Đằng sau việc nữ sinh lớp 6 tử vong liên quan tới bệnh động kinh

Thứ Sáu, 09/01/2015, 21:02
Việc một nữ sinh có tiền sử động kinh tử vong sau khi bị cô giáo đánh đã xảy ra đã 3 hôm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc thông tin giữa gia đình và nhà trường về những học sinh có bệnh nguy hiểm để nhà trường phối hợp xử lý khi có tình huống xấu.

Liên quan đến việc học sinh nữ tên L.T.P.H. (lớp 6/7, Trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú, TP HCM) tử vong sau khi bị cô giáo đánh vào mông trước đó, thông tin từ gia đình cho biết, P.H. có tiền sử bị động kinh từ nhỏ nhưng hai năm nay không phát bệnh.

Sáng 9/1, tại căn nhà nhỏ của em L.T.P.H. (ngụ tại đường Liên khu 8-9, P.Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), đông đủ thân nhân của học sinh P.H. đang trong tâm trạng xót xa cho cái chết đột ngột của con,cháu mình. Các giáo viên nhà trường THCS Phan Bội Châu từ ngày 6/1 tới nay cũng luôn thay nhau đến chia buồn với gia đình em H..

Ông T.Đ.Khải, cậu của  học sinh P.H. cho biết, bố mẹ cháu H. kể lại rằng: Khoảng hơn 17h chiều ngày 6/1 gia đình nhận được điện thoại của phòng y tế của trường THCS Phan Bội Châu thông báo, cháu H. bị ngất xỉu và đã được đưa xuống cấp cứu tại trường, đề nghị cha mẹ lên gấp.

Sau đó cháu H. tiếp tục được đưa qua trung tâm cấp cứu gần trường  nhưng bác sĩ tại đây không đo được nhịp tim, huyết áp nên chuyển bệnh nhân qua cấp cứu tiếp tại bệnh viện (BV) Q.Tân Phú. Tại BV này, các bác sĩ đã ra sức hồi sức tích cực cho cháu H., nhưng vẫn không cứu được. Theo chẩn đoán của các bác sĩ BV quận Tân Phú, học sinh H đã tử vong trước khi đưa vào BV.

Trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú, nơi xảy ra sự việc.

Ông Khải cũng cho biết, bạn bè trong lớp 6/7 của H. cho biết, do H. không thuộc bài nên cô giáo dạy môn Công nghệ tên K.Vy đã yêu cầu H. lên bảng để phạt nhưng cô chưa phạt thì H. đã xỉu. Một số bạn khác cùng lớp của H. cũng cho biết, khi gọi lên bảng, H. không thuộc bài nên cô giáo đã đánh 4 thước vào mông H., sau đó H. ngất xỉu trên bục giảng. Khi được dìu xuống chỗ ngồi, H. vẫn yếu nên cô giáo cho em xuống phòng y tế trường.

Ông Khải cũng cho biết, P.H. rất ngoan ngoãn, hiền lành nhưng bị động kinh từ nhỏ, điều này đã được ghi rõ trong hồ sơ nhập học. Khi học tiểu học, đôi lần học sinh H. bị triệu chứng động kinh vài giây, tỉnh lại, tự động gọi điện về để gia đình đến đón.

Gia đình cháu H. không muốn câu chuyện trở nên ồn ào nên đã báo với cơ quan Công an là gia đình không khiếu nại gì. Riêng về phần cô giáo K.Vy, do tâm lý sợ hãi, sau 3 ngày xảy ra sự việc, cô vẫn chưa dám đến thăm hỏi gia đình học sinh H., nhưng mẹ của cô này đã tới chia buồn với gia đình học sinh H..

Trao đổi với chúng tôi chiều 9/1, ThS, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc trung tâm giám định pháp y Tâm thần TP HCM phân tích: “Về mặt ý kiến chuyên môn, tôi cho rằng, học sinh H. có tiền sử động kinh, thì việc bất chợt té, ngã... là bình thường. Nhưng ở đây rất cần được làm rõ nguyên nhân học sinh H. tử vong. Cơ quan giám định Pháp y cần phải tiến hành nhiệm vụ dù gia đình không yêu cầu để làm rõ, trước hết là tử vong do tắc đường thở (rối loạn nhịp tim trong chứng động kinh) hay chấn thương sọ não kín, gây tụ máu trong não dẫn tới tử vong do bất ngờ bị té, ngã, đập mạnh đầu xuống đất... thường có ở người mang chứng động kinh?”.

Qua trường hợp này, theo chúng tôi, với các học sinh bị bệnh nguy hiểm như bệnh động kinh, cần có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để giáo viên nắm được tình trạng của bệnh nhân cũng như những biện pháp phòng, cấp cứu khi phát bệnh…

H.Nga
.
.
.