Xử lý rác y tế Miền Trung: Quá nhiều sai phạm

Chủ Nhật, 28/10/2007, 09:41
Với lượng rác thải bệnh viện miền Trung thải ra cùng với cách quản lý và xử lý còn lỏng lẻo và chưa được quan tâm đúng mức, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do chất thải y tế là rất đáng báo động.

Đoàn Thanh tra liên ngành của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tiến hành kiểm tra việc quản lý chất thải y tế tại 27 cơ sở y tế, trong đó có 4 cơ sở trực thuộc Trung ương và 18 cơ sở trực thuộc tỉnh.

Đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý và phân loại rác thải y tế, nhất là việc tổ chức phân loại rác thải vẫn còn lẫn lộn làm ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều bệnh viện tuyến huyện, thành phố vẫn sử dụng lò đốt thủ công bằng dầu hoả rồi chôn lấp tự nhiên, thậm chí các cơ sở y tế tư nhân còn chưa có nơi để tiêu huỷ rác thải.

Đối với chất thải lỏng, nhiều cơ sở y tế không tách riêng được với nước thải sinh hoạt mà chủ yếu cho vào  bể chứa riêng và tự thấm vào đất. Đặc biệt, tại Bệnh viện Quân y 268 xử lý rác thải theo hình thức "đốt lộ thiên" ngay trong khuôn viên bệnh viện, trong khi mỗi ngày tại đây thải ra 20kg rác thải y tế, 50kg rác thải sinh hoạt.

Theo ông Trần Đình Oanh, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, mỗi ngày các cơ sở y tế trên địa bàn thải ra gần 400 kg rác thải y tế, tuy chưa có hiện tượng mua bán rác nhưng tỉnh vẫn chưa có biện pháp quản lý và xử lý rác thải y tế một cách nghiêm ngặt.

Từ ngày 1/10, Công ty Môi trường và Đô thị Huế đã hợp đồng với Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức thu gom và tiêu huỷ rác thải y tế nguy hại ở các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Huế.

Từ năm 2000, Bệnh viện này đã được đầu tư gần 1,5 tỉ đồng trang bị lò đốt tập trung Hoval MZ4 được đặt trong khuôn viên Bệnh viện. Đây là một trong những lò đốt hiện đại đầu tiên của Việt Nam, có công suất tiêu thụ rác thải từ 200 - 400 kg/ngày, đảm bảo lượng khí thải sạch ra bên ngoài.

Còn tại Đà Nẵng, một thành phố lớn trực thuộc Trung ương, nhưng qua kiểm tra hầu hết các bệnh viện, rác thải y tế không được phân loại theo chủng loại và chứa trong các thùng rác có màu sắc khác cũng như phân loại mức độ nguy hại theo quy định chặt chẽ của Bộ Y tế.

Sở Y Tế khẳng định, tại Đà Nẵng không có tình trạng buôn bán rác thải y tế; tuy nhiên những sai phạm trong xử lý rác thải hiện nay xuất phát từ thực tế là các bệnh viện vẫn chưa nắm rõ các quy định của Nhà nước trong việc xử lý loại rác thải đặc biệt này. Đây là thực trạng bức xúc, cần chấn chỉnh kịp thời trong thời gian tới.

Hiện Đà Nẵng, mới chỉ có 4 đơn vị có lò đốt rác thải theo quy mô nhỏ tại các Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện 199 (Bộ Công an), Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng.

Còn về nước thải y tế, ước tính mỗi ngày ở Đà Nẵng có hơn 1.000 m3 đổ ra, nhưng đến nay chỉ mới 10 cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải như: Bệnh viện Đà Nẵng, Da liễu, Hoàn Mỹ, Y học cổ truyền và Trung tâm y tế các quận, huyện; còn 11 bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải mà thường ngày được hòa chung ra hệ thống nước thải công cộng thành phố, gây ô nhiễm môi trường và dễ lây lan bệnh.

Đáng chú ý là một số bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng vận hành không thường xuyên và chưa được kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ.

Ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn báo cáo tình hình triển khai thực hiện quản lý chất thải y tế tới Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:

Việc phân loại chất thải rắn y tế các cơ sở chưa đúng quy định, cán bộ y tế chưa ý thức và "thuộc" quy trình phân loại ngay từ nơi phát sinh; phương tiện thu gom như túi, thùng đựng chất thải y tế còn thiếu, không đồng bộ, thùng chứa chưa đạt chuẩn quy định; các bệnh viện chưa thật sự quan tâm, đầu tư thùng đựng rác cũng như phương tiện vận chuyển chất thải y tế; việc vận chuyển rác thải y tế nguy hại, chất thải thông thường từ bệnh viện, các cơ sở y tế hầu như khoán trắng cho công ty môi trường đô thị;…

Từ đó, đã xảy ra tình trạng một số bệnh viện "bỏ ngỏ" việc quản lý, giám sát dẫn tới tình trạng thất thoát và tuồn rác thải chưa qua xử lý cho các đơn vị tư nhân tái chế đã gây bức xúc trong xã hội…

Hiện cả nước có 1.087 bệnh viện (1.023 bệnh viện nhà nước, 64 bệnh viện tư nhân) với tổng số hơn 140.000 giường bệnh; ngoài ra còn có hơn 10.000 trạm y tế xã; hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất dược phẩm, sinh phẩm y tế.

Ước tính đến năm 2010, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh là hơn 500 tấn/ngày, trong đó có khoảng 60-70 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại phải xử lý.

Với những con số về lượng rác thải bệnh viện thải ra cùng với cách quản lý và xử lý còn lỏng lẻo và chưa được quan tâm đúng mức như trên, thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do chất thải của các bệnh viện là rất đáng báo động

Viết Nam
.
.
.