“Đói” điện sinh hoạt ngay bên thủy điện

Thứ Hai, 04/04/2016, 09:59
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), với công suất 190MW, bắt đầu phát điện từ cuối năm 2010, song hàng ngàn hộ dân ở địa phương này lại không được sử dụng điện lưới nên đời sống gặp nhiều khó khăn...


Chỉ cách Nhà máy thủy điện Sông Tranh chưa đến 15km, nhưng thôn 5, xã Trà Đốc, Bắc Trà My, lại là một thôn “trắng” về điện sinh hoạt. Đây là nơi sinh sống của 77 hộ dân đồng bào Ca Dong, với hơn 300 nhân khẩu… 

Trở về nhà sau một ngày lao động trên nương rẫy, bà Phạm Thị Sâm (70 tuổi, trú nóc ông Sếp, thôn 5, Trà Đốc), lại phải tất bật mang lúa ra để giã gạo thổi cơm. Với chất giọng lơ lớ, bà Sâm cho biết, do không có điện nên địa phương cũng không có cơ sở xay xát gạo bằng máy như người miền xuôi. Bà con đều phải giã gạo mới có cơm ăn.

“Nhà nào có người trai tráng khỏe mạnh thì chở lúa xuống xã Trà Tân, cách nóc hơn 20 cây số để xay xát bằng máy; còn nhà chỉ có người già như tôi thì chỉ biết giã gạo thôi, không đưa đi xay được”, bà Sâm chia sẻ. 

Bức bách điện thắp sáng, một số hộ dân lắp đặt tua-bin nước dưới các con suối. Già làng Nguyễn Văn Sếp, Trưởng nóc, cho hay, cả nóc chỉ có 3 hộ có điện từ tua-bin nước, nhưng bóng đèn sáng chập chờn, lúc mờ, lúc tỏ. Nhiều khi tua- bin bị sự cố thì phải lội bộ đường rừng hàng ki-lô-mét để sửa chữa… 

Theo quan sát của chúng tôi, bóng đèn thắp bằng tua-bin nước ở nhà ông Sếp được bật lên, song ánh điện cứ chập chờn. Thiếu điện lưới quốc gia, đời sống người dân đã khó, việc học của các em học sinh càng khó khăn hơn. 

Thầy giáo Đoàn Văn Biểu, giáo viên điểm trường thôn 5, Trà Đốc, cho hay, hiện điểm trường có 60 học sinh tiểu học và 24 học sinh bậc mầm non. Do thiếu điện lưới quốc gia nên việc học của các em gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều buổi chiều trời mưa gió, thầy cô phải tranh thủ cho các em học sớm để về sớm, chứ trời mưa, ánh sáng không đủ, không đảm bảo cho việc dạy và học.

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, bày tỏ rằng, trên địa bàn xã còn có nhiều nóc chưa có điện thắp sáng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên xem xét kéo điện lưới về phục vụ cho người dân thôn 5, song đến nay vẫn chưa thực hiện được. 

Trao đổi với chúng tôi,  ông Nguyễn Hữu Sự, cán bộ UBND huyện Bắc Trà My, cho biết thêm, thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện có đến 6 thôn “trắng” điện lưới. Do địa hình hiểm trở cùng với kinh phí để thực hiện việc kéo lưới điện về các thôn, nóc khá lớn nên huyện cũng đã có kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, hỗ trợ kéo điện lưới cho người dân. Đến nay mới có dự án kéo lưới điện về thôn 4, xã Trà Giáp, với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. 

Trả lời câu hỏi “thủy điện Sông Tranh 2 có hỗ trợ gì cho địa phương trong việc kéo điện phục vụ người dân?”, ông Sự nói rằng, bên thủy điện chỉ mới ký biên bản ghi nhớ về vấn đề này mà thôi (?!).

Ngọc Thi
.
.
.