Xử lý thiếu kiên quyết, nạn ô nhiễm bụi không giảm

Thứ Sáu, 20/03/2009, 11:07
Rất nhiều tuyến đường ngập trong mù mịt khói bụi, nhà cửa hai bên đường cũng thường xuyên hứng chịu bụi tấn công. Tất cả các vật dụng sinh hoạt trong nhà đều bám kín bụi bẩn. Ô nhiễm bụi gấp nhiều lần cho phép, nhiều loại bệnh về đường hô hấp xuất hiện, nhiều trường hợp trẻ em, người già đã phải sơ tán tránh bụi…

Đó là những lời than phiền của những người dân sống tại các khu vực chân cầu Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng, khu vực Đuôi Cá, đê sông Hồng, đường Láng Hòa Lạc, đường Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, QL70… Liên quan đến vấn nạn này, TP Hà Nội đã đưa ra những biện pháp làm giảm bụi trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố.

Cụ thể các phương tiện vận chuyển vật liệu rời, phế thải xây dựng chỉ được phép lưu hành khi đảm bảo các tiêu chí như: Thùng xe phải kín, cửa sau thùng xe với thân thùng phải kín, không chảy vật liệu khô và ướt, thùng xe phải có nắp đậy kín, khít. Toàn bộ các phương tiện không đảm bảo những tiêu chí này phải tiến hành cải tạo.

Các xe chở vật liệu xây dựng, đất, phế thải trước khi ra khỏi công trường phải rửa lốp, gầm xe để không gây bụi bẩn ra đường. Nếu vi phạm cả chủ phương tiện và người điều khiển phải chịu trách nhiệm. Ngoài việc chịu phạt tiền, khắc phục hậu quả đã gây ra còn bị tạm giữ phương tiện…

Quy định ban hành đã 4 năm qua, các giải pháp cũng liên tục được đưa ra nhưng tình trạng ô nhiễm bụi bẩn trên địa bàn xem ra không hề giảm. Phản ánh tình trạng này về đường dây nóng của Báo CAND, nhiều bạn đọc cho rằng: Chế tài xử phạt, quy định đã có đầy đủ, tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến tình trạng bụi hoành hành là do các cơ quan chức năng chưa xử lý tận gốc rễ của vấn đề, thiếu kiên quyết đối với vi phạm.

Từ ý kiến đóng góp, phản ánh của bạn đọc và qua khảo sát tại nhiều khu vực ở Hà Nội chúng tôi nhận thấy những ý kiến đó hoàn toàn xác đáng. Trên thực tế chỉ cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những quy định của TP Hà Nội đã đề ra, nạn bụi bẩn chắc chắn sẽ được giải quyết.

Hiện tại ở một số điểm khai thác cát sỏi, nơi hàng ngày cung cấp một lượng lớn vật liệu xây dựng cho TP Hà Nội mặc dù đã được bố trí xây dựng các điểm rửa xe trước khi rời khỏi bến, tuy nhiên việc rửa xe nhiều khi vẫn được thực hiện qua loa, chiếu lệ. Bên cạnh đó, một số lái xe thiếu ý thức khi qua trạm chỉ dừng lại một vài phút, thậm chí là bỏ qua nên việc phun xịt chỉ đủ để làm ướt bánh xe, sau khi xe qua trạm nhiều trường hợp đất, cát vẫn bám kín.

Hậu quả của tình trạng vi phạm này là dọc các tuyến đường ngoài khu vực các trạm rửa xe đơn cử như khu vực chân cầu Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng… thường xuyên hứng chịu cảnh ngập trong cát, bụi. Để giải quyết dứt điểm vi phạm tại các điểm rửa xe này cần phải bố trí lực lượng CSGT, TTGT cắm chốt 24/24h, kiên quyết không cho tất cả những trường hợp rời bến vi phạm.

Với số lượng hàng ngàn lượt xe chở vật liệu mỗi ngày, nếu giải quyết dứt điểm từ gốc chắc chắn một phần lớn nạn bụi bẩn sẽ được hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù TP Hà Nội đã có quy định rất cụ thể, tuy nhiên hiện tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn không hề che chắn, xe chở vật liệu phế thải khi rời khỏi công trường không hề được xịt rửa làm đất đá rơi vãi trên đường đã diễn ra.

Đây cũng chính là những khu vực thường xuyên chịu sự ô nhiễm nặng nề nhất. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tiến hành thống kê và kiểm tra tất cả các công trình xây dựng. Công trình nào thiếu các biện pháp che chắn, không có hệ thống xịt rửa xe chở phế thải đất đá cần xử phạt nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động. Sau khi đã khắc phục xong các vi phạm mới được thi công tiếp. 

Ngoài ra, để giải quyết triệt để, thay vì đón bắt, xử phạt từng phương tiện trên đường, các cơ quan chức năng kiểm tra tất cả các doanh nghiệp có phương tiện đang hoạt động chuyên chở phế thải, vật liệu xây dựng. Đơn vị nào chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thùng xe, nắp đậy sẽ không cho phép hoạt động.

Ngoài ra, việc kiểm tra, xử phạt đối với các phương tiện vi phạm phải thật quyết liệt, triệt để. Xử lý phương tiện vi phạm gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp. Các trường hợp vi phạm cần phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, báo chí giám sát. Tránh trường hợp xử phạt hành chính, nương nhẹ, sau khi bị xử lý lại tiếp tục "nhờn luật" hoạt động.

Bên cạnh đó cần có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể đối với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng như CSGT, TTGT phụ trách địa bàn này. Nếu địa bàn nào có công trường, phương tiện vi phạm cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, đơn vị phụ trách địa bàn đó. Nếu làm được kiên quyết như vậy, chắc chắn nạn bụi bẩn trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được hạn chế

Nhóm PV Pháp luật
.
.
.