Đào tạo diễn viên múa về… chờ việc

Chủ Nhật, 21/12/2014, 15:58
Dựa vào đặc thù của diễn viên múa, nghệ sĩ già không thể lên sân khấu, nhưng vẫn chưa đến tuổi để về hưu, Sở đã tham mưu nên có chính sách cho những nghệ sĩ già này nghỉ chờ hưu trước tuổi. Cùng với đó, bố trí một số em sinh viên mới ra trường vào hoạt động, sẽ lựa chọn và giải quyết từng em một”.

Ngày 29/9/2009, Đoàn ca múa kịch dân tộc Nghệ An có Tờ trình số 93 về việc xin đào tạo diễn viên múa để bổ sung lớp nghệ sỹ trẻ thay lớp nghệ sỹ cao tuổi theo đặc thù của nghề múa.

Đồng ý với chủ trương này, ngày 10/2/2010, Tỉnh ủy Nghệ An có Quyết định 1809 phê duyệt, Sở VH,TT&DL tỉnh giao cho Đoàn ca múa kịch dân tộc Nghệ An tổ chức sơ tuyển, lựa chọn học sinh gửi đào tạo diễn viên ca múa tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, với số lượng 30 người. Sau đó, Đoàn ca múa kịch đã tổ chức thông báo, về tận các địa phương tìm kiếm tài năng, ưu tiên con em đồng bào dân tộc thiểu số có đam mê, có năng khiếu…

Với chính sách ưu đãi kinh phí học tập, sau khi đào tạo xong sẽ về công tác tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An đã khiến nhiều phụ huynh và các em học sinh yên lòng. Có 15 em được lựa chọn qua hai vòng tuyển đã được cử đi đào tạo tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, bậc trung học, chuyên ngành múa, hệ đào tạo 4 năm. UBND tỉnh Nghệ An cấp kinh phí trọn gói cho khóa học 255 triệu đồng.

Em Lô Thị Châu (21 tuổi, người dân tộc Thái, trú tại Quế Phong, Nghệ An) mừng rỡ khi nhận được thông báo tuyển sinh: “Nghe có tuyển sinh em vui lắm, gia đình không đồng ý lắm nhưng được tài trợ đi học cũng đỡ được phần nào đó kinh tế cho bố mẹ nên em đã đăng ký dự thi và trúng tuyển…”. Gia đình 15 em đều yên tâm với chủ trương đào tạo và có việc làm khi ra trường. Tuy nhiên thực tế không như các em mong đợi…   

Sau 4 năm tốt nghiệp ra trường, 15 em tham gia khóa học phải… ngồi chờ. Để giải quyết khó khăn trước mắt, Đoàn ca múa kịch dân tộc Nghệ An tiếp tục có Tờ trình xin kinh phí hỗ trợ và được UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ mỗi em 1 triệu đồng/tháng. Trong vòng một năm đã hai lần được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí nhưng đến tháng 12/2014 thì không còn được hỗ trợ kinh phí nữa và các em vẫn chưa được bố trí việc làm như chủ trương ban đầu. Hầu hết các em trong lớp được cử đi học đều có hoàn cảnh khó khăn, Đoàn ca múa kịch dân tộc Nghệ An đã cho các em mượn khu nhà tập thể để ở, không thu tiền nhà, tiền điện, tiền nước để bớt gánh nặng cho các em. Dù thế, nhưng hằng tháng, 15 em vẫn đều đặn xin thêm tiền của gia đình mới đủ chi phí cuộc sống.

Một buổi tập cho buổi biểu diễn của các em.

Ông Đặng Đình Mười - Phó trưởng Đoàn ca múa kịch dân tộc Nghệ An, bày tỏ: “Đây là trăn trở của tất cả các anh chị em nghệ sỹ trong Đoàn và của lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh. Số biên chế 45 người của Đoàn đã sử dụng hết nhưng chưa có ai đến tuổi nghỉ hưu.    

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Nghệ An: Sở đang tham mưu UBND tỉnh Nghệ An về hướng giải quyết nhưng đang chờ HĐND thông qua. “Dựa vào đặc thù của diễn viên múa, nghệ sĩ già không thể lên sân khấu, nhưng vẫn chưa đến tuổi để về hưu, Sở đã tham mưu nên có chính sách cho những nghệ sĩ già này nghỉ chờ hưu trước tuổi. Cùng với đó, bố trí một số em sinh viên mới ra trường vào hoạt động, sẽ lựa chọn và giải quyết từng em một”.

Tân Nghệ
.
.
.