Thiền sư Thích Nhất Hạnh:

“Yêu nước, yêu đồng bào mới là việc trọng”

Thứ Sáu, 14/01/2005, 07:39
Trả lời báo chí Việt Nam về nội dung những buổi thuyết giảng sắp tới, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Tôi sẽ nói với các tăng ni, phật tử trong nước về kinh nghiệm tu học ở nước ngoài và về tình nhân ái của con người”.

Ngày 12/1, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, pháp danh Trừng Quang, 82 tuổi, hiện đang trụ trì chùa làng Mai tại Pháp đã về thăm Việt Nam sau 40 năm xa quê hương. Bày tỏ với hãng tin AFP, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã ca ngợi những nỗ lực mở cửa của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua.

Trả lời phỏng vấn của TTXVN, Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó ban Phật giáo quốc tế thuộc Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định:

"Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để Thiền sư Thích Nhất Hạnh và phái đoàn Phật giáo 190 vị tăng ni, thiền sư quốc tế thấy được sự đổi mới của đất nước Việt Nam và sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Trong chuyến thăm này, Thiền sư tham quan và thuyết giảng về pháp môn tu thiền tại một số cơ sở thờ tự ở Hà Nội, Huế, Tp.HCM… và lưu lại Việt Nam đến ngày 11/4. Ngay sau khi xuống sân bay Nội Bài, đoàn của Thiền sư gồm 100 tăng ni, 90 thiền sư phương Tây đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón tiếp chu đáo và được sắp xếp nghỉ ngơi tại chùa Bồ Đề (Hà Nội).

Vừa về đến Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có buổi trả lời phỏng vấn các phóng viên báo chí.

- Xin Thiền sư cho biết về thành phần của phái đoàn trong chuyến về thăm Việt Nam lần này?

- Đoàn chúng tôi gồm 190 người đến từ nhiều quốc gia. Chúng tôi có những "tăng thân" ở nhiều nơi, nên khi biết tôi về Việt Nam, rất nhiều người, trong đó phần lớn là giới trẻ và giới trí thức, cũng muốn đi cùng vì gốc gác truyền thống của họ là Việt Nam. Về Việt Nam là về với gốc gác tâm linh của họ, giống như con cháu về lại nhà cha mẹ.

- Thiền sư có thường xuyên liên hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam không và Thiền sư đánh giá như thế nào về hoạt động của Giáo hội này?

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc tổ chức chuyến đi này. Chúng tôi với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là anh em trong nhà thôi mà. Về tình hình đời sống Phật giáo ở trong nước, tôi có nghe qua một số người bạn, nhưng tôi muốn về nước để hiểu sâu hơn, để lắng nghe một cách không thành kiến, chứ nếu chưa thấy, chưa nghe rõ ràng mà đã kết luận thì dễ lầm lẫn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vui mừng khi về lại quê hương.

- Xa Việt Nam gần 40 năm, Thiền sư có theo dõi tình hình trong nước không và có đánh giá như thế nào?

- Tôi có theo dõi. Tôi nhớ thời kỳ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ đã cấm in sách của tôi. Tôi đã từng đi nói chuyện ở châu Âu, ở Mỹ và đã từng nói chuyện với ông Macnamara rằng, cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam không đem lại lợi ích gì mà chỉ làm tăng nỗi khổ đau cho người dân của cả hai nước.

Còn với chính sách mở cửa của chế độ mới, vừa qua, sách của tôi đã được in tới 4 cuốn ở trong nước và sắp tới còn một số cuốn nữa. Ngay cả chuyến trở về của tôi cũng là một chính sách rất cởi mở của chính quyền.

Hôm qua, khi tôi ra sân bay Charles De Gaulle (Pháp) để về nước, có rất nhiều phóng viên báo chí đến hỏi tôi về điều này, tôi cũng đã trả lời như vậy.

- Thời gian qua, một số báo, đài ở nước ngoài có những thông tin rằng "ở Việt Nam có đàn áp tôn giáo", Thiền sư đánh giá như thế nào về những thông tin này?

- Tôi có nghe những thông tin này. Nhưng tôi không phải là nhà chính trị nên không muốn sử dụng những tin tức kiểu như vậy để tạo thêm sự chia rẽ. Tôi cho rằng việc yêu nước, yêu đồng bào mới là điều quan trọng, chứ những tin tức đó không ảnh hưởng tới tôi.

- Thiền sư cho rằng cần phải nghe và phải thấy sự thật mới có thể kết luận, vậy Thiền sư nghĩ sao về việc một nước quá xa như nước Mỹ lại có những kết luận thiếu căn cứ về tình hình tôn giáo ở Việt Nam?

- Tôi thấy nước Mỹ nhiều khi rất là bộp chộp, chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Iraq vừa qua thể hiện rất rõ điều đó. Bây giờ, nếu nước Mỹ thực tình muốn giúp đỡ Việt Nam thì cần phải biết lắng nghe sự thật từ phía Việt Nam một cách không định kiến.

- Nhiều người cứ hay ghép chính trị và tôn giáo lại với nhau, xin Thiền sư cho biết tinh thần của Phật pháp về vấn đề này, để làm sao tạo được sự tốt đẹp cho thế giới, cho nhân loại?

- Tôi cho rằng, chính trị và tôn giáo là hai lĩnh vực khác nhau. Nhưng cả hai đều phải có đạo đức.

- Xin cảm ơn Thiền sư và chúc Thiền sư một năm mới an lành

Dương Toàn (thực hiện)
.
.
.