Xung quanh chủ trương sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất vào năm 2015

Thứ Hai, 28/07/2014, 09:39
Như Báo CAND đã đưa tin, theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2015 dự kiến sẽ chỉ còn một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu sâu thêm phương án tổng hợp tiến tới dần tích hợp các môn thi tránh tình trạng học lệch từ bậc THPT, đồng thời vẫn phát hiện được năng khiếu sở trường của từng học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Đây là một chủ trương đúng đắn, một giải pháp phù hợp và có tính chiến lược khi chúng ta đang quyết liệt đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục nước nhà. Và cũng nằm trong lộ trình mà Bộ GD&ĐT đã công bố sẽ chọn khâu thi cử - “khâu xung yếu” để đột phá. Mọi sự đổi mới đều có những khó khăn, bất cập, nhưng sẽ giảm thiểu tối đa những bất cập khi chúng ta có một lộ trình đổi mới thận trọng, bài bản. Đáp ứng yêu cầu bạn đọc, Báo CAND xin trở lại vấn đề này.

Bài 1: Phải đạt tầm của một kỳ thi đại học

Câu chuyện một kỳ thi quốc gia đã xuất hiện cách đây nhiều năm, còn gọi là kỳ thi “hai trong một”, vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh vào đại học. Nhưng thời điểm đó, ý tưởng về kỳ thi này chưa trở thành hiện thực, bởi lẽ nhiều trường ÐH, CÐ chưa yên tâm về kỳ thi tốt nghiệp, cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT khó có thể lấy làm căn cứ tin cậy cho việc tuyển sinh. Việc tổ chức thi phổ thông còn hình thức, nặng nề nhưng ở nghĩa nào đó lại chưa đạt thực chất. Vệc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ chỉ căn cứ duy nhất vào điểm thi, chưa công bằng đối với người học và về lâu dài có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.

Mốc 2015 liệu có gấp gáp, vội vã?

Khi chủ trương mới về kỳ thi quốc gia năm 2015 được đưa ra, về cơ bản các ý kiến của chuyên gia đều cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với giáo dục tiên tiến hiện đại. Nhưng thực sự còn nhiều băn khoăn, lo lắng, khi mà quỹ thời gian cho năm 2015 không còn nhiều và giáo dục phổ thông cũng chưa thích ứng với việc dạy, học, thi tích hợp…

Trao đổi với PV CAND, PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông chia sẻ: Để kỳ thi này đạt được 2 nhiệm vụ trên thì nó phải đảm bảo tính phổ cập cho công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu tin cậy cho việc tuyển sinh đầu vào của các Trường ĐH, CĐ ( đánh giá được kiến thức và kỹ năng).  Lâu nay kỳ thi tốt nghiệp THPT nặng về thành tích và xã hội rất lo lắng về tính trung thực của kỳ thi này.

Một kỳ thi quốc gia là xu thế giáo dục hiện đại, cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng cho xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Câu hỏi đặt ra là, việc tiến hành ngay từ năm 2015 có gấp gáp không? PGS.TS Lê Hữu Lập cho hay, cần nhìn nhận từ 3 yếu tố: Đối tượng dự thi (là học sinh); Phương án tổ chức thi (nhà quản lý giáo dục); các trường đại học, cao đẳng (sử dụng kết quả thi). Về đối tượng dự thi: Với HS dự thi tốt nghiệp THPT năm 2015, việc bắt buộc phải thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn như kỳ thi THPT 2014 cũng sẽ không có vấn đề gì (vì số lượng môn thi so với các môn học ít hơn nhiều). Còn về lâu dài cần có sự đánh giá kiến thức và năng lực toàn diện của người học ở kỳ thi này (kiến thức tổng hợp của các nhóm môn học) thì cần phải đưa ra lộ trình thực hiện, để học sinh không bị bỡ ngỡ (giống kỳ thi SAT của Mỹ). Đối với phương án tổ chức thi, theo PGS.TS Lê Hữu Lập, phương án ra đề thi cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và cho tuyển chọn thí sinh vào ĐH, CĐ cũng không khó khăn gì.

Bởi đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 cũng bắt đầu có tính phân tầng tương đối tốt trong việc đánh giá kiến thức của thí sinh. Về khâu tổ chức thi thì đây là vấn đề băn khoăn của rất nhiều người. Tổ chức sao cho một kỳ thi nghiêm túc, có hiệu quả. Do vậy Bộ GD&ĐT cần sớm đưa ra dự thảo phương án tổ chức thi (nghiên cứu để tận dụng các ưu điểm của 2 kỳ thi riêng rẽ); đồng thời xin ý kiến rộng rãi của đội ngũ giáo viên, chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục.

Cũng theo chia sẻ của PGS.TS Lê Hữu Lập, đối với các trường ĐH, CĐ ngay sau khi phương án tổ chức kỳ thi của Bộ GD&ĐT hoàn tất, các trường ĐH, CĐ cần đưa ra phương án tuyển sinh của từng ngành, nhóm ngành, trong đó cần nêu rõ việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia chung ra sao, sớm công bố để học sinh biết, lựa chọn các môn thi mà nhà trường yêu cầu trong quá trình xét tuyển (việc xét tuyển theo khối thi A, B, C, D cứng như các năm qua có thể bị loại trừ).

Vẫn còn gian lận thi cử thì hệ thống đánh giá sẽ không đạt chuẩn

Một Giáo sư, Hiệu trưởng một trường ĐH ở phía Bắc bày tỏ quan điểm, về chủ trương ông hoàn toàn ủng hộ. Vấn đề thi tích hợp mà làm tốt được thì quá tuyệt vời, khi đó sẽ không còn tình trạng học lệch, học tủ. Nhưng việc này cần thời gian, có khi phải mất vài năm, học sinh, giáo viên của chúng ta mới quen. Với các trường ĐH, giờ đang tích cực xây dựng đề án tuyển sinh riêng rồi thì kỳ thi quốc gia 2015 hoàn toàn không khó. Các trường ĐH sẽ cho thống kê điểm phổ thông, điểm thi quốc gia, điểm các môn trọng yếu theo đặc thù của trường để xem tương quan, từ đó sẽ đưa ra định hướng tuyển sinh.

Nhưng theo vị Giáo sư này thì điều ông lo lắng nhất là chúng ta cần phải đổi mới cái gốc là “từ triết lý giáo dục và văn hóa học đường”. Vấn đề văn hóa học đường còn quá nhiều hạn chế, đó là tình trạng gian lận thi cử, quay cóp, xin điểm, như thế hệ thống đánh giá không chuẩn từ bậc phổ thông. “Tất nhiên bao giờ cũng phải bắt đầu, phải có sự đổi mới đầu tiên thì mới có kết thúc, nhưng rõ ràng, phải tính toán cẩn thận để không gây tổn thất cho xã hội”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho hay: Kỳ thi quốc gia 2015 nếu mà thực hiện được thì rất tốt, nhưng phải như một kỳ thi đại học. Đây cũng là xu thế của các nước phát triển, đỡ tốn kém, đỡ sức ép cho học sinh. Nhưng kỳ thi này phải đảm bảo tính chính xác, khách quan và công bằng, để các trường ĐH yên tâm lấy đó làm cơ sở xét tuyển, vì nếu không xét tuyển được thì sẽ lại là sự lãng phí, không có công cụ, dữ liệu để sàng lọc.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, hiện nay thi đại học tạm coi là “bằng chứng” khách quan nhất, tin cậy nhất, do đó, không có giải pháp nào thay thế được việc tổ chức một kỳ thi công bằng, khách quan. Các nước phương Tây đã tổ chức kỳ thi quốc gia, sau đó cho thí sinh ghi tên vào học, rồi sàng lọc, có trường ĐH 80% học sinh bị loại sau năm học đầu tiên.

Quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hữu Tú là quan trọng nhất làm sao phải tổ chức được như một kỳ thi ĐH. Nhưng nếu để các địa phương tổ chức thì lại như kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, điều này sẽ gây khó khăn cho Bộ GD&ĐT và cho các trường ĐH. Còn nếu giao cho các trường ĐH thì lại như một kỳ thi ĐH, các trường không đủ cơ sở vật chất để tổ chức vì lúc đó, số lượng học sinh sẽ đông hơn rất nhiều. Với những trường đào tạo đặc thù như ĐH Y Hà Nội, thì theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, trường sẽ phải xem xét kỹ kết quả của một kỳ thi quốc gia có được xã hội đánh giá là khách quan hay không, có thể trường sẽ phải bổ sung thêm công cụ - sẽ là một kỳ thi phụ nữa, khi đó cũng sẽ rất phức tạp và tốn kém.

Kỳ thi quốc gia là Đề án đang được Bộ GD&ĐT soạn thảo, trong quý 3-2014 sẽ đưa ra tham khảo ý kiến công luận. Theo đó, có hai phương án thi được đưa ra. Phương án 1, thi theo môn: kỳ thi sẽ có tám môn gồm: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi bốn môn gồm hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại. Kết quả của bốn môn thi được sử dụng kết hợp với kết quả học tập cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT và kết quả bốn môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo…

Phương án hai, thi theo bài: các môn học ở lớp 12 được chọn để tổng hợp thành năm bài thi, gồm: bài thi toán, bài thi ngữ văn, bài thi ngoại ngữ, bài thi tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học và sinh học) và bài thi xã hội (gồm các môn lịch sử và địa lý). Mỗi thí sinh phải thi bốn bài thi gồm hai bài thi bắt buộc là bài thi toán và bài thi ngữ văn. Hai bài thi do học sinh tự chọn từ bài thi tự nhiên, bài thi xã hội hoặc bài thi ngoại ngữ. Đề thi của mỗi bài thi là tổng hợp các câu hỏi của từng phần (mỗi phần là một môn học).

Phương Uyên
.
.
.