Xử lý nghiệm những vụ "không bình thường" ở trường THPT Lương Định Của (Sóc Trăng)

Thứ Tư, 26/08/2009, 11:23
Một học sinh lớp 12 người Khmer đủ điều kiện nhưng lại không được dự thi tốt nghiệp năm 2009. Hơn thế nữa, những người có trách nhiệm của trường lại bưng bít vụ việc nói trên trước dư luận. Vụ việc được phát hiện tại Trường THPT Lương Định Của, huyện Long Phú (Sóc Trăng)…

Đủ điều kiện nhưng không được thi tốt nghiệp (?!)

Một ngày giữa tháng 8/2009, nhân dịp chuẩn bị cho năm học mới 2009-2010, chúng tôi có dịp về huyện Long Phú để tìm hiểu công tác chuẩn bị năm học mới ở địa phương. Tại đây, chúng tôi được một số em học sinh lớp 12 của Trường THPT Lương Định Của năm học 2008-2009 phản ánh việc em Thạch Thị Ngọc Giàu (người Khmer), học sinh lớp 12A6 của trường, không được dự thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Một học sinh học cùng lớp với em Giàu, cho biết: "Trong năm học vừa qua, bạn Thạch Thị Ngọc Giàu học chung lớp với em, kết quả cuối năm học lớp 12, bạn Giàu xếp loại học lực yếu dù điểm bình quân cả năm các môn của bạn là 5,1 (do hai môn Văn, Toán của em Giàu dưới 5,0), hạnh kiểm xếp loại khá.

Thế nhưng không hiểu vì sao trong danh sách dự thi tốt nghiệp lớp 12 của nhà trường lại không có bạn Giàu. Lúc đó, do tự ôn thi tụi em ít gặp nhau nên không ai để ý đến việc bạn Giàu không có tên trong danh sách, hơn nữa, thầy chủ nhiệm lớp em cũng không thông báo gì cả nên ai cũng nghĩ tất cả mọi người đều được dự thi. Vả lại, khi làm hồ sơ dự thi, bạn Giàu cũng làm đơn xin dự thi nộp chung một lần với tụi em. Mãi sau khi đi thi, tụi em mới biết bạn Giàu không được dự thi".

Với thông tin trên, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết phụ huynh em Thạch Thị Ngọc Giàu cũng có đơn gửi cơ quan chức năng của địa phương nhưng không được hồi đáp. Chuyện nghe hết sức vô lý nhưng lại hoàn toàn có thật.

Buồn hơn khi nghe ông Thạch Ral, phụ huynh em Giàu, phản ánh: "Nhà trường cho biết con tôi không được thi tốt nghiệp với lý do không được làm hồ sơ thi do thất lạc giấy khai sinh. Trong khi đó, gia đình chúng tôi không rành về thủ tục hành chính. Như vậy là rất thiệt thòi cho con tôi bỏ công sức 12 năm trời mà không được dự thi".

Nhiều cán bộ quản lý trường học ở Sóc Trăng khi nghe chúng tôi phản ánh sự việc trên thì hết sức bất bình. Theo họ, việc làm hồ sơ dự thi cho học sinh là trách nhiệm của nhà trường, mà trước hết là của giáo viên chủ nhiệm.

Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường phải yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kiểm tra lại hồ sơ của học sinh để biết thiếu những loại giấy tờ nào và yêu cầu các em bổ sung cho đầy đủ. Sau đó, nhà trường phải phân công giáo viên trong trường kiểm tra chéo hồ sơ trước khi Sở GD-ĐT phân công các trường kiểm tra chéo hồ sơ lẫn nhau.

Vì vậy, việc nhà trường cho rằng do em Giàu thất lạc giấy khai sinh nên không được làm hồ sơ dự thi là không chấp nhận được. Em Giàu không được dự thi tốt nghiệp là do lỗi của giáo viên chủ nhiệm và lỗi của Hiệu trưởng, không đổ thừa cho học sinh được". Điều đáng nói hơn là lãnh đạo trường đã cố tình ém vụ việc này trước hội đồng sư phạm nhà trường, cho đến khi chúng tôi về địa phương hỏi thăm thì không ít giáo viên ngớ người ra trước thông tin nói trên...

Phó hiệu trưởng buộc giáo viên nâng điểm

Báo CAND có bài viết "Hiệu phó ép giáo viên nâng điểm cho học sinh" phản ánh việc ông Nguyễn Đức Vinh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Định Của đã yêu cầu các giám khảo chấm nhẹ tay, sửa điểm bài thi, nâng điểm lên cho nhiều thí sinh để các em đạt điểm khá, giỏi trong kỳ thi nghề phổ thông tại trường này (điểm này sẽ được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp vào năm tới, nếu học sinh đạt loại giỏi được cộng 2 điểm, loại khá cộng 1,5 điểm, loại trung bình cộng 1 điểm).

Yêu cầu của ông Vinh bị các giáo viên phản ứng vì đi ngược lại với tinh thần của cuộc vận động "Hai không" của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ngay lập tức, ông Vinh to tiếng: "Ai chấm được thì chấm, không chấm được thì về" (?!).

Giáo viên Trần Thị Nương, trả lời: "Chấm thì chúng tôi chấm được nhưng nâng điểm là không được", thì ông Vinh trả lời: "Chị chấm không được thì chị về đi".

Quá bức xúc khi Phó hiệu trưởng xúc phạm mình, cô Nương bật khóc và ngất xỉu nên được đưa về nhà. Đặc biệt, ông Vinh không phải là thành viên của Hội đồng coi - chấm thi. Hành động của ông Nguyễn Đức Vinh là vi phạm các qui định của ngành Giáo dục… cần được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Dư luận giáo viên ở Sóc Trăng rất bức xúc khi lãnh đạo ngành GD-ĐT Sóc Trăng chưa kiên quyết xử lý vi phạm của Phó hiệu trưởng Nguyễn Đức Vinh.

Khi chúng tôi phản ánh hồi âm này, nhiều giáo viên ở Trường THPT Lương Định Của cho biết, Phó hiệu trưởng chưa bị kiểm điểm, nhưng lãnh đạo nhà trường lại yêu cầu cô Nương phải kiểm điểm vì "tự ý bỏ chấm thi". Rõ đây là cách hành xử hết sức khó hiểu khi người vi phạm thì không bị xử lý, còn người bị xúc phạm thì bị kiểm điểm(!?)

Đức Văn - C.L.
.
.
.