Yêu thử - sống thử và hậu quả đau lòng

Chủ Nhật, 02/03/2014, 16:10
Theo số liệu từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có 36 khu, cụm công nghiệp, thu hút trên 820.000 công nhân lao động. Trong đó, lao động nữ chiếm khoảng 70%, lao động ngoài tỉnh chiếm 85%. Hằng năm, ở Bình Dương đã có hàng ngàn nữ công nhân phải phá thai. Việc có thai ngoài ý muốn có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính là nhiều công nhân sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, thích yêu thử, sống thử và công tác tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản của các ngành, các cấp đến với công nhân còn nhiều hạn chế...

Đến các khu nhà trọ công nhân ở thị xã Thuận An, Dĩ An, các huyện Bến Cát, Tân Uyên... (tỉnh Bình Dương), bên cạnh những căn phòng trọ của gia đình công nhân, rất dễ nhận ra có không ít phòng trọ của những đôi nam nữ công nhân chưa lập gia đình. Ban đầu là sự quen biết rồi dần đến tự nguyện “góp gạo thổi cơm chung”, yêu thử, sống thử như vợ chồng. Ở một số địa phương, những cặp “vợ chồng” kiểu này cùng thuê phòng trọ, sống quần tụ thành những khu riêng biệt vì theo họ, cùng chung hoàn cảnh dễ cảm thông, ít người để ý, dị nghị.

Chị Nguyễn Thị H. và Trần Văn N. cùng ở quê Thanh Hóa, hiện là công nhân ở một công ty thuộc KCN Sóng Thần (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Yêu nhau được gần 1 năm, cả hai quyết định dọn về chung sống tại một nhà trọ ở phường An Bình (thị xã Dĩ An), căn phòng trọ chỉ rộng có 12m2 nhưng lúc nào H. và N. cũng cảm thấy tâm đắc, coi như phòng hạnh phúc trong đời. H. cho biết: “Em và N. sống chung với nhau đã được gần 1 năm, cả hai chúng em đều rất hợp tính nhau. Chúng em thấy dọn về chung sống với nhau sẽ có nhiều lợi ích. Ngoài việc thường xuyên được ở bên nhau, các chi phí như tiền thuê phòng trọ, mua đồ ăn... tiết kiệm được nhiều hơn so với khi đang còn sống riêng”. Khi được hỏi chưa tổ chức cưới xin mà đã chung sống với nhau như vợ chồng thế này thì cha mẹ có trách mắng gì không? N. thẳng thắn: “Nếu một trong hai đứa có bố mẹ (hoặc người thân) vào thăm thì đứa kia tạm lánh đi chỗ khác một thời gian, khi nào bố mẹ (hoặc người thân) về, lại sống với nhau như cũ”.

Yêu nhau được một thời gian, đôi bạn công nhân trẻ Lê Văn K. và Vũ Thị Mỹ D. đang làm việc tại một công ty ở KCN Mỹ Phước I (huyện Bến Cát) e ngại mọi người đồn đoán biết nên đã thuê hai phòng liền kề nhau để sống. Không chút giấu giếm, K. cho biết: “Vì sợ bố mẹ và người thân biết nên chúng em đã chọn thuê hai phòng, tuy phải trả tiền đắt hơn đôi chút nhưng được sống gần nhau, lại tránh được những lời dị nghị. Cách này, chúng em cảm thấy mình được tự do, có không gian sống rộng rãi hơn”.

Nữ công nhân, lực lượng lao động quan trọng tại các khu, cụm công nghiệp ở Bình Dương.

Nữ công nhân Mai Thị T. – KCN Thái Hòa (huyện Tân Uyên) không giấu được nỗi buồn, bức xúc kể: “Em và anh P. quen nhau được gần 6 tháng, nghe lời anh ấy, đầu năm 2013, chúng em thuê phòng trọ để sống chung. Lúc đầu, anh P. tỏ ra siêng năng, chí thú lao động, chăm sóc em chu đáo, sau đó em đã có thai. Em yêu cầu anh P. tổ chức đám cưới nhưng anh ta nhất định không nghe. Từ đó, anh ta cũng đổi tính, đổi nết, tối ngày nhậu nhẹt, la chửi nhiếc mắng em thậm tệ. Thấy không thể sống chung với P. được, em đã quyết định đến một phòng khám thai tư ở gần nhà để phá thai”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những cặp vợ chồng công nhân “không giấy kết hôn” ở tại các khu nhà trọ Bình Dương là rất nhiều. Sinh hoạt chung hàng ngày, chuyện có thai ngoài ý muốn là chuyện tất yếu xảy ra. Để sinh con thì không được vì sợ mất việc làm, sợ dư luận, nhiều nữ công nhân đã phải lén lút đến các cơ sở y tế tư nhân để thực hiện phá thai, gây nhiều hệ lụy, hậu quả đau lòng.

Nói chuyện với chúng tôi, ni cô Từ Thảo – Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già neo đơn chùa Bồ Đề Đạo Tràng (Hiệp Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An) bức xúc: “Không có tuần nào trung tâm chúng tôi không nhận được trẻ sơ sinh do các bà mẹ mang tới để ở ven đường. Mới sáng 26/2, khi ngủ dậy, nghe có tiếng trẻ em khóc, chúng tôi chạy ra thì thấy một bé sơ sinh nằm dưới một gốc cây, còn đỏ hon hỏn, được bọc trong một miếng vải đã cũ. Đưa vào trung tâm, đây là một bé trai mới được mẹ cháu bỏ lại cách đó chỉ vài tiếng đồng hồ”.

Theo số liệu chúng tôi có được, trong năm 2013, chỉ ở 3 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi là: Trung tâm nhân đạo quê hương (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Thuận An), Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi (Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Dương) và Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già neo đơn chùa Bồ Đề Đạo Tràng đã phải đón nhận 128 trẻ sơ sinh do cha mẹ các cháu bỏ bên đường. Trong 2 tháng đầu năm 2014, số trẻ này là 13 cháu, số trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi này chỉ là số ít so với các cháu đã bị cha mẹ chúng vứt bỏ ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đáng thương nhất là vào thời gian cuối năm 2013, người ta phát hiện tại một khu đất trống thuộc phường Thuận Giao (thị xã Thuận An) có một cháu bé sơ sinh dưới một hố nhỏ, chung quanh chằng chịt các cây bụi gai. Khi nghe tiếng khóc, mọi người tới bế cháu bé lên thì người cháu đã thâm tím vì bị nhiễm lạnh và bị kiến càng cắn nhiều chỗ sưng tấy.

Mặc dù Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000 đã quy định rõ: “Các trường hợp chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn không được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng”, nhưng nhiều cặp nam nữ công nhân ở Bình Dương vẫn bất chấp vì không hiểu biết. Kết quả là khi có thai, nữ công nhân là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Nữ công nhân Trần Thị Lan (19 tuổi) làm việc tại Công ty TNHH Astro chia sẻ: “Do đa số công nhân tuổi đời còn trẻ nên còn chưa có kiến thức nhiều (thậm chí có người không biết gì) về Luật Hôn nhân – Gia đình và sức khỏe sinh sản. Được đi dự các buổi nói chuyện do các anh chị Đoàn khối tổ chức chúng con mới hiểu rõ hơn để làm đúng theo luật và tự bảo vệ sức khỏe cũng như hạnh phúc, tương lai cho mình”

Ngọc Ánh
.
.
.