Ươm mầm xanh nơi đầu sóng

Thứ Ba, 26/05/2015, 08:23
Giờ tan lớp, dưới cái nắng oi ả ở xã đảo Song Tử Tây, những công dân nhí của Trường Sa vui vẻ chơi đùa. Chúng cũng nghịch ngợm, hiếu động như biết bao em nhỏ cùng trang lứa. Một vài em cùng đồng thanh bài đồng dao về Trường Sa, Hoàng Sa: “Nu na nu nống. Đánh trống phất cờ. Biển đảo xa bờ. Có 2 quần đảo. Hoàng Sa, Trường Sa. Tên gọi thiết tha. Giữa lòng dân Việt. Bao nhiêu đời qua…”.

Tôi hiểu rằng, ở nơi muôn trùng sóng dữ này, các em không chỉ được dạy kiến thức phổ thông mà các em còn được vun trồng tình yêu biển đảo của Tổ quốc. Để rồi thế hệ măng non này tiếp bước các thế hệ cha anh tạo nên những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lớp học “đặc biệt” ở Trường Sa

Đặt chân lên xã đảo Song Tử Tây, việc đầu tiên đoàn công tác chúng tôi làm là thực hiện nghi lễ chào cờ tại bia chủ quyền đặt trên đảo. Sau các hoạt động thăm hỏi, tặng quà quân và dân trên đảo, chúng tôi tới thăm lớp học “đặc biệt” của thầy giáo Lê Văn Mạnh. 

Ấn tượng về một ngôi trường khang trang, hai tầng với đầy đủ giáo cụ khác xa với suy nghĩ của nhiều người về những lớp học nơi “nắng đốt da người” này trước khi cập đảo. Phòng học sạch sẽ khang trang, được trang bị quạt mát giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất. Tiếng học vần ê a khiến ai cũng có cảm giác như đang đứng giữa một sân trường tiểu học trong đất liền. Điều khác biệt chỉ là đưa mắt ra xa là mênh mông biển cả, và những tán bàng vuông thay cho những tán phượng vĩ đỏ rực bước vào hè.

Nhiều em nhỏ đã sinh ra và lớn lên ở Trường Sa.

Lớp học của thầy Lê Văn Mạnh “đặc biệt” ở chỗ tất cả các khối lớp từ mầm non tới lớp 3 đều học chung một lớp. Biết hôm nay có khách thăm đảo, thăm lớp nên các trò của thầy Mạnh có vẻ “làm nũng” hơn thường ngày. Chốc lại có cô bé giơ tay xin ra ngoài để… uống nước. Thằng cu Minh mới gần 4 tuổi, theo lời thầy Mạnh hằng ngày rất vâng lời hôm nay bỗng dưng lại “nhõng nhẽo”. Cứ thi thoảng nó lại kiếm chuyện với các anh chị “lớp lớn” ngồi ở bàn trên. Thầy Mạnh phải “hết hơi” mới ổn định được trật tự lớp học. 

Thầy Mạnh cho biết, lớp học của xã đảo Song Tử Tây có các khối học từ mẫu giáo bé đến các em khối lớp 3. Nhiều cấp học trong 1 lớp. Dự một tiết học trong lớp thầy Mạnh, chúng tôi mới hiểu và thực sự ngỡ ngàng về vai trò của người thầy ở mảnh đất Trường Sa nắng gió này. 

Thầy Mạnh kiêm rất nhiều vai trò, vừa là thầy giáo hướng dẫn các em “lớp lớn”, vừa là bảo mẫu với các em cấp mẫu giáo. Giờ học hằng ngày bắt đầu từ 7 rưỡi sáng đến 11 rưỡi trưa, nhưng thầy hầu như không bao giờ ngơi chân, ngơi tay. Vừa hướng dẫn nhóm lớp 1 tập viết, giao bài xong thầy lại quay sang giảng toán cho nhóm học sinh lớp 2; rồi hướng dẫn các em lớp 3 làm bài tập. 

Tất cả học sinh trên đảo có 10 em nhưng được chia thành nhiều lớp học. Từ mẫu giáo bé, đến mẫu giáo lớn, rồi lớp 1, lớp 2, lớp 3. Do đó giáo trình, phương pháp giảng dạy ở các cấp học cũng khác nhau và mỗi lớp đều có giáo án riêng để giảng dạy. Hằng ngày, cũng như bao thầy cô giáo khác trên khắp mọi miền Tổ quốc, thầy cũng đều phải soạn giáo án đầy đủ theo giáo trình quy định. 

“Ngoài đảo xa, các em không có điều kiện được tiếp xúc nhiều như các bạn ở trong đất liền, do đó ngoài thời gian học các môn chính khóa, thầy giáo phải hướng các em nhiều hơn về giao tiếp để các em không bỡ ngỡ khi sau này trở lại đất liền tiếp tục học”, thầy Mạnh chia sẻ. 

Lớp học của thầy giáo Lê Văn Mạnh ở xã đảo Song Tử Tây.

Niềm vui của các thầy cô giáo ở Trường Sa như thầy Mạnh chia sẻ là lên lớp 5 các em được đưa vào đất liền để học. Mỗi học sinh của Trường Sa khi trở lại đất liền học tập đều tiếp thu rất nhanh và có nhiều em đã vươn lên trở thành học sinh khá, học sinh giỏi. “Đó là điều vui nhất với chúng tôi, những thầy cô giáo nơi đảo xa này”, thầy Mạnh nói.

Tất cả vì Trường Sa thân yêu

Trước khi ra Trường Sa, thầy Lê Văn Mạnh là giáo viên cấp 1 TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Năm 2013, sắp xếp việc gia đình, thầy Mạnh tình nguyện ra đây gắn bó với các em nhỏ nơi hải đảo xa xôi này. Cuộc sống ban đầu xa đất liền cũng thấy nhớ gia đình, bè bạn nhưng rồi mỗi sáng đến trường, gắn bó với các em nhỏ ở xã đảo Song Tử Tây này nhiều hơn, thầy Mạnh lại thấy thương các em hơn bởi việc học các em phải chịu nhiều thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa trong đất liền. Rồi dần dần, tình cảm thầy trò càng thêm gắn bó.

Hồi tưởng lại quãng thời gian cách đây 2 năm, thầy Lê Văn Mạnh nhớ lại, một buổi chiều hết giờ lên lớp, bất ngờ thầy nhận được thông tin kêu gọi các thầy cô giáo tình nguyện ra Trường Sa “gieo chữ”. Không một chút đắn đo, thầy Mạnh quyết định sẽ ba lô túi rết lên đường ra với học sinh Trường Sa. Ban đầu, gia đình, bè bạn còn ngăn cản nhưng sau một hồi giải thích, làm công tác tư tưởng, ai cũng nhiệt tình ủng hộ, động viên thầy ra đảo công tác. 

Được dạy chữ cho các em nhỏ ở Trường Sa với các thầy cô giáo như thầy Mạnh là niềm vui không kể xiết. 2 năm gắn bó và gieo chữ ở nơi đầu sóng ngọn gió, các thầy đã góp một phần nhỏ bé ươm mầm non cho đảo. 

“Những thầy cô giáo nơi đảo xa như chúng tôi nhìn thấy các cháu mạnh khỏe, vâng lời, đó đã là niềm vui không gì có thể so sánh được. Chúng tôi vui vì học sinh của mình, vui vì được cống hiến một chút sức lực nhỏ bé cho quê hương, cho đất nước. Năm nào cũng vậy, cứ đến hè về nghỉ phép trong đất liền, xa các em là tôi lại thấy nhớ, thấy thương những học trò nhỏ của mình ở giữa biển khơi Trường Sa này”, thầy Mạnh nói.

Rời Song Tử Tây, hình ảnh mấy học trò nhỏ chơi đùa, hát bài đồng dao về Trường Sa, Hoàng Sa: “Nu na nu nống. Đánh trống phất cờ. Biển đảo xa bờ. Có hai quần đảo. Hoàng Sa, Trường Sa. Tên gọi thiết tha. Giữa lòng dân Việt. Bao nhiêu đời qua. Thuyền ai đi qua. Tàu ai đi lại. Nước Việt mãi gọi. Hoàng Sa, Trường Sa…” thực sự làm tôi ấn tượng. Tôi hiểu rằng, chính những đứa trẻ học chữ trên đảo, sau này chúng không chỉ là công dân tốt, là các chiến sĩ bộ đội Trường Sa kiên cường, mà còn là người truyền lửa tình yêu Tổ quốc cho nhiều thế hệ học sinh tiếp theo.

“Biết bao người đã không tiếc công sức, mồ hôi, thậm chí phải đổ cả máu để giữ vững chủ quyền biển đảo của quê hương. Biết bao người đã phải hy sinh cuộc sống của bản thân để có một Trường Sa hôm nay kiên cường nơi gian khó thế này. Không cầm súng, nhưng các thầy cô giáo tình nguyện ra đảo như chúng tôi cũng có thể là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận dạy chữ cho học sinh. Ra đây, chúng tôi mới thấy càng gắn bó với mảnh đất này".
Phan Hoạt
.
.
.