Xuân về bên cột cờ Lũng Cú

Thứ Bảy, 05/02/2011, 08:18
Thiếu úy Lý Mí Dình, Trạm trưởng Trạm Công tác Biên phòng Lũng Cú là người Mông, quê ở phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Anh tự hào vô cùng khi hàng ngày, hàng giờ được sống và làm việc ở mảnh đất thiêng vùng biên ải, nơi có cột cờ Lũng Cú. Lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em luôn tung bay theo nhịp bước tuần tra của những người lính biên phòng, theo điệu dân ca của người Lô Lô, theo tiếng khèn của chàng trai Mông…

1. Năm 2010 là năm cột cờ Lũng Cú có thêm một dấu mốc mới. Đó là năm, cột cờ được xây mới trên vị trí cũ với quy mô lớn hơn. Cột cờ cao 33,15m, trong đó phần thân cột cao 20,5m, cán cờ dài 12,9m, trong thân cột có 135 bậc lên đỉnh cột cờ; chân cột cờ hình bát giác với 8 bức phù điêu bằng đá xanh, minh họa cho các giai đoạn lịch sử của dân tộc… Cột cờ Lũng Cú gắn với một truyền thuyết được lưu truyền trong cộng đồng người Lô Lô, người Mông, người Dao… rằng, thời Tây Sơn, sau đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung cho đặt một chiếc trống đồng ở trạm gác vùng biên ải này. Tiếng trống đồng là sự khẳng định chủ quyền, là hiệu lệnh.

Ngày 25/9, hòa cùng dòng người từ khắp nơi đổ về tham dự lễ khánh thành cột cờ Lũng Cú, tôi nhìn thấy trong mắt họ chứa chan niềm vui sướng và tự hào. Các cô gái dân tộc Lô Lô váy áo sặc sỡ, nét mặt tươi rói tung tăng leo lên chân cột cờ. Họ ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió, họ hướng mắt ra xung quanh ngắm các bản làng. Họ cười, họ ríu ran trò chuyện, họ làm duyên khi thấy ống kính máy ảnh, máy quay hướng về phía mình. Tôi may mắn khi lần đầu tiên đặt chân lên Lũng Cú lại được tham dự ngày lễ trọng đại này. Còn một may mắn nữa là gặp bác Hùng Đình Quý, người "khai sinh" ra lá cờ rộng 54m2 đang tung bay trong gió. Bác nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn.

Năm 1978, khi tuyến đường lên Lũng Cú được khánh thành, thấy lá cờ cắm lúc trước chưa đủ rộng để mọi người dân sống ở dưới chân núi Rồng có thể ngắm nhìn, bác nảy ra sáng kiến dựng cột cờ cao hơn, may lá cờ rộng hơn. Và lá cờ phải tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, may một lá cờ rộng 54m2 là sẽ rất hợp lý. Thế là ngày 12/8/1978, lá cờ rộng 54m2 chính thức tung bay trên cột cờ Lũng Cú. Đến nay, khi chứng kiến cột cờ được xây dựng kiên cố, bề thế và diện tích lá cờ 54m2, bác Quý rất tự hào.

2. Thiếu úy Lý Mí Dình đã có 8 năm trong quân ngũ. Từ nhà bố mẹ anh (phố Cáo, Đồng Văn) lên cột cờ Lũng Cú khoảng 50km. Thủa nhỏ, anh theo học ở cấp học phổ thông ở thị trấn Đồng Văn và cũng từng theo đám bạn học leo lên cột cờ Lũng Cú. Sau khi gia nhập lực lượng Bộ đội Biên phòng, được phân công về công tác ở Đồn Biên phòng Lũng Cú và được bổ nhiệm là Trạm trưởng Trạm Lũng Cú, anh thấy rằng mình đã rất đúng khi quyết định tham gia quân đội. Là người Mông, anh rất am hiểu tập quán, phong tục của dân tộc mình. Để anh em chiến sỹ trong đơn vị hiểu và biết nói tiếng Mông, anh trực tiếp dạy cho họ. "Dạy cả trong lúc ăn cơm đó em", anh Dình nói.

Đến nay, anh em cơ bản nói và hiểu được tiếng của người Mông rồi. Bản thân anh Dình cũng tìm hiểu và học tiếng của người Lô Lô. Bây giờ xuống bản, anh rất tự tin khi giao tiếp với bà con. Anh bảo rằng, sống và làm việc ở đâu thì phải hiểu và nói được tiếng của người dân ở đó. Bà con các dân tộc ở Lũng Cú yêu và mến các chú bộ đội cũng vì thế. Gần dân, được dân yêu nên anh Dình và vợ dự định sẽ gắn bó với bà con các dân tộc ở Lũng Cú lâu dài. Vợ anh, cô giáo Tiểu học Bùi Thị Hằng quê ở Hưng Yên. Tình nguyện lên Hà Giang làm cô giáo vùng cao, Hằng dự định sau vài năm sẽ xin về quê dạy học cho gần gia đình. Thế nhưng, mối nhân duyên giữa cô giáo vùng cao với đồng chí Bộ đội Biên phòng khiến cô quyết định ở lại Lũng Cú.

Anh Dình vui vẻ cho biết, vợ chồng anh quen nhau trong một lần Bộ đội Biên phòng và các cô giáo giao lưu văn nghệ. Tết Canh Dần, lần đầu tiên anh Dình ăn Tết người miền xuôi khi theo vợ về Hưng Yên. Tết Tân Mão năm nay, gia đình anh có thêm thành viên mới là cô con gái nhỏ và sẽ ăn Tết ở Lũng Cú. Anh Dình bảo, nhà ông bà nội chỉ cách nơi công tác 50km nhưng vì nhiệm vụ, anh không bỏ vị trí. Vợ và con anh sẽ dời trường vài ngày lên Trạm ăn Tết cùng bố.

Đại diện chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang trong lễ khánh thành trùng tu cột cờ Lũng Cú ngày 25/9/2010.

Theo anh thì đêm 30, bà con các bản làng xung quanh sẽ đến chúc Tết chú bộ đội. Các đơn vị Quân đội, Công an, các đoàn thể lân cận cũng sẽ đến chúc tụng nhau. Đêm 30 vốn tối và lạnh nhưng đồng đội, quân dân được quây quần bên nhau và cùng nâng ly rượu ngô thơm nồng thì vui lắm, ấm áp lắm. Cứ Tết đến, người Lô Lô sẽ lấy trống đồng ra đánh, trai, gái, già trẻ sẽ hát và nhảy múa xung quanh. Còn người Mông thì nhà nào cũng mổ một con lợn to mời người thân, người cùng bản đến ăn. Ăn xong, mỗi người lại được gia chủ cho một miếng thịt đem về. Cứ nhà này cho nhà kia thịt và ngược lại. Đây là hành động thể hiện sự thơm thảo và yêu mến nhau của người Mông đấy. Chú bộ đội đến chúc Tết, lúc về cũng được người Mông cho thịt mang về nữa. "Tết ở Lũng Cú vui lắm", đồng chí Dình nói.

Trung tá Trần Minh Tuấn, y sỹ có 10 năm công tác ở Trạm Lũng Cú. Anh Tuấn quê ở Phú Thọ nhưng gần 30 năm nay, anh gắn bó với đồng bào các dân tộc  Hà Giang. Làm việc ở phòng khám quân dân y kết hợp nên anh thường xuyên tiếp xúc với cán bộ, nhân dân trong khu vực. Thường thì những ca bệnh nặng, người dân mới nhờ đến phòng khám. Đó là khi trẻ em bị viêm phổi, người già suy kiệt hoặc các ca đẻ khó. Việc đi bộ, trèo đèo lội suối đi đỡ đẻ với anh là chuyện bình thường. Có những lần, nửa đêm có ông bố trẻ gõ cửa vì vợ đẻ khó, thế là anh vội vã lần trong bóng đêm đi theo. Đến nơi, đó là ca thai ngược. Sau khi giúp sản phụ mẹ tròn con vuông, anh mới thở phào.

"Thông thường, chỉ các ca đẻ khó bà con mới nhờ mình", anh Tuấn nói. Chính vì biết rõ tính cấp bách của ca bệnh nên bằng mọi cách, anh phải đến nhà họ sớm, cho dù có phải chạy bộ thật nhanh. Người dân cảm kích và yêu mến anh nên mỗi khi có dịp lại đem rau cải, gà, rượu ngô đến tặng. "Những món quà giản dị này chứa đựng trong đó rất nhiều tình cảm", anh Tuấn nói. Theo lịch, Tết Tân Mão anh Tuấn trực ở đơn vị. Thế nên, trước Tết anh sẽ về quê thăm vợ con. Mỗi năm một đến hai lần, anh lại vượt 500km từ Lũng Cú về Phú Thọ thăm nhà. Vợ anh, người phụ nữ chân chỉ hạt bột thay chồng làm cha nuôi dạy hai đứa con ngoan, khỏe mạnh. Con gái anh nay đã là sinh viên một trường đại học, con trai đang học cấp III. Anh rất vui vì có "hậu phương" vững mạnh nên mới toàn tâm, toàn ý cho công việc của người thầy thuốc vùng biên ải.

Xuân về bên cột cờ Lũng Cú, những cô gái Mông, Lô Lô xúng xính trong bộ váy áo nhiều màu sắc. Sắc thắm của hoa đào, sắc trắng của hoa mơ, hoa mận làm tôn thêm vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nơi biên ải. Và các anh, những chiến sỹ biên phòng luôn sát cánh cùng với người dân, các chiến sỹ Công an bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bình yên cho mỗi bản làng

Cao Hồng - CAND Xuân Tân Mão 2011
.
.
.