng vốn là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, thậm chí còn từ chối ủng hộ kế hoạch phòng vệ của NATO ở vùng biển Baltic và Ba Lan. Ông cũng thách thức các đồng minh của mình khi mua hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nga, bất chấp lời đe dọa trừng phạt của Mỹ.

Nhiều nước Đông Âu đang xem xét liệu có nên đối đầu với ông Erdogan tại London hay không, nhưng họ cũng cần sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chống lại Nga, nước đã phát triển các tên lửa mới có khả năng tấn công châu Âu.

Đức và Pháp đề xuất NATO thành lập một ủy ban gồm nhiều nhân vật có uy tín để xem xét vai trò chính trị trong tương lai của liên minh này, gửi báo cáo cuối cùng đến hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của khối dự kiến diễn ra vào năm 2021.

Duy Tiến
.
.
.