Xuất khẩu lao động dành cho đồng bào thiểu số ở Quảng Ngãi

Thứ Hai, 07/01/2008, 10:37
Đối với người dân đồng bằng, miền xuôi trong tỉnh thì đi xuất khẩu lao động đã là việc rất bình thường. Tuy nhiên với đồng bào thiểu số ở các huyện miền núi, do nhiều nguyên nhân nên đây là một vấn đề rất mới.

Vì thế mà cái ngày nhận được tin: thằng Đinh Văn Hôm (23 tuổi), rồi đến thằng Đinh Văn By (24 tuổi, người H're) ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà sau khi về xuôi đi học cái "chữ lạ" và lần lượt được Nhà nước cho đi ra nước ngoài để "làm ăn" chẳng mấy chốc lan ra khắp bản. Niềm vui theo gió len qua khe lá, luồn qua vách núi, vượt qua con suối đến các buôn, làng trong huyện và cả vùng lân cận.

Sau khi uống cạn chén rượu mừng đầu năm, già Đinh Văn Lin (68 tuổi), ở thôn Nước Nia, thị trấn Di Lăng chậm rãi nói: Thanh niên trong bản bây giờ hơn tao ngày trước rất nhiều. Không những học giỏi cái chữ, biết trồng cây lúa cho nhiều hạt hơn mà còn được đi nước ngoài làm công nhân nữa.

Với số tiền gửi về kể từ khi được đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc từ năm 2006 đến nay, cuộc sống kinh tế của gia đình By và Hôm đã được cải thiện đáng kể.

Sự khởi đầu khá tốt đó, cùng với 2 lao động nữa trong xã đã hoàn tất việc học tiếng và các thủ tục chờ ngày đi, thật sự khuyến khích và tạo cho số lao động khác tại các bản, làng của huyện một cách nhìn nhận mới trong vấn đề tìm việc làm cho mình.

Ông Lê Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm - Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi tâm sự: Gần đây việc đi xuất khẩu lao động đã dễ dàng và nhờ sự hỗ trợ của các cấp ngành TW, địa phương nên người lao động có nhiều thuận lợi so với trước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có yêu cầu mà doanh nghiệp tuyển dụng các nước đòi hỏi đối với lao động khắt khe và cao hơn. Riêng đối với lao động là người thiểu số do một số nguyên nhân, nên số lượng tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vừa qua, sau khi tìm hiểu và so sánh giữa yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng từ nước bạn với điều kiện thực tế chất lượng của nguồn lao động địa phương, đơn vị đã xây dựng và hoàn tất một chương trình xuất khẩu lao động dành riêng cho đối tượng lao động trên, đó là Malaysia.

Tuy mức thu nhập của người lao động khi tham gia làm việc tại các doanh nghiệp nước này thấp hơn một số nước khác và chỉ bằng khoảng 1/3 so với Hàn Quốc. Thế nhưng bù lại nhu cầu về lực lượng lao động rất lớn; yêu cầu về trình độ lao động không cao, ngành nghề đa dạng, thao tác công việc không quá khó và được đào tạo tại nơi làm.

Một sự thuận lợi nữa là tổng chi phí ban đầu: Học ngoại ngữ, khám sức khỏe... chỉ khoảng 2 triệu đồng. Và điều quan trọng là xác suất lao động sẽ được tuyển dụng gần như 100%, thời gian chờ đi ngắn, trong khoảng từ 3-4 tháng kể từ khi đăng kí và hoàn thành chứng chỉ ngoại ngữ. Đây cũng là điều mà người muốn đi xuất khẩu lao động ở các nước khác không có được.

Tại buổi làm việc với Trung tâm, ông Hồ Văn Thế, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cũng đã bày tỏ sự đồng tình khi nghe chương trình này: Về phía địa phương thì hoàn toàn ủng hộ. Bởi lẽ với mức thu nhập bình quân hiện nay của lao động là người thiểu số ở địa phương chỉ đạt từ 500.000 - 700.000 đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều nếu so với mức khi đi xuất khẩu lao động tại Malaysia là khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Số lượng lao động thì không đáng ngại, điều đáng lo là giải pháp quản lý để người lao động hàng háng có thể gửi được một số tiền nhất định là khoảng 1,5 triệu đồng về quê để trợ giúp cho gia đình và tích luỹ cho bản thân.

Chương trình này đã hoàn tất, hiện đang trình cấp thẩm quyền và nếu được phê duyệt dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào năm 2008, với số lượng lao động tuyển dụng khoảng 260 người ở 5 huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây và Tây Trà.

Tuy nhiên trở ngại lớn nhất hiện nay là phần đông đối tượng tham gia chương trình này là con em nghèo của đồng bào ít người, vì vậy số tiền chi phí ban đầu khoảng 2 triệu đồng là quá lớn đối với họ. Vì vậy rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp của tỉnh

C.Nguyễn
.
.
.