Đau thương vụ sập biệt thự Pháp cổ

Thứ Tư, 23/09/2015, 08:18
Khoảng 12h55 ngày 22/9, Trung tâm chỉ huy Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội (PC&CC) nhận được tin phần sau của ngôi biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàng Kiến, Hà Nội) bị đổ. Xác định có thể xảy ra cháy nổ, 8 xe chữa cháy được điều đến hiện trường. 


Tuy nhiên, nguyên nhân nhanh chóng được xác định là do ngôi nhà cũ, mưa lớn khiến tòa nhà đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp dẫn đến sụp đổ, phía dưới đống đổ nát có nhiều người đang bị mắc kẹt.

Với phương châm  khẩn trương cứu người, Đại tá Tô Xuân Thiều, Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội chỉ đạo điều thêm hàng chục cán bộ, chiến sỹ phối hợp với một số đơn vị thuộc Công an quận Hoàn Kiếm cùng các lực lượng quân đội, thanh tra xây dựng, y tế tham gia tìm kiếm cứu nạn. Hai nạn nhân đầu tiên được người dân đưa ra ngoài, nạn nhân thứ 3 lính chữa cháy tiếp cận là chị Lê Thị Hường (47 tuổi), quê ở huyện Thường Tín, Hà Nội trong tình trạng ngất lịm, người tím tái…

Các bác sĩ túc trực tại hiện trường đã hô hấp, xốc tim cho nạn nhân thở bằng oxy, chuyển đến Bệnh viện Việt - Đức. Suốt nhiều tiếng đồng hồ, công tác giải phóng đống đổ nát, tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt được tiến hành khẩn trương. Các lực lượng thay phiên nhau để đảm bảo tiến độ, chạy đua với thời gian.

Đại tá Tô Xuân Thiều cho biết, khi biết phía dưới có nạn nhân, lực lượng cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã cẩn thận dùng tay bới, móc nhấc từng viên gạch, đất để sang hai bên, tránh sử dụng phương tiện máy móc ảnh hưởng đến các nạn nhân nằm phía dưới. Ngay sau đó, 2 nạn nhân nữa được đưa ra ngoài đến thẳng Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu.

14h, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Việt - Đức, rất đông cán bộ, chiến sỹ của Phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an TP Hà Nội chia làm nhiều tổ giữ gìn an ninh trật tự, phối hợp với các bác sĩ nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Lúc này, chồng nạn nhân Hường là anh Nguyễn Văn Hùng (47 tuổi) cùng một số người thân đứng rất đông ngoài cổng bệnh viện. Không kìm nén được nỗi buồn đau, anh Hùng liên tục lấy tay gạt nước mắt, rồi ngồi thụp xuống giữa đường khóc tu tu như một đứa trẻ khi hay tin vợ đã mất trước khi vào bệnh viện.

Ngồi ở nhà xác chờ làm thủ tục đưa nạn nhân Hường về quê mai táng, khuôn mặt thất thần, anh Sơn, cháu gọi chị Hường bằng thím cho biết: “Hai vợ chồng chú thím Hùng và Hường có hai người con sinh năm 1993, 1996. Một mình thím lên Hà Nội thuê nhà mưu sinh bằng nghề bán rau, cứ cuối tháng mới về thăm nhà một lần. Ai ngờ lại xảy ra sự việc… Không biết chú và các cháu sẽ vượt qua nỗi đau quá lớn này thế nào”.

Ngoài nạn nhân không may mắn nêu trên, tại Bệnh viện Việt - Đức còn tiếp nhận thêm các nạn nhân khác gồm: Nguyễn Văn Nức (45 tuổi), Vũ Thị Thu Hằng (37 tuổi), Tào Thị Hiện (50 tuổi)… Trong đó, nạn nhân bị thương nhẹ là bà Tào Thị Hiện, quê ở huyện Thanh Oai (Hà Nội). 

Hiện trường vụ sập.

Nằm trên xe đẩy cáng cứu thương, giọng nói run run, bà Hiện tâm sự: Khi bà đang thu tiền cá thì nghe một tiếng ầm. Bà Hiện bị gạch rơi trúng đầu, làm bà ngã xuống đất. Hốt hoảng, bà cố bò dậy kêu cứu… “Tôi đang trong cơn hoảng loạn thì được người dân và các chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy bế đưa ra khỏi đống đổ nát" - bà Hiện cho biết.

Chị Vũ Thị Oanh (47 tuổi), vợ nạn nhân Nức kể, chị đang bán hàng thì nghe tiếng đổ ầm ầm nên vội chạy ra đường và thoát nạn. Anh Nức khi đó đang ở khu nhà bên trong nên không kịp chạy. 

Chị Trần Thị Sửu (thuê nhà sát với căn biệt thự bị sập) cũng là một trong những người may mắn thoát chết trong gang tấc kể, khi đó chị cùng hai con đang ăn bữa trưa thì bất ngờ thấy bức tường bên cạnh sụp đổ, kèm theo đó là tiếng động rất lớn, bụi bay mù mịt. Chị không nhìn thấy gì xung quanh, chỉ nghe thấy tiếng 2 đứa con kêu gào. Rất may, chị Sửu chỉ bị xây xước nhẹ ở chân, các con chị cũng được bảo toàn tính mạng. Sau khoảng 30 phút ngồi trong đống đổ nát mịt mù, ba mẹ con chị đã được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài.

Anh Nguyễn Văn Ngọ, 25 tuổi, quê Can Lộc, Hà Tĩnh, là nhân viên quán Bún bò Huế sát ngã ba Phan Bội Châu - Trần Hưng Đạo vẫn chưa hoàn hồn kể lại thời khắc cả một khối nhà trong tòa biệt thự đổ sập xuống. Anh Ngọ là một trong những người đầu tiên lao vào đống đổ nát tìm kiếm các nạn nhân khi lực lượng chức năng chưa tới hiện trường.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội cũng xuống hiện trường vụ sập biệt thự để chỉ đạo công tác tìm kiếm. Theo văn bản báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, ngôi nhà 107 phố Trần Hưng Đạo là nơi làm việc của Tổng cục Đường sắt Việt Nam giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực I. Tòa nhà được xây từ thời Pháp, có 3 khối; trong đó phần bị sập là khối 2, là hội trường được xây hình mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích khoảng 300m2.

Lực lượng cứu hộ đưa tài sản ra khỏi hiện trường. Ảnh: X.Trường

Hai bên hội trường có hành lang lửng được bố trí là nơi làm việc của cán bộ, nhân viên. Giáp 2 bên của tòa biệt thự cổ là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán. Khi xảy ra sự cố, ngôi nhà sập theo phương thẳng đứng, một phần gạch vỡ đổ tràn sang 2 bên lối đi, dẫn đến thương vong về người và hư hỏng tài sản.

Đến 19h, theo Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, có 8 nạn nhân đã bị đống đổ nát vùi lấp, trong đó có 2 nạn nhân nữ tử vong, gồm chị Lê Thị Hường và chị Trần Thị Nga (36 tuổi), trú 450 Bạch Đằng. Đây là những người bán hàng và có mặt xung quanh ngôi nhà sập. Ngoài ra, 16 hộ dân với 80 nhân khẩu sinh sống trong khu vực có nhà sập đã được lực lượng chức năng bố trí đi tạm cư nơi khác. Tối cùng ngày, lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội vẫn tiếp tục sử dụng đèn chiếu sáng, dùng máy xúc và một số phương tiện dọn đống đổ nát tạo lối đi cho người dân.

M.Hiền
.
.
.