Ngăn chặn nạn rao bán, sử dụng giấy phép lái xe giả:

Xử lý nghiêm cả người bán lẫn người sử dụng

Thứ Sáu, 18/10/2013, 11:30
Các cơ quan chức năng thời gian qua đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp rao bán, sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) không do cơ quan có thẩm quyền cấp, thế nhưng, vì tư lợi, nhiều “đầu nậu” rao bán GPLX giả trên mạng internet, gây bức xúc dư luận. Thực tế này rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng trong việc nâng cao sự nhận thức cho người dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Điều 267 – Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã quy định rõ, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; nếu phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng còn bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm… Tuy nhiên dường như phớt lờ các quy định, vì tư lợi một số “đầu nậu” không ngần ngại lên mạng, thiết lập các đường dây cung cấp GPLX giả cho người có nhu cầu mua, sử dụng. Số trang web, diễn đàn “chào mời” các loại giấy tờ này theo đó cũng xuất hiện bát nháo.

Chỉ cần vào trang công cụ tìm kiếm: “Google.com”, tra từ khóa “nhận làm bằng lái xe”, ngay lập tức trên giao diện màn hình máy vi tính hiện lên không ít địa chỉ trang web, đường link “chào mời” dịch vụ làm bằng lái xe. Ghé vào trang web có tên miền: www.sanba...., chúng tôi chứng kiến chủ nhân diễn đàn này không ngần ngại đưa ra thông tin mà nghe qua đã thấy giật mình: “Nhận làm bằng lái xe các loại”.

Chủ nhân cung cấp dịch vụ trên có số điện thoại 0976972xxx không ngần ngại ra giá dịch vụ “làm bằng lái xe” loại A1 là 500 ngàn đồng/chiếc; loại B2 là 3 triệu đồng/chiếc. Đáng chú ý, đi kèm với việc rao giá này còn là lời “bảo hành” như đúng rồi”: “Chúng tôi sẽ làm cho bạn 1 tấm bằng như ý, chất lượng, chính xác 100%. Tất cả là bằng giả 100% nhưng chất liệu phôi, dấu mộc, mộc nổi giống y như bằng thật, tuyệt đẹp, tuyệt đối bảo mật cho khách hàng…”.

Tăng cường TTKS, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, ngăn chặn hệ lụy khôn lường xảy ra.

Chứng kiến việc công khai quảng cáo, rao bán các loại GPLX trên trang web này và một số diễn đàn khác như: www.raov...., www.vatg....v.v.., chúng tôi lo ngại trước những hệ lụy do tình trạng bát nháo giao dịch GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp trên mạng internet hiện nay tiềm ẩn gây ra. Trên thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm có liên quan.

Điển hình, mới đây, Công an TP Thanh Hóa đã bắt giữ 2 đối tượng là Lê Sỹ Sơn, 32 tuổi ở TP Thanh Hóa, Phạm Ngọc Lim, 46 tuổi, ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong đường dây chuyên làm GPLX giả với số lượng lớn. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của 2 đối tượng, Công an TP Thanh Hóa đã thu giữ một lượng lớn GPLX môtô và ôtô giả. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng bước đầu khai nhận, nắm tâm lý một số người có nhu cầu “sắm” GPLX nhưng lười đi học, nên đã làm giả hồ sơ, chữ ký, con dấu và các GPLX bằng công nghệ. Mỗi loại GPLX dạng này có giá từ 700 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/chiếc.

Rõ ràng việc rao bán, cung cấp GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp là hành vi vi phạm và nguy hiểm hơn khi số GPLX này lại rơi vào những trường hợp “lười” đến các trung tâm sát hạch GPLX để đào tạo các bài học cơ bản, thao tác vận hành, điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Lẽ vì, khi đề cập đến vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) cũng tỏ ra lo ngại trước những nguy cơ tiềm ẩn đi kèm.

Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, đối với những trường hợp – người điều khiển phương tiện nếu không được đào tạo theo các quy trình, đào tạo, sát hạch lái xe theo đúng quy định, thay vào đó là việc “sở hữu” những tấm bằng, GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Lý do cũng bởi, khi những trường hợp này điều khiển phương tiện tham gia giao thông lúc gặp tình huống bất ngờ, sự cố trên đường, vì không được trang bị kiến thức pháp luật TTATGT, kỹ năng xử lý tình huồng, va chạm - tai nạn giao thông xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Thực tế đã chứng minh bởi không ít vụ TNGT xảy ra có liên quan, mà nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe, người điều khiển phương tiện chưa được đào tạo, sát hạch lái xe một cách cơ bản. Nhất là khi mới đây, theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), chỉ trong vòng một tuần từ ngày 10/10 đến 16/10, cả nước đã xảy ra 331 vụ TNGT, làm chết 160 người và bị thương 215 người.

Đại diện Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cũng nêu ý kiến, để ngăn chặn triệt để vấn nạn GPLX giả, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kể cả người rao bán lẫn người sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp

Nhóm PV
.
.
.