Xử phạt nghiêm doanh nghiệp bớt, xén suất ăn của công nhân

Thứ Tư, 18/09/2019, 16:22
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh phát biểu như trên tại buổi thanh kiểm tra đột xuất một số doanh nghiệp chuyên về kinh doanh suất ăn sẵn, cung cấp suất ăn công nghiệp trên địa bàn TP HCM trong sáng 18-9.


Bà Phong Lan cũng nói rõ: “Quá trình thanh kiểm tra đã phát hiện tình trạng có doanh nghiệp đặt suất ăn cho công nhân với giá thành cao, nhưng qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian đã “bớt, xén”, ăn chênh lệch bằng cách tìm nguồn thực phẩm giá rẻ”.

Tại công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Khải Thành (quận Tân Phú), ông Đặng Hồng Thạch, Giám đốc công ty Khải Thành cho biết, mỗi ngày công ty cung cấp khoảng 2.500 suất ăn trưa cho 5 công ty và trường học. Đơn giá mỗi suất ăn từ 15.000-23.000 đồng. Mặc dù giá tiền suất ăn khá thấp nhưng công ty luôn đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng - ông Thạch khẳng định.

Tại công ty TNHH Kyung Rhim Vina (Q.Bình Tân), đoàn đã test nhanh mẫu chả lụa và tất cả đều nằm trong mức an toàn cho phép. Theo Ban quản lý ATTP, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có 467 bếp ăn và ngoài khu công nghiệp là 468. 

Do các doanh nghiệp cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể mỗi ngày đều phục vụ hàng ngàn suất ăn, nếu để xảy ra tình trạng ngộ độc thì mức độ rất lớn. Tuy nhiên, có tình trạng doanh nghiệp đặt giá món ăn rất cao, nhưng qua nhiều khâu trung gian mà giá thành suất ăn khi đến với công nhân rất thấp, có nơi chỉ còn 12.000-13.000 đồng/suất. Ngay cả nhà hàng, khách sạn 5 sao cũng đã xảy ra tình trạng người mua thực phẩm tìm nguồn giá rẻ để ăn chênh lệch. Khi xảy ra ngộ độc thì khi truy ngược nguồn gốc, mới biết hàng hóa đều mua từ nguồn trôi nổi.

Bếp nấu của công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Khải Thành cho ra 2.500 suất ăn/ngày.

Thanh tra viên kiểm tra hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm được mua về tại công ty Khải Thành

Trưởng ban quản lý ATTP TP khẳng định, theo qui định cơ quan chức năng chỉ được phép thanh kiểm tra 1 lần/năm với các doanh nghiệp nhưng việc tới đột xuất lấy mẫu thực phẩm ngẫu nhiên để test nhanh hay kiểm tra vi sinh là việc làm thường xuyên. Qua việc giám sát, lấy mẫu thực phẩm nếu phát hiện có sai phạm thì nhắc nhở. Nhưng khi đã thanh kiểm tra phát hiện thì  thường phải xử phạt. Mức phạt hiện tại đang áp dụng rất nặng. 

Gần đây, Ban đã phạt nhiều doanh nghiệp với mức không dưới 100 triệu đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2019, Ban đã kiểm tra trên 4.000 doanh nghiệp liên quan đến ATTP tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời qua đó đang kiến nghị quốc hội để thống nhất có mức sàn tối thiểu cho bữa ăn công nhân. Đảm bảo cho công nhân không chỉ no bụng mà còn an toàn mà còn hướng đến tiêu chí đủ dinh dưỡng cho người công nhân.

Bà Phong Lan trao đổi với ông Đặng Hồng Thạch, Giám đốc công ty Khải Thành về thời gian an toàn nhất khi chia suất ăn tới khi mang tới công nhân.

Lưu mẫu thực phẩm tại công ty  với các món ăn chế biến trong ngày

Bà Phong Lan cũng chia sẻ tới vấn đề gần đây Ban quản lý ATTP có khuyến nghị người dân TP Hồ Chí Minh không nên ăn thịt chó vì có nhiều rủi ro với sức khỏe và nên từ bỏ thói quen này. Dùng thịt chó như một loại thực phẩm động vật để chế biến món ăn khoái khẩu là thói quen của người Việt ta lâu nay tuy nhiên hiện nay nguồn gốc của thịt chó chưa được kiểm soát tốt vì nhiều lý do. Thịt chó chưa được quản lý như các loại thịt heo, bò, gà… lâu nay đã được quản lý trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản. 

Thịt chó chưa được đưa vào danh mục quản lý, nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao. Lo ngại nhất khi thịt chó người dân mua, ăn phải có thể bị nhiễm bệnh dại hoặc những vi sinh vật gây bệnh khác. Ngoài ra, bà Phong Lan cũng dẫn giải, gần đây trong cộng đồng còn có phong trào ăn thịt mèo. Nếu nguồn thịt không đảm bảo có thể lây nhiễm các bệnh ký sinh trùng có nguồn gốc từ các động vật này. Riêng bệnh dại lây từ chó chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

 

H.Nga
.
.
.