Đưa nước ngọt từ đất liền ra các đảo trên biển Tây Nam

Thứ Sáu, 11/09/2015, 08:26
Hàng ngàn hộ dân xã đảo Lại Sơn và một số xã đảo khác thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang) đang trông chờ đến ngày dự án đường điện quốc gia dài gần 44km “vượt biển” (vừa khởi công vào ngày 4/9) hoàn thành, đưa vào vận hành.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2015, người dân xã Hòn Tre – trung tâm của huyện đảo Kiên Hải đã vui mừng đón nhận nguồn điện từ đất liền ra đảo thông qua đường dây 22kV vượt biển trên không dài gần 13km. Sau chuyện điện sinh hoạt, người dân trên các đảo của vùng biển Tây Nam đang mơ đến ngày dự án kéo nước ngọt từ đất liền ra đảo thành hiện thực…

Thực tế tình trạng khan hiếm nước ngọt sinh hoạt, nhất là vào mùa khô trên các xã đảo vùng biển Tây Nam đã kéo dài nhiều năm nay. Chính quyền và người dân đã tìm đủ mọi cách để xoay xở nhưng đến nay, nước ngọt sinh hoạt vẫn là vấn đề lớn chưa được giải quyết căn cơ. Và chuyện “nước” cũng là đề tài bức bách không phải chờ đến mùa khô mới nói…

Người dân xã đảo Nam Du vất vả vì thiếu nước ngọt.

Tôi vẫn nhớ hoài mùa khô gần chục năm trước trên xã đảo Nam Du (Kiên Giang). Hôm ấy, dù đã quá nửa đêm nhưng vẫn còn hàng chục người dân trên đảo xếp hàng cạnh giếng nước trước trụ sở UBND xã An Sơn chầu chực chờ từng giọt nước từ lòng đất. Tình trạng thức trắng đêm để chờ nước xảy ra đều khắp cả hòn Lớn (nay thuộc xã An Sơn) và hòn Ngang (nay là xã Nam Du).

Cũng trên vùng biển Tây Nam, Hòn Chuối (Cà Mau) là hòn duy nhất có người ở nhưng trên hòn lại không có mạch nước ngầm. Gần 40 hộ dân ở và lực lượng của một đồn biên phòng mỗi khi mùa khô đến là rất lo chuyện nước sinh hoạt. Một chiến sĩ Đồn biên phòng 704 kể mỗi tuần anh mới được “đụng” tới nước ngọt để tắm một lần, tất nhiên là rất hạn chế… Còn người dân thì sử dụng nước theo quy trình: “vo gạo, rửa rau, rửa cá”.

Thực tế tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra ở hầu hết các đảo trên biển Tây Nam, từ Hòn Tre -  đảo gần đất liền nhất đến Thổ Châu - đảo xa nhất. Chỉ cách đất liền Rạch Giá khoảng 20km nhưng mùa khô 2015 vừa rồi, có hàng trăm hộ dân thiếu nước nghiêm trọng. Các giếng trên đảo đều trơ đáy.

Tại xã đảo Nam Du, mùa khô rồi giá nước ngọt sinh hoạt có lúc lên trên 150.000 đồng/m3. Bên Hòn Mấu xa xôi hơn giá càng đắt đỏ, lên đến 200.000 đồng/m3. Giá nước cao nhưng không phải mua lúc nào cũng có.

Ông Nguyễn Thiện Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nam Du kể trước đây, khi dân cư trên đảo còn thưa thớt nên nguồn nước tại chỗ (từ các con suối, nước mưa) đã đủ sinh hoạt. Giờ thì dân đông đúc hơn nhiều nên dù trên đảo đã có thêm công trình cấp nước sạch, người dân cũng chủ động đào giếng, dẫn nước ngọt từ các khe suối, trang bị thêm bồn, lu, hũ, kiệu để chứa nước nhưng mùa khô, vẫn thiếu nước trầm trọng…

Để khắc phục khó khăn tình trạng thiếu nước ngọt trên các đảo vùng biển Tây Nam, tại buổi làm việc với UBND huyện Kiên Hải mới đây, ông Phạm Vũ Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã giao cho Sở NN&PTNT có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ nguồn vốn tiếp tục khảo sát, thăm dò mạch nước ngầm để khai thác phục vụ người dân; nghiên cứu tập trung các nguồn nước đưa về một đầu mối quản lý; phân bổ đầu tư các hồ chứa nước một cách hợp lý; tập trung cải tạo, nâng cấp các trạm cấp nước hiện hữu, đổi mới cách quản lý, gắn với tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước.

Về lâu dài, lãnh đạo UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư 2 hồ chứa nước đã được phê duyệt (hồ Suối Lớn, xã đảo Lại Sơn và Hồ nước tại bãi cây Mến, xã An Sơn); nghiên cứu tiền khả thi hoặc khả thi việc kéo nước ngọt từ đất liền ra các xã đảo để báo cáo xin ý kiến Bộ NN&PTNT, trước mắt nghiên cứu khả thi việc kéo nước từ đất liền ra đảo Hòn Tre – trung tâm huyện lỵ của huyện đảo Kiên Hải; đồng thời giao Sở KH&ĐT bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư để thực hiện những công việc này.

Thái Bình
.
.
.