Triệt phá xưởng sản xuất ma tuý cực lớn của người Trung Quốc tại Kon Tum:

Núp bóng phòng thí nghiệm để… sản xuất ma túy

Thứ Năm, 12/09/2019, 12:15

Theo lời khai của chủ doanh nghiệp, những người Trung Quốc này đến gặp và xin hợp tác mở “phòng thí nghiệm” trong xưởng gỗ để pha chế hoá chất sấy, ép gỗ. Tuy nhiên, chỉ đến khi lực lượng Công an ập vào bắt giữ thì mới biết họ sản xuất ma tuý…


Sáng 12-9, phóng viên Báo CAND đã trở lại hiện trường nơi lực lượng Bộ Công an vừa phối hợp cùng các đơn vị liên quan triệt phá xưởng sản xuất ma tuý cực lớn của nhóm đối tượng người Trung Quốc tại địa bàn thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum để ghi nhận.
Toàn cảnh khuôn viên bên trong của xưởng gỗ

Theo ghi nhận của phóng viên, địa điểm mà các đối tượng dùng làm “đại bản doanh” để sản xuất ma tuý là xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên (do ông Trần Ngọc An làm đại diện) nằm trong làng nghề ở thị trấn Đắk Hà, chuyên sản xuất các loại đồ gỗ mỹ nghệ, gỗ ép các loại. Khuôn viên của xưởng chế biến gỗ này rộng chừng 1.000m2, bên ngoài được che chắn kín mít bởi những tấm tôn cao quá đầu người.

Mặc dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng khi vừa bước chân vào phía trong xưởng, phóng viên vẫn cảm nhận được mùi hoá chất bốc lên nồng nặc. Tại đây, còn rất nhiều thùng nhựa đựng các dụng cụ bằng thủy tinh trong suốt để điều chế hóa chất thành ma túy tổng hợp đã được phủ bạt. Ngoài ra, còn rất nhiều hóa chất đặc quánh màu trắng, nâu trong các thùng nhựa để lăn lóc ở một góc xưởng.

Một góc phía trong xưởng, nơi đặt dụng cụ, máy móc của các đối tượng

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Viên (vợ ông An) cho biết, trong một chuyến đi làm ăn tại Lào khoảng mấy tháng trước, bà có quen biết một người Việt Nam chuyên phiên dịch cho các doanh nghiệp người Trung Quốc. “Khoảng đầu tháng 7-2019, người này dẫn đến xưởng một nhóm người Trung Quốc. Qua phiên dịch, nhóm người này ngỏ ý muốn hợp tác làm ăn với vợ chồng tôi. Họ còn cho biết, họ đã khảo sát rất kỹ và nhận thấy, xưởng gỗ của gia đình tôi là đại điểm rất tốt để mở cơ sở chế tác ván ép, phân bón hữu cơ”, bà Viên nói.

Cũng theo bà Viên, ngoài vấn đề hợp tác làm ăn, nhóm người Trung Quốc này đã yêu cầu được lập “phòng thí nghiệm” ngay tại xưởng gỗ để pha chế hoá chất sấy gỗ, nghiên cứu công thức chế biến phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, việc làm này phải chính do người của họ trực tiếp đảm nhận. “Sau khi đạt được thoả thuận giữa hai bên, khoảng giữa tháng 7-2019, nhóm người Trung Quốc này dùng ô tô chở đến xưởng rất nhiều dụng cụ máy móc, thiết bị lắp đặt. Họ cũng yêu cầu công ty phải dùng tôn vây kín xưởng để tiện cho việc “nghiên cứu, pha chế hoá chất” không bị lộ ra ngoài. Những việc làm này họ làm rất kín kẽ, chỉ những người của họ mới được tiếp xúc. Ai ngờ vào ngày 6-8, khi lực lượng Công an ập vào bắt quả tang họ đang sản xuất ma tuý thì vợ chồng tôi mới té ngửa họ dùng bình phong để sản xuất ma tuý”, bà Viên kể lại.

Hàng loạt dụng cụ, thùng nhựa đựng hoá chất còn sót lại

Đem những thắc mắc này hỏi nhiều đơn vị liên quan, phóng viên CAND đều nhận được câu trả lời khá “bất ngờ” trước vụ việc. Ông Phạm Văn Lập, Chánh văn phòng UBND huyện Đắk Hà cho biết, việc quản lý lao động người nước ngoài tại làng nghề Đắk Hà do Ban quản lý dự án và Công an huyện phụ trách. “Tuy nhiên, cho đến khi Bộ Công an triệt phá, chúng tôi mới được biết đây là cơ sở núp bóng của nhóm người Trung Quốc”, ông Lập nói.

Trong khi đó, ông A Kang, Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho hay, theo quy định đối với người nước ngoài lao động tại địa phương thì phải đăng ký ở Sở. “Tuy nhiên, đối với nhóm 7 lao động người Trung Quốc vừa bị bắt trong vụ án sản xuất ma tuý tại huyện Đắk Hà thì họ không đến đăng ký. Nhóm này lao động chui lủi nên Sở cũng không nắm rõ”, ông Kang khẳng định.

Những bộ dụng cụ bằng thuỷ tinh được các đối tượng dùng để pha chế, sản xuất ma tuý

Tuy nhiên, qua trao đổi với một lãnh đạo Công an tỉnh Kon Tum cho biết, nhóm 7 đối tượng người Trung Quốc bị bắt trong vụ án sản xuất ma tuý đã thông qua một người Việt Nam đến Công an tỉnh Kon Tum đăng ký lưu trú dưới hình thức đi “du lịch”. UBND huyện Đắk Hà cũng cho biết thêm, dự án phân bón hữu cơ vi sinh - NPK và gỗ ép - ép gỗ “núp bóng” để sản xuất ma tuý tại trụ sở Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên chưa đăng ký hoạt động tại Phòng Kinh tế - hạ tầng của huyện.

Thông tin từ Ban chuyến án cho biết, vào cuối tháng 5-2019, một nhóm người Trung Quốc đã cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam lấy danh nghĩa một tập đoàn kinh tế tại Trung Quốc tiến hành hợp tác với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên trụ sợ tại thị trấn Đắk Hà để sản xuất phân bón NPK , gỗ ép và ép gỗ. Nhóm đối tượng đã yêu cầu chủ công ty cải tạo khu vực khuôn viên của công ty để làm thành “phòng thí nghiệm” hoá chất. Việc thi công nhanh chóng tạo thành khu kép kín không cho người lạ đi vào trong và do nhóm người Trung Quốc điều hành.

Đến ngày 6-8, hàng trăm Cảnh sát của bộ Công an và ngành chức năng khác đã ập vào kiểm tra khu nhà xưởng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên nói trên. Tại đây, cơ quan chức năng đã thu giữ hàng trăm lít dung dịch, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và hơn 20 tấn máy móc, thiết bị các loại dùng để sản xuất trái phép tiền chất ma túy. Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành bắt giữ 7 đối tượng người Trung Quốc để tiến hành điều tra, làm rõ vụ án.



Văn Thành
.
.
.