Xử lý nghiêm những lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy

Thứ Bảy, 28/09/2013, 16:40
Dù hành vi gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn đã được quy định là tình tiết tăng nặng, phạt tiền, nhưng trong Luật Giao thông đường bộ lại có quy định, cho người gây tai nạn được rời bỏ hiện trường trong trường hợp bị đe dọa đến tính mạng, rồi sau đó mới đến cơ quan Công an gần nhất trình báo. Vin vào quy định này mà thời gian gần đây, có không ít lái xe sau khi gây tai nạn, đã coi việc rời hiện trường là việc cần trước tiên, thay vì hành động xem người bị nạn có nghiêm trọng hay không, có cần giúp đỡ trong việc đưa đi cấp cứu hay không.

Trước vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Bộ Công an.

PV: Thời gian gần đây có không ít vụ người điều khiển giao thông gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn. Theo ông, vì sao hiện tượng này đang ngày càng phổ biến hơn?

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong thực tế đã xảy ra tình trạng một số người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn làm thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác đã bỏ mặc nạn nhân chạy khỏi hiện trường.

Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến hơn, thể hiện sự xuống cấp về lương tâm đạo đức của một số người điều khiển phương tiện cơ giới. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ cần phải điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý nghiêm. Tại điểm 1, Điều 38 của Luật Giao thông đường bộ đã quy định trách nhiệm của người điều khiển phương tiện liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu, hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất. Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

PV: Vậy theo quy định của pháp luật, trong tình huống người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn và cố tình bỏ trốn sẽ bị xử lý như thế nào?

Tình trạng lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn đang có chiều hướng tăng. (Ảnh minh họa).

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn:  Khi có vụ tai nạn giao thông xảy ra, bất luận trong tình huống nào, các bên liên quan đến tai nạn giao thông có vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật: Theo Bộ luật Hình sự, tại Điều 202 quy định: …Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông…

Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Xử phạt người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô có hành vi gây tai nạn giao thông với hậu quả thiệt hại về người và tài sản từ ít nghiêm trọng trở xuống rồi không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, ngoài ra còn áp dụng biện pháp phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày và người vi phạm phải học lại và thi lại Luật Giao thông đường bộ theo quy định.

Xử phạt người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi gây tai nạn giao thông với hậu quả thiệt hại về người và tài sản từ ít nghiêm trọng trở xuống rồi không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, ngoài ra còn áp dụng biện pháp phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày và người vi phạm phải học lại và thi lại Luật Giao thông đường bộ theo quy định.

Những trường hợp không đến trình báo là những trường hợp gây tai nạn lái xe bỏ trốn nhằm che giấu hành vi phạm tội. Những trường hợp này trong luật quy định là hành vi vi phạm nghiêm trọng “gây tai nạn bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

PV: Để có thể “siết” lại trách nhiệm của người gây tai nạn, theo ông, cơ quan chức năng và các văn bản Luật phải có biện pháp như thế nào?

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn: Điều 38 Luật Giao thông đường bộ quy định rất đầy đủ, rõ ràng, có lý, có tình nên mọi công dân phải chấp hành. Các trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Không phải sửa luật. Theo tôi, trước tiên các Bộ, ngành, các cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương phải tăng cường giáo dục pháp luật về TTATGT để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, nhận thức rõ hiểm họa về TNGT, mỗi người tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”.

Biểu dương gương người tốt, việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án các hành vi vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật về TTATGT. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT cần tổ chức thực hiện tăng cường quản lý hoạt động vận tải; đổi mới nội dung, hình thức, chương trình học, thi đổi cấp giấy phép lái xe; quản lý lái xe sau đào tạo; quản lý số giờ lái xe trên đường; chấp hành nghiêm chỉnh việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT nhất là các hành vi lái xe gây TNGT bỏ chạy. Đối với số lái xe gây ra các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phải tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.

Liên quan đến vấn đề lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng chia sẻ: mặc dù Luật GTĐB quy định cho phép lái xe được tạm lánh khỏi hiện trường nhằm bảo vệ tính mạng, nhưng bấy lâu nay, chưa ghi nhận vụ việc nào liên quan đến việc người dân đánh lái xe, song lại gia tăng tình trạng lái xe bỏ trốn. “Chúng ta đã có luật quy định, nhưng trong các văn bản luật còn “đá” nhau mới dẫn đến tình trạng này. Hơn nữa, việc thực hiện đo nồng độ cồn nếu để sau 8 giờ đồng hồ thì kết quả không chính xác”, vị Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia nhấn mạnh.

PV
.
.
.