Xuất khoai lang sang EU và Nhật Bản

Thứ Tư, 25/04/2007, 10:27
Cây khoai lang dễ trồng nên hầu hết bà con dân tộc thiểu số M' Nông đều tham gia sản xuất. Từ một xã có hơn 70% hộ nghèo và đói, chỉ sau 5 năm nhờ vào trồng khoai lang xuất khẩu, Đắk Bukso được xem là xã giàu nhất tỉnh Đắk Nông.

Thời thanh xuân anh Bùi Văn Lâm đã lên đường đánh giặc cứu nước theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hàng chục năm trời anh cùng đồng đội cùng ăn, cùng ở và chiến đấu với bà con dân tộc thiểu số anh em ở Đắk Bukso (Tuy Đức) ở Tây Nguyên.

Hơn 20 năm sau ngày giải phóng, Lâm quay lại chiến trường xưa, những kỷ niệm của một thời hoa đỏ ùa về trong anh, cầm bát cơm, củ mì của bà con dân tộc anh đã rơi nước mắt. Bùi Văn Lâm quyết định lên vùng đất khô cằn Đắk Bukso xây dựng cuộc sống mới...

Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội

Năm 1999, nhiều bà con dân tộc M'Nông đã rơi nước mắt khi gặp thằng Lâm về thăm buôn làng. "Giàng ơi, cái thằng bị sốt rét bà con buôn làng đã thức suốt đêm vì sợ hắn chết, giờ hắn đã trở về".

Bên bếp lửa hồng, những câu chuyện về thời lửa đạn, câu chuyện về cuộc sống của Bùi Văn Lâm và bà con buôn làng cứ kéo dài cho đến khi con gà rừng cất tiếng gáy.

Bà con một thời đã cưu mang anh và đồng đội hiện còn nghèo quá. Đắk Bukso là vùng đất phì nhiêu lại rộng rãi sao bà con vẫn nghèo? Anh phải làm gì đây để tri ân lại tình cảm quý báu mà bà con đã dành cho mình? Và đồng đội anh nữa, không ít người đã không tiếc máu xương để bảo vệ, giữ vững mảnh đất này.

Anh sẽ làm gì để thoả lòng những người đã ngã xuống?... những câu hỏi dồn dập ùa về trong Bùi Văn Lâm trên chuyến xe khách tốc hành về Phú Thọ.

Về lại quê hương Lâm Thao, Phú Thọ, Bùi Văn Lâm đưa ý định lên Đắk Bukso xây dựng cuộc sống mới. Vợ con và người thân ra sức ngăn cản: Tuổi anh đã cao, cuộc sống gia đình đang ổn định làm sao lại bỏ đi để lên tận vùng sâu sát biên giới sinh sống.

Trăn trở của vợ con cũng thật có lý, nhưng không ai có thể biết dự định và ước mơ cao đẹp đang thường trực trong tâm trí Lâm. Và anh lên Đắk Bukso.

Từ việc đưa khoai sang Nhật đến câu lạc bộ 200 triệu

Hàng tháng trời lăn lộn trên ảnh đất Đắk Bukso, Bùi Văn Lâm đã cùng bà con phát rẫy trồng cà phê, hồ tiêu. Nhưng chỉ sau vài mùa thu hoạch, anh nhận ra, càphê và hồ tiêu cho giá trị thu nhập không cao so với công sức bỏ ra.

Bên cạnh đó nhiều hộ gia đình bà con M'Nông cũng làm theo Bùi Văn Lâm, nhưng cây trồng ra không chịu chăm sóc nên chẳng có thu hoạch. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Bùi Văn Lâm dốc hết tiền bạc mình có đi khắp các tỉnh từ Lâm Đồng, xuống Nha Trang, sang Đồng bằng sông Cửu Long... với mục đích tìm con, cây giống đưa về Đắk Bukso để phát triển sản xuất.

Cơ may đến khi anh gặp một nhóm chuyên gia người Nhật đang trồng thử nghiệm khoai lang Ben-ni-A-zu-ma, đưa từ Nhật Bản qua. Sau những ngày tìm hiểu và tận mắt chứng kiến sản phẩm khoai lang Nhật, cựu binh Bùi Văn Lâm quyết định mua giống đưa về Đắk Bukso trồng với gần 0,2ha.

Chỉ sau gần 4 tháng, ngày anh thu hoạch đã có ngay xe của đoàn đến từ Nhật Bản thu mua để đưa khoai về Nhật tiêu thụ. Cầm hàng chục triệu đồng trong tay, một lần nữa Bùi Văn Lâm lại khóc, giọt nước mắt sung sướng của anh rơi trong niềm vui của bà con buôn làng.

Từ 0,2ha ban đầu, Bùi Văn Lâm nhân giống lên hàng chục hécta khoai lang của riêng anh và đến nay đã có trên 1.000 ha của bà con các dân tộc thiểu số khắp tỉnh Đắk Nông.

Trung bình mỗi hécta khoai lang cho thu nhập gần 100 triệu đồng, quả thực đây là con số gây khó tin cho bất cứ ai khi nghĩ về việc sản xuất trên vùng núi cao Đắk Bukso.

Hiện nay, đến mùa thu hoạch có 15 công ty đến từ Nhật Bản, Đức, Pháp, Australia... thu mua sản phẩm khoai của bà con Đắk Bukso. Bà con sản xuất không kịp cho thị trường tiêu thụ.

Con số gần 200 gia đình chuẩn bị tham gia vào "Câu lạc bộ 200 triệu" ở xã Đắk Bukso mà ông Vũ Hoài Mâu, cán bộ nông nghiệp hợp tác xã cung cấp làm chúng tôi không khỏi giật mình.

Vì cây khoai lang dễ trồng nên hầu hết bà con dân tộc thiểu số M' Nông đều tham gia sản xuất. Từ một xã có hơn 70% hộ nghèo và đói, chỉ sau 5 năm nhờ vào trồng khoai lang xuất khẩu, Đắk Bukso được xem là xã giàu nhất tỉnh Đắk Nông.

Điều đặc biệt ở xã này là bà con quý nhau cái tình, nhà có vốn cho nhà không vốn vay năm, bảy chục triệu để trồng khoai là chuyện thường.

Điểu Krơm một nông dân M' Nông háo hức: "Từ ngày Lâm về đây, nó đưa giống khoai về bày cho bà con trồng nhà nào cũng có tivi, có xe máy và có tiền đưa cho vợ cất nữa. Cái đường tốt hơn, có cái điện để sáng, con tao biết cái chữ, tao không còn uống rượu... Lâm cho cả đó"

D.S.Lam - H.Linh
.
.
.