nghị lực vượt khó của cô gái "đi bằng tay"

Thứ Ba, 02/01/2007, 13:24
Thảo đi bằng tư thế ngồi xổm, chống hai tay vào hai mu bàn chân để đỡ toàn bộ cơ thể. Suốt 12 năm Thảo đã đến trường, đã nỗ lực để giành được kết quả học tập khiến bạn bè nể phục. Và hôm nay, cũng bằng đôi tay ấy, Thảo đang bền bỉ nuôi ước mơ trở thành một người thợ mỹ nghệ kim hoàn.

Cô gái "đi bằng tay" mà chúng tôi muốn nhắc đến là Nguyễn Thị Phương Thảo, 21 tuổi tại thôn Lý Nhân, xã Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Không may mắn như bao đứa trẻ bình thường khác, lên 2 tuổi, cả hai chân của Thảo đều teo lại  rồi bị bại liệt, không thể di chuyển bình thường.

Bác sỹ xác định, nguyên nhân là do người cha, ông Nguyễn Công An, thương binh 4/4 bị nhiễm chất độc da cam đã di truyền sang con gái. Khi không thể đứng và đi trên đôi chân của mình, Thảo đã phải tập đi bằng tay.

Thảo đi bằng tư thế ngồi xổm, chống hai tay vào hai mu bàn chân để đỡ toàn bộ cơ thể. Với đôi tay ấy, suốt 12 năm Thảo đã đến trường, đã nỗ lực để giành được kết quả học tập khiến bạn bè nể phục. Và hôm nay, cũng bằng đôi tay ấy, Thảo đang bền bỉ nuôi ước mơ trở thành một người thợ mỹ nghệ kim hoàn.

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Phương Thảo tại Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Mỹ nghệ kim hoàn - đá quý do bà Nguyễn Thị Hồng Linh, cựu Đại tá Công an làm Giám đốc, trụ sở tại Hà Nội. Việc Thảo từ Quảng Bình lặn lội ra Thủ đô và xem trung tâm như gia đình, cô Linh như người mẹ thứ 2 cũng thật tình cờ.

Trong một lần xem chương trình "Phụ nữ với cuộc sống" trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) nói về những người phụ nữ thành đạt có tấm lòng nhân ái, Thảo đã viết liên tục 3 bức thư gửi về Đài THVN, nhờ các anh chị trong Ban Biên tập chuyển tới tay cô Linh.

Bức thư viết kín hai trang giấy với những lời lẽ vô cùng xúc động: "Hoàn cảnh gia đình cháu khó khăn. Bố là thương binh 4/4, mờ hai mắt. Đạn vẫn còn nằm trong chân và ngực nên bố liên tục lên cơn đau mỗi khi trái gió trở trời.

Mẹ bị ảnh hưởng thần kinh và vôi hoá cột sống, chỉ loanh quanh với các việc vặt trong nhà. Các anh chị đều là nông dân, quanh năm bám đồng bám ruộng… Cháu thiết tha mong cô tạo điều kiện, giúp đỡ để cháu có thể được theo học tại trung tâm, có được một cái nghề".

Mới đầu, Thảo cứ nơm nớp lo mình không theo học được nghề kim hoàn, nhưng sau một thời gian làm quen với công việc, Thảo đã bắt đầu thấy thích. Ngày thì dồn sức để học nghề, đêm về Thảo lại ngồi học tiếng Anh với ước vọng sau này có thể trò chuyện, giới thiệu về trung tâm mỗi khi có người nước ngoài đến thăm.

Câu chuyện của Thảo đã đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bị liệt từ khi 2 tuổi, đã có những thời điểm gia đình không nghĩ đến việc Thảo có thể đến trường. Thế nhưng Thảo vẫn âm thầm tập đọc, tập viết theo em gái chương trình lớp 1. Khi đã bắt đầu đọc thông viết thạo, Thảo đến trường xin cô giáo vào thẳng học lớp 2.

Ban đầu cô giáo cũng khá bất ngờ nhưng sau khi kiểm tra trình độ, cô đã nhận Thảo vào lớp. Suốt những năm học tiểu học, Thảo luôn là học sinh xuất sắc của lớp, của trường. Năm học lớp 3, Thảo đã đoạt giải nhất trong cuộc thi cờ vua do huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tổ chức.

Những năm học trung học cơ sở, Thảo vẫn liên tục duy trì được thành tích học tập tốt và tham gia tích cực các hoạt động phong trào. Năm 2004, Thảo khăn gói lên thị trấn Hoàn Lão, học lớp chuyên Văn, Trường THPT số 1 Bố Trạch - Quảng Bình và bắt đầu những ngày xa bố mẹ.

Trường học cách nhà 8km nên Thảo phải ở trọ trong nhà một người bà con xa. Hàng tháng, bố mẹ chỉ cấp gạo và một ít tiền, các khoản học phí và xây dựng trường Thảo được miễn, còn tiền ăn hằng ngày thì cô họ và các bạn trong lớp giúp. Ngày ngày trên chiếc xe lăn, phần thưởng mà Hội Chữ thập đỏ huyện Bố Trạch - Quảng Bình trao tặng, Thảo một mình lặng lẽ tới trường.

Có những hôm trời mưa, đường trơn, không may qua chỗ ổ gà, cả xe và người bị ngã kềnh ra đường, Thảo lại tự đứng lên, tự về nhà thay quần áo, tự xoa dầu rồi lại tiếp tục tới trường. Hầu như chưa có một buổi học nào (trừ khi bão lụt) mà Thảo vắng mặt.

Sợ mình chậm hơn các bạn, Thảo luôn cố gắng thức khuya, dậy sớm để học thêm. Lúc có thời gian, Thảo luôn chịu khó ngồi xe lăn đến nhà các bạn có điều kiện trong lớp để học thêm về máy tính. Cứ kiên trì từng ngày như thế rồi Thảo cũng đã có thể đánh văn bản thành thục.

Với những thành tích đạt được, Thảo vinh dự nhận được Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình về tinh thần nỗ lực vượt khó năm 2004, Giấy khen của Đoàn Thanh niên huyện Bố Trạch về thành tích học tập rèn luyện và công tác Đoàn năm 2005.

Cùng khóa học của Thảo có Lê Vũ Hoàng, giải nhất toàn quốc cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2005, một tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên học giỏi. Tuy không cùng lớp (Hoàng học chuyên Toán, Thảo học chuyên Văn) nhưng Thảo và Hoàng vẫn thường xuyên trao đổi bài vở và động viên nhau cùng cố gắng.

Hôm Hoàng ra Hà Nội thi chung kết và đoạt vòng nguyệt quế, xem qua màn ảnh tivi, Thảo và các bạn Trường THPT số 1 Bố Trạch - Quảng Bình đã ôm nhau khóc vì hạnh phúc, mừng cho ước nguyện của Hoàng, mừng cho những ước mơ được chắp cánh từ một vùng quê nghèo nhưng nổi danh bởi truyền thống hiếu học và tinh thần vượt khó.

Năm 2006, tốt nghiệp THPT với tấm bằng loại khá nhưng vì nhà nghèo nên Thảo đã phải từ bỏ ước mơ thi vào đại học để nhường cho em gái thi vào Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình. Em gái đi học, gia đình đã vất vả lại càng thêm túng bấn. Bố mẹ Thảo phải lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay tiền hàng tháng cấp cho em.

Thảo ở nhà kiêm luôn cả những công việc trước đây vốn là phần em gái, cả ngày đầu tắt mặt tối với việc nhà. Từ trong nhà ra sân, vào bếp, rồi lại ra vườn, đôi tay phải liên tục làm nhiệm vụ của đôi chân nên các ngón tay, lòng bàn tay của Thảo đều chai lỳ. Thế nhưng, ước mơ học nghề thì vẫn luôn bùng cháy.

Bây giờ được ở chỗ cô Linh, được cô nuôi ăn ở và tạo điều kiện để học nghề, Thảo cảm thấy rất vui vì ước mơ đã thành hiện thực, vì đã bớt được cho bố mẹ một nỗi lo về kinh tế. Nhưng trong lòng cô gái vốn sống tình cảm và hay nghĩ đến mọi người này vẫn canh cánh nỗi lo bởi bố mẹ đã già, lại ốm đau bệnh tật, lúc trái gió trở trời biết tựa vào ai? Em gái đi học xa nhà, làm sao để nó không phải chịu quá nhiều lo toan và thiếu thốn?

Thế là từ việc lẽ ra mọi người phải lo cho Thảo, Thảo lại trở thành người hay lo lắng nhất cho cả gia đình. Cứ mấy ngày là Thảo lại viết thư về động viên bố mẹ và em gái an tâm, giữ gìn sức khỏe.

Ở trung tâm có nghệ nhân Quách Văn Hiểu là một người thầy xuất sắc. Tháng 11 vừa qua, thầy Hiểu đã đoạt Cup vàng tại Hội thi sản phẩm nghề thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức và trước đây cũng từng đoạt nhiều giải thưởng khác. Thấy Thảo khéo tay, ham học nên thầy Hiểu đã tận tâm truyền nghề và đặt nhiều hy vọng vào cô học trò mới này.

Khi chúng tôi đề cập đến nguyện vọng và những dự định sắp tới, Thảo cười hồn nhiên: "Bây giờ em chỉ muốn chuyên tâm học nghề kim hoàn, thời gian rỗi buổi tối em tự học thêm tiếng Anh, máy tính và hướng dẫn thêm nếu có bạn nào thích cờ vua. Em mơ ước sau này mình sẽ trở thành một người thợ kim hoàn giỏi để có điều kiện đỡ đần thêm cho bố mẹ, giúp các bạn có cùng cảnh ngộ như mình, và đó cũng là một cách để tri ân với những tấm lòng như cô Linh, thầy Hiểu"

Quang Hào - Huyền Thanh
.
.
.