Đảm bảo tốt việc cứu nạn, cứu hộ của các thuyền viên tàu SAR trên vùng biển Việt Nam

Thứ Tư, 03/06/2015, 14:53
Trong lúc cứu nạn ngư dân gần đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa), 2 lần liên tiếp tàu SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) bị tàu hải quân Trung Quốc ngăn cản và lao thẳng vào uy hiếp. Tuy nhiên, sau hơn 10 giờ, kể từ khi nhận lệnh khẩn cấp ra biển cứu nạn, tàu SAR 412 đã tiếp cận và đưa ngư dân gặp nạn vào bờ an toàn…
Khẩn cấp ra Hoàng Sa cứu nạn       

Chiều ngày 2/6, ngay trên boong tàu SAR 412, Thuyền phó Trần Quang Thanh đã chia sẻ với chúng tôi những giây phút đầy hiểm nguy trên biển khơi, khi bị tàu hải quân Trung Quốc uy hiếp, đe dọa, để kịp thời cứu tính mạng của ngư dân Phạm Thanh Ngọc (45 tuổi), đang nguy kịch vì bệnh tim.

Vào khoảng 17h40’ ngày 30/5/2015, Danang MRCC nhận được tín hiệu từ tàu câu mực QNa 90927TS, do ông Trần Tấn Sinh làm thuyền trưởng, cầu cứu: Tàu đang hành nghề tại vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 410 hải lý thì ngư dân Phạm Thanh Ngọc tái phát bệnh tim, khó thở.

Đến trưa 31/5, bệnh tình của ông Ngọc tiếp tục diễn biến xấu hơn, bệnh nhân bị choáng, chân phù, bụng chướng to, ho nhiều, khó thở tính mạng rất nguy kịch, cần cấp cứu khẩn cấp và đưa về đất liền…

Ngay khi nhận được điện cầu cứu, lãnh đạo Danang MRCC lập tức điều động SAR 412 kết nối với Trung tâm cấp cứu Y tế Đà Nẵng, để bác sĩ hướng dẫn qua bộ đàm với ngư dân tàu QNa 90927TS cách sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân trong khi chờ cứu nạn. Đồng thời, ra hiệu lệnh SAR 412 khẩn cấp rời cầu cảng, lên đường lúc 14h20 ngày 31/5 ra Hoàng Sa ứng cứu…

Mặc dù gặp phải sự cản trở, uy hiếp của tàu Trung Quốc, nhưng tàu SAR 412 vẫn đưa ngư dân Phạm Thanh Ngọc gặp nạn trên biển vào bờ an toàn.

Đến 0h30’ sáng 1/6, khi tàu SAR 412 chỉ còn cách tàu cá ngư dân bị nạn chưa đến 100 hải lý, thì bất ngờ gặp phải sự cản trở của tàu hải quân của Trung Quốc, khi ngang qua đảo Tri Tôn. Bấy giờ, một tàu hải quân của Trung Quốc ép sát, liên tục xua đuổi, dùng loa lớn đe dọa bắt tàu SAR 412 phải thay đổi hành trình.

Đang trên vùng biển Hoàng Sa, gặp phải sự cản trở “bất thường” của tàu hải quân Trung Quốc, nhưng vì tính mạng nguy cấp của ngư dân, toàn bộ thủy thủ đoàn của SAR 412 dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Phan Xuân Sơn vẫn luôn giữ bình tĩnh; liên tục né tránh những cú lao thẳng, ép sát của tàu hải quân của Trung Quốc để giữ đúng hành trình.

5h30’ sáng ngày 1/6, tàu SAR 412 đã tiếp cận được tàu QNa 90927TS. Sau khi ngư dân Ngọc được các bác sỹ sơ cứu, cho thở oxy, ổn định nhịp tim, tàu SAR 412 liền nhanh chóng chuyển hướng hành trình đưa bệnh nhân trở về đất liền… Nhưng 10h30 sáng ngày 1/6, lần thứ hai SAR 412 lại gặp sự cản trở của tàu hải quân Trung Quốc khi trở về ngang qua đảo Tri Tôn. Lần này, sự cản trở của tàu 841 hải quân Trung Quốc còn manh động hơn. 

Tàu Trung Quốc biển hiệu 841 liên tục lao tàu vào mạng trái, mạng phải của SAR 412 để uy hiếp. Thậm chí đột ngột tăng tốc lao thẳng vào SAR 412, khi chỉ cách chừng 70m thì bẻ ngoặc lái chạy song song với mục đích uy hiếp, đe dọa; cản trở việc cứu nạn của tàu SAR 412 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam…

Theo các đoạn clip ghi lại được của các thuyền viên SAR 412 thì, ngoài liên tục yêu cầu tàu SAR 412 chuyển hướng, tàu hải quân số hiệu 841 của Trung Quốc còn theo sát SAR 412 khoảng 30 phút, thỉnh thoảng lại tăng tốc, lao tàu lên trước cho đến khi SAR 412 đi qua khỏi đảo Tri Tôn hơn 15 hải lý mới chịu bỏ đi.

Đặc biệt, tàu hải quân Trung Quốc luôn xuất hiện từ phía xa đột ngột tăng tốc từ 4 - 5 hải lý/giờ lên 19 - 20 hải lý/giờ lao thẳng vào phía hông tàu SAR 412. Khi cách 80 - 100m, tàu hải quân Trung Quốc mới giảm tốc độ và chuyển hướng chạy song song với tàu SAR 412... Bất chấp sự ngăn cản từ phía tàu Trung Quốc, đến 19h30’ tối 1-6, tàu SAR 412 đã cập cảng Đà Nẵng, đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng…

Chỗ dựa tin cậy của ngư dân trên biển

Trong khi cán bộ chiến sĩ tàu SAR 412 dũng cảm, bất chấp sự uy hiếp, đe dọa, ngăn cản của tàu hải quân Trung Quốc để cứu thành công ngư dân gặp nạn đưa vào cập cảng Đà Nẵng vào  đêm ngày 1/6, thì cũng ngay trong đêm này, lúc 24h khuya, tàu SAR 274 của Danang MRCC lại tiếp tục nhận nhiệp vụ lên đường ra Hoàng Sa.

Thuyền phó Trần Quang Thanh của tàu SAR 412 kể lại sự việc bị tàu hải quân Trung Quốc mang số hiệu 841 uy hiếp, ngăn cản khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ trên biển.

Lần này, một thuyền viên của tàu nước ngoài bị đau tim đột ngột cần được giúp đỡ. Tín hiệu khẩn cấp từ tàu Hanjin California (quốc tich Liberia) đang trên hành trình từ Trung Quốc đi Singapore, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 160 hải lý thì thuyền viên tên Chatterjee Tuhindra Nath (58 tuổi, quốc tịch India) bị đau tim.

Trước tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Danang MRCC điều động tàu SAR 274 rời Đà Nẵng đi cứu nạn…

Rời cầu cảng lúc 00h30’ ngày 2/6, trên tàu SAR 274 ngoài các thuyền viên tàu còn có 2 bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đi cùng. Khẩn cấp đi trong đêm, đến 6h00’ sáng 2/6, tàu SAR 274 đã tiếp cận tàu Hanjin California, tiến hành chuyển bệnh nhân sang tàu để các bác sĩ sơ cứu. Tới 11h trưa cùng ngày, tàu SAR 275 đã về đến cầu cảng Đà Nẵng, ông Chatterjee Tuhindra Nath đã được nhanh chóng chuyển vào Bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu…

Tuy nhiên, đáp trả sự cảm ơn sâu sắc từ bệnh nhân và thủy thủ đoàn của tàu Hanjin California, Giám đốc Danang MRCC - ông Bùi Tân Nguyên, bày tỏ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là luôn sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Không chỉ riêng tàu ngư dân Việt Nam mà bất cứ thuyền viên, hay tàu nước nào gặp nạn trên trên vùng biển  chủ quyền Việt Nam. Đó cũng chính là tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử nhân đạo của người Việt”…

Tàu SAR 274 đã cứu hộ thành công thuyền viên của tàu Hanjin California gặp nạn trên biển vào sáng ngày 2/6.

Phát biểu về việc tàu SAR 412 bị tàu hải quân Trung Quốc cản trở, uy hiếp, đe dọa khi đang làm nhiệm vụ trên biển, ông Bùi Tân Nguyên cũng cho rằng: Đây là tàu cứu nạn của Việt Nam đang làm nhiệm vụ, hải trình của SAR 412 hoàn toàn hoạt động tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Chính vì vậy mặc dù bị ép sát, lao thẳng và uy hiếp, nhưng tàu SAR 412 vẫn giữ vững hải trình, quyết tiếp cận tàu cá để cứu ngư dân gặp nạn chứ quyết không đổi hướng. Khi xảy ra sự việc bị tàu Trung Quốc uy hiếp, cản trở thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn cùng các thuyền viên đã ghi lại được clip về các hành vi đe dọa của tàu Trung Quốc để làm chứng cứ đấu tranh về sau…

Ông Nguyên cho biết thêm, vào tháng 2/2015, khi vào bãi đá ngầm Chim Én ở trung tâm quần đảo Hoàng Sa để cứu 16 ngư dân Bình Định bị đắm tàu, tàu SAR 412 cũng đã bị 3 tàu hải quân, hải cảnh cùng máy bay quân sự Trung Quốc bao vây, trấn áp tinh thần.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ ngăn cản, uy hiếp tàu cứu hộ của Việt Nam làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển. Mặc dù vậy, chỉ riêng tàu SAR 412 trong 6 tháng đầu năm 2015 đã 12 lần cứu hộ thành công tàu cá và ngư dân gặp nạn trên biển.

“Giữa lúc tàu SAR 412 của chúng tôi vừa gặp phải sự cản trở của tàu hải quân Trung Quốc, thì tàu SAR 274 vẫn tiếp tục lên đường cùng ngày để cứu thành công thuyền viên tàu nước ngoài gặp nạn. Điều đó khẳng định, dù nạn nhân thuộc bất cứ là quốc tịch nào, là ngư dân của Việt Nam, hay là thủy thủ của nước ngoài đều được chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng là “chỗ dựa trên biển” cho ngư dân Việt Nam và các thuyền viên, tàu nước ngoài gặp nạn...”.

Hoài Thu
.
.
.