Xuân ấm áp cho những em bé ung thư

Chủ Nhật, 21/02/2010, 12:02
Chiều muộn ngày 27 Tết Canh Dần, chúng tôi đến thăm các em bé đang điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện K khi không khí Tết đã tràn ngập đường phố. Ở đây, nơi các bé đang hằng ngày, hằng giờ chiến đấu với căn bệnh quái ác, Tết cũng như đang đến thật gần, dù vẫn thiêm thiếp trên giường bệnh sau đợt điều trị hóa chất hay cánh tay vẫn lủng lẳng ống kim truyền, thì những nụ cười đã nở trên môi các bé.

Bé Nguyễn Thúy Hà ríu rít đội vào đầu chiếc mũ mềm mẹ mới mang vào, che đi mảng tóc đã rụng gần hết, đi một vòng chào các bạn, đến bên giường của cô bé Lành đang thiêm thiếp vì vừa truyền hóa chất, Hà nắm tay bạn, rủ rỉ: "Chị về ăn tết đây, cố gắng lên Lành nhé". Lành khẽ mỉm cười, nhưng tôi chợt thấy từ đôi mắt đen láy của cô bé, ứa ra 2 giọt nước long lanh.

Trẻ em thì ở đâu cũng giống nhau, dù sinh ra trong một gia đình nghèo khó hay khá giả, thì chúng vẫn mong đợi ngày Tết với nỗi háo hức thiêng liêng khó tả. Nhưng cũng có những em bé phải đón Tết tại bệnh viện này, vì nghèo khó, vì trọng bệnh, vì nhà ở quá xa. Và vì thế, Tết đôi khi đối với chúng là những kỉ niệm buồn bã nhất. Nhưng hôm nay, niềm vui của các bé đang hiện hữu trên từng gương mặt ngây thơ, từng tiếng nói, tiếng cười.

Bé Nguyễn Thúy Hà, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội - cô bé có gương mặt xinh xắn, đang rất phấn khởi khi được mẹ đón về. Bé đang đi đến các giường bệnh nắm tay từng đứa bạn, ríu rít thông báo niềm vui được về nhà ăn Tết. Ôm chầm cô bé Diệp đang phải dùng hai cây nạng để di chuyển, bé Hà áp đôi má vào má Diệp, nói như reo: "Diệp ở lại nhé, chị về ăn Tết đây".

Nhìn hai đứa trẻ ôm nhau chẳng muốn rời, mẹ bé Hà và cả chúng tôi đều quay đi, giấu những niềm xúc động đang dâng lên rất tự nhiên. Trẻ con không biết nói dối, mọi cảm xúc và hành động của chúng đều xuất phát từ những tình cảm chân thành. Ở lâu trong bệnh viện, chúng trở nên thân thiết và coi nhau như chị em.

Đôi bạn Hà và Diệp đang tạm biệt nhau về ăn Tết.

Trong buồng bệnh này, Hà như chị cả, vì cô bé đã 13 tuổi và đang học lớp 7, nhưng do bệnh tật nên trông Hà nhỏ bé, gầy gò, tuy thế, lúc nào cô bé cũng tỏ ra rất người lớn, thường quán xuyến các em bé hơn và cũng được các em rất yêu quý. Nhà ở gần, nên năm nay dường như Hà là người được về ăn Tết cùng gia đình sớm nhất, niềm vui ấy của cô bé đang lan tỏa trong khắp buồng bệnh này.

Còn bé Diệp, cô bé có gương mặt hiền lành, ngoan ngoãn sau khi chào chị Hà thì dùng đôi nạng gỗ nhấc từng bước khó nhọc qua bậc tam cấp để đi xuống dưới sân dạo chơi. Tôi giơ máy ảnh lên chụp. Như một thói quen, bé giơ tay vuốt tóc, nhưng trên cái đầu trọc lốc, không còn một sợi tóc nào.

Diệp đã 9 tuổi và ở tuổi ấy, nhiều cô bé đã biết làm dáng trước gương, có lẽ Diệp cũng đã ý thức được về mái tóc đặc biệt của mình và có thể, hành động mà tôi vừa nhìn thấy là bởi cô bé ngại ngùng với cái đầu của mình chăng? Diệp kể, năm ngoái, đến tận 30 Tết em mới được về. Nhà Diệp ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, có thể năm nay em được mẹ đón về sớm hơn.

Từ hồi phát hiện con bị bệnh hiểm nghèo, chị Thảo bỏ hết công việc đồng áng lên đây chăm sóc con, còn đứa em Diệp ở nhà đành phải ở với bố. Những ngày Tết được về nhà là những ngày sung sướng nhất của Diệp. Năm nào Diệp cũng xin bố mẹ tự tay gói một chiếc bánh nhỏ xíu để lên trên cùng trong nồi bánh chưng, và cái bánh đó hai chị em sẽ vừa ăn vừa thổi. Chỉ nghĩ đến thế thôi là Diệp đã muốn về nhà lắm rồi, điều buồn nhất của Diệp trong mấy ngày Tết là cô bé không làm giúp được mẹ nhiều việc trong gia đình.

Tặng quà cho một cháu bé bị ung thư.

Ở cuối phòng, bé Phạm Thị Lành đang thiêm thiếp nằm ngoan như một con mèo, thỉnh thoảng Lành lại khẽ mở mắt nhìn chúng tôi đang nói chuyện cùng mẹ bé rồi đôi mắt lại mệt mỏi nhắm nghiền. Cô bé vừa truyền hoá chất nên rất mệt. Gia cảnh khó khăn của Lành thì cả khoa Nhi này, từ các bác sĩ đến các cô y tá, hộ lý đều biết.

Bác sĩ Trần Văn Công, Trưởng khoa Nhi ngậm ngùi cho biết: Hoàn cảnh của Lành rất khó khăn, rất cần những tấm lòng nhân ái giúp đỡ để em có thể tiếp tục điều trị. Trò chuyện với chị Phạm Thị Ngân - mẹ của Lành mới biết, nhà em ở tận Thái Bình, bố Lành đã mất vì tai nạn giao thông từ năm 2007. Khi ấy Lành mới 9 tuổi. Đau đớn vì cái chết đột ngột của chồng chưa nguôi ngoai thì chỉ gần 1 năm sau, chị lại rụng rời tay chân khi các bác sĩ cho biết, Lành đã bị ung thư máu.

Chị Ngân trước làm công nhân may, mỗi tháng cũng được khoảng 1 triệu đồng, nhưng từ khi con bị bệnh, chị phải bỏ hết việc lên chăm sóc cháu. Tiền bạc trong nhà dành dụm được đã hết sau đám tang chồng, giờ lại phải lên bệnh viện chăm con mắc trọng bệnh, thế nên hầu như chị phải nhờ anh em giúp đỡ, còn đứa con nhỏ mới 2 tuổi giờ cũng phải nhờ các bác nuôi giúp, cứ vài ngày cháu lại ở nhà một bác.

Mỗi ngày, chị Ngân được Tổ chức "Chắp cánh ước mơ" giúp đỡ cho một bữa ăn 15 nghìn đồng. Suất ăn ấy được dành cho cháu Lành, thường thì Lành không ăn hết nên chị Ngân ăn nốt chỗ thừa của con. Còn một bữa chị phải đi mua và hai mẹ con cũng chỉ dám chung nhau một suất ăn ấy. Từ khi mắc bệnh, hầu như Lành toàn ở bệnh viện, thế nên, em chỉ mong chờ đến ngày Tết để được về nhà. 30 Tết năm nay, chị Ngân hứa với con sẽ đưa Lành về quê để em còn được thắp nén hương cho bố.

Năm ngoái, cũng phải đến ngày 29 em mới được về. Nhận số tiền 2 triệu đồng của bạn đọc báo CAND trợ giúp, chị Phạm Thị Ngân cảm động không nói nên lời. Bé Lành là một trong ba trường hợp khó khăn nhất đang điều trị tại khoa Nhi được đoàn công tác thuộc Ban ANTGCT-GT-CSTC Báo Công an nhân dân trợ giúp số tiền 2 triệu đồng. 6 trường hợp khác được trợ giúp mỗi trường hợp 1 triệu đồng do bạn đọc Báo CAND ủng hộ.

Thấy chị Hà đến bên giường chào để về nhà ăn Tết, Lành tủi thân ứa nước mắt vì đến tận ngày 30 em mới được về nhà. Cô bé Huyền (nhà ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) đang ngồi ở góc giường phía ngoài cũng vậy, nửa muốn chia vui với nỗi háo hức của chị Hà, nửa lại thấy chạnh lòng vì bác sĩ bảo, nếu xét nghiệm đủ bạch cầu thì ngày 29 em sẽ được về còn nếu không thì phải ở lại điều trị. Huyền kể, những Tết năm trước, em thường được đi chợ cùng mẹ mua hoa, mua quần áo mới, giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, còn năm nay thì đến giờ vẫn còn ở bệnh viện nên chẳng giúp được cha mẹ việc gì.

Tạm biệt bệnh viện, về sum họp với gia đình mấy ngày Tết, đó là niềm vui khôn xiết của các em bé đang điều trị bệnh ung thư nơi đây. Những ngày đó, các bé sẽ không còn đau đớn bởi kim tiêm, không mệt đến phờ phạc vì hóa chất. Các em sẽ được tạm quên đi nỗi đau trần gian mà các em đã phải gánh chịu khi còn quá nhỏ. Còn chúng tôi thì mong, những ngày Tết ấy sẽ kéo dài vô tận, để các bé được trở về ngôi nhà thân yêu của mình, để được đón một cái Tết đầm ấm và quên hết mọi ưu phiền, đớn đau

Nằm trong chuỗi hoạt động từ thiện của Báo CAND mỗi dịp tết đến, xuân về, đoàn công tác thuộc Ban ANTGCT-GT-CSTC đã đến thăm các em bé đang điều trị ung thư tại Viện K (cơ sở 2, tại Thanh Trì, Hà Nội) và tặng quà tết cho các em.

12 triệu đồng của bạn đọc gửi tặng đã được trao cho 3 em (mỗi em 2 triệu đồng) có hoàn cảnh khó khăn nhất gồm: Đàm Thanh Huyền, Phạm Thị Lành, Nguyễn Hà Sơn và 6 em khác (mỗi em 1 triệu đồng). Xúc động trước hoàn cảnh khó khăn của các bệnh nhi nhỏ tuổi nhưng rất nhiều nghị lực này, mỗi cán bộ, phóng viên trong đoàn công tác đã tự nguyện góp mỗi người 500 nghìn đồng để giúp đỡ các em.

Đinh Hiền
.
.
.