Xuân Tết - Niềm con ơn Mẹ!

Thứ Hai, 08/02/2016, 16:53
Đời người thật dài khi sống với biết bao điều nhớ được ghi theo năm theo tháng. Nỗi nhớ đẹp như cốt nhục của tâm trạng mình, làm mình tin hơn, yêu hơn sau bao nhiêu từng trải. Những nghĩ suy này thường đến với tôi vào dịp xuân tết.

Xuân tết như là bến đỗ, nhà ga, nơi tạm dừng chân sau một năm của chuyến đi dài suốt một đời người, đẹp như búp lá non của thời mới sinh cùng những chiêm nghiệm khi trưởng thành…

Tôi không may mồ côi cha từ năm bốn tuổi để sau đó là trọn vẹn những năm tháng sống trong sự chở che đùm bọc của mẹ. Với tôi trước mẹ, ngày xưa sống bên Người, cả khi lấy vợ ra ở riêng và bây giờ khi mẹ đã khuất núi gần ba chục năm rồi mà lúc nào tôi cũng như còn nhỏ dại rất cần sự dưỡng nuôi của Người. Mẹ luôn luôn là Phúc Thần của con của cháu.

Đêm ngủ tôi hay mơ thấy mẹ và ngày ngày thường nhớ về mẹ. Nhớ nhất là những ngày cận Tết và đầu năm mới bởi đó là thời điểm mẹ sinh tôi và nuôi tôi bằng dòng sữa của Người. Hơn nữa, tết là sự bắt đầu trong sự bắt đầu xuân của một năm cũng là lúc trở về nguồn cội của tình nghĩa và nhớ thương, trong đó lòng biết ơn của cháu con là vô hạn trước tiên tổ, ông bà, cha mẹ…

Ảnh: NSNA Cảnh Tăng.

Thuở tôi còn bé, nhà nghèo. Đôi vai mẹ gánh hàng cau trầu chợ chiều chợ phiên, buôn bán lấy đồng tiền lẻ nuôi con. Vậy mà tết nào tôi cũng có tấm áo nâu mới để mặc, miếng thịt ngon, miếng bánh chưng thơm hoặc đĩa xôi dẻo mẹ dâng cúng rồi hạ lễ xin cho con được hưởng lộc.

Chiều ba mươi mâm cơm cúng tất niên nhà tôi dù không đầy đặn như một số nhà có của ăn của để nhưng vẫn có đủ lễ vật theo phong tục của làng. Nghèo quanh năm chịu được nhưng ngày tết mà không có cái ăn cái mặc cho con trẻ và cho mình là người lớn không chịu được.

Đầu năm mẹ bảo tôi đi gánh nước ở cái giếng đầu làng mang về đổ đầy chum nhà với ước mong của cải sẽ về với gia đình như nước. Lệ tục xin nước cầu may này tôi vẫn giữ cho gia đình riêng của mình khi lớn lên ra ở phố. Cứ  vào giao thừa năm nào cũng vậy là vợ chồng tôi mở vòi nước máy cho nước chảy ào ào vào bể ngầm và cắm máy bơm điện cho nước chảy lên bể chứa nơi gác thượng.

Niềm mong ước về sự đầy đủ khi tết về luôn luôn là ý muốn của mọi người. Chẳng thế mà ngoài việc giục con đi gánh nước ngày đầu năm mẹ còn dắt tôi đi lễ ở chùa làng xin thiện tâm từ đức Phật rồi đi bộ sang ngôi đền thiêng nơi làng bên ở gần làng mình có cây đa to để lễ Thánh và xin lộc Thánh. Lộc Thánh là một cành đa nhỏ tươi tốt lá cành theo mẹ con tôi mang về cài dưới mái nhà gianh.

Mẹ bảo cây đa nhiều lá nhiều cành, thân to, bóng chùm sẽ mang đến cho gia đình mình nhiều thuận lợi trong làm ăn, sinh sống. Mẹ nói, một thầy đồ hay chữ của vùng đã giảng cho mẹ hiểu: Đa có nghĩa là nhiều, xin lộc từ Đa là sẽ có nhiều lộc nhất.

Ngày mùng một mẹ không cho quét nhà, mẹ nói phải kiêng vì sợ của cải theo đi. Điều này mẹ dặn đi dặn lại từ tối ba mươi, sáng sớm mùng một còn nhắc lại sợ con quên. Mẹ cũng đã giục tôi giúp mẹ, cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa cho thật tinh tươm vào chiều ba mươi để mang cái sạch sẽ của gia cảnh bước vào năm mới được hanh thông.

Đâu chỉ gia đình tôi mới giữ ý như thế. Lệ tục từ ông bà tổ tiên để lại là vẻ đẹp của nếp sống. Nhất là việc nhiều người kiêng đến nhà nhau đầu năm mới vì sợ mang vía dữ, việc xúi đến cho nhau. Chính vì vậy mà rất hay có chuyện chọn người, nhờ người xông đất, xông nhà đầu năm. Tôi sau này đã như một thói quen, có cải tiến trong nếp ứng xử, thường ra khỏi nhà trước mươi mười lăm phút rồi về tự xông nhà mình khi chuông báo xuân nửa đêm điểm với tâm niệm mọi chuyện của một năm với gia đình mình thường là do mình và mình phải có trách nhiệm là chính để tránh những suy diễn, lo âu.

Cũng vì chuyện kiêng kị này cũng có gia đình, xưa đã vậy nay cũng vậy, cẩn thận chọn người hợp tuổi, hiền lành đức độ lại có nhiều phúc lộc, hẹn giờ lành từ ngay trong năm, trân trọng mời đến thăm gia đình mình vào ngày giờ cụ thể để xin may mắn…

Ngày mùng một mới tinh mơ lời đầu tiên mẹ dặn tôi: “Hôm nay con nên chơi quanh quẩn trong nhà tránh ra ngõ ra làng gặp ai sớm nhỡ không may người ta có điều nọ điều kia trong năm lại đổ cho mình thì khổ! Có đi đâu thì cũng phải quá trưa hoặc mùng hai, mùng ba. Đi chơi nên ra đình xem hội, vào chùa theo lễ và không được nghịch dại, làm liều, tránh đánh nhau, nói hư, chửi bậy…” .

Đâu chỉ riêng mẹ tôi dặn con như thế mà nhiều nhà cũng làm vậy. Người lớn làm gương trước, trẻ con noi gương sau. Những ngày tết ở làng quê ta ăm ắp những dạ thưa, câu răn dạy, giàu có những lời chúc tụng, đổi trao bằng ngôn ngữ sạch và sang trọng…

- Kính chúc cụ tân niên sức khỏe bằng năm bằng mười năm ngoái ạ!...

- Thầy ra đình lễ Thánh ạ! Kính chúc thầy mọi sự như ý...

- Bẩm ông đến vui hội. Năm mới chúng cháu kính chúc ông cùng toàn gia an khang thịnh vượng…

- Lạy tạ bà đi cháu. Cảm ơn bà cho cháu tiền mừng tuổi để cháu làm vốn lấy khước lấy may…

- Bé ơi, năm mới hay ăn chóng lớn nhá. Cô có lộc cho con đây này…

Nhiều nhiều lắm những ước muốn tốt lành cho nhau. Lại nữa, những ngày đầu năm không tiếng nói to, nói nặng, không lời ra câu vào bóng gió đụng chạm tới nhau. Nhà ai không may có chuyện buồn thì đóng cửa giấu kín tiếng khóc. Không gian sống của làng trong những ngày đầu năm thật thanh khiết. Tôi ao ước những ứng xử tốt đẹp này sẽ thành thói quen sống của người mình không chỉ riêng trong những ngày tết mà là quanh năm và theo thời gian đi cùng nhiều thế hệ…

Những ngày xưa ấy sống bên mẹ, tôi được theo mẹ đi lễ tết, chúc tết họ hàng. Mẹ đưa tôi đến lễ nhà thờ họ rồi nhà vị Trưởng tộc. Tôi và mẹ đứng trước nhang đèn hương khói và chắp tay theo mẹ vái lạy tiên tổ. Sau đó mẹ đưa tôi đi lễ tết các vị bác họ gần là anh của cha tôi, lễ tết thầy giáo dạy tôi chữ ở trường làng. Tôi còn được mẹ cho thăm những bạn chợ bạn hàng thân quen của mẹ. Nhà tôi cũng có nhiều người đến thăm trong đó có những người ở làng khác, không họ hàng thân thích nhưng được mẹ tôi giúp đỡ khi khốn khó nhân dịp xuân về chúc tết, tạ ơn…

Ngày tết theo mẹ đi lễ tết, chúc tết ở làng, nắm tay mẹ, theo mẹ dắt, níu vạt áo mẹ cùng mẹ đi trong mưa xuân lay phay bụi, hay lạnh ngọt ngọn gió đầu năm với tôi thuở bé con là những trang huyền thoại. Cảm ơn mẹ, tạ ơn mẹ trong những ngày tết quê có mẹ cho con được đi cùng, sống cùng. Đấy là tài sản mùa xuân của tình mẫu tử tôi luôn có ở tuổi ấu thơ, cả những lúc lớn lên vào đời phải xa mẹ với những cái tết của riêng mình nhưng luôn có mẹ trong tâm dặn dò, dạy dỗ.

Bài viết này sẽ còn chưa đủ và rất thiếu nếu tôi quên chuyện, mỗi đầu năm ngoài lo tết vui tết ở quê chồng mẹ còn đưa tôi về lễ tết bên ngoại. Quê mẹ tôi, tức là nơi mà tôi hay gọi là quê ông bà vãi ở cách xa quê nội tôi trên mấy chục cây số. Cha tôi người xứ Đoài, mẹ tôi ở miền có nhiều cây cọ xanh. Quê của cha của mẹ tôi cách nhau một dải sông Đà. Năm nào theo mẹ đi lễ tết quê ngoại tôi cũng được qua đò ngang ở bến Trung Hà. Thường dịp ấy sông cạn, nước trong. Gió sông thổi cái lạnh vào người hun hút để sau đó đi bộ ít cây số nữa tới nhà ngoại được hưởng cái ấm của bếp sưởi mà củi được vớt lên phơi nắng khô nỏ từ mùa lũ sông Đà. Ông bà ngoại tôi mất đã lâu. Chỉ còn anh còn chị của mẹ tôi đón tiếp em gái đi lấy chồng xa từ bên Sơn Tây lên lễ tết. Với tôi khi lên lễ tết ông bà ngoại ngoài việc được vái lạy ông bà vãi đã khuất còn có cái thú được nướng sắn đồi Phú Thọ bằng than củi sông Đà để dậy lên trong tuổi thơ mình vị thơm quê núi mà ơn mãi miền trung du nơi đã sinh ra người đẻ ra mình…

Chắc những câu chuyện trên của tôi cũng giống hay tương tự như chuyện của nhiều người khác nữa trên mảnh đất này khi xuân về. Đây là vẻ đẹp của dân tộc trao cho mọi người theo thời gian gìn giữ cùng chọn lọc một nghi thức quý báu của Văn hóa Tết Việt đặng góp vào các giá trị Tết khác của nhân loại…

Ngày tết theo mẹ đi lễ tết, chúc tết ở làng, nắm tay mẹ, theo mẹ dắt, níu vạt áo mẹ cùng mẹ đi trong mưa xuân lay phay bụi, hay lạnh ngọt ngọn gió đầu năm với tôi thuở bé con là những trang huyền thoại.
Trần Phan
.
.
.