Số phận hàng nghìn con gấu nuôi nhốt trong dân cư

Xử lý chưa nghiêm, lúng túng bảo tồn

Thứ Bảy, 08/06/2013, 22:53
Hà Nội, Nghệ An, Bình Dương, Quảng Ninh… là những địa bàn có nhiều gấu nuôi nhốt nhất trên cả nước. Những cá thể gấu nuôi trong các trang trại này không có giá trị bảo tồn. Thế nhưng, quá trình tìm hiểu tình trạng này, chúng tôi nhận thấy, các cơ quan chức năng đang lúng túng trong giải quyết số gấu nuôi nhốt đang tồn tại hiện nay. Cần có hướng giải quyết cụ thể đối với số phận những con gấu sống lẫn trong khu dân cư hiện nay.
>>Vì sao người dân muốn bán gấu cho nhà nước?

Xử lý nghiêm công nghệ du lịch trại gấu trá hình

Cũng giống như mục đích nuôi gấu lấy mật bán ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ Hà Nội, nhưng tại Quảng Ninh, một số chủ trại gấu chọn cách bán mật bằng công nghệ du lịch. Họ kết hợp với hướng dẫn viên du lịch đưa khách nước ngoài vào trại gấu, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm từ gấu. Từ khoảng năm 2000, “du lịch trại gấu” đã là cụm từ hấp dẫn khách du lịch Hàn Quốc khi tới tham quan di tích Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Trong những chuyến du lịch tới Hạ Long, khách được đến thăm trại gấu, chứng kiến cảnh chích hút mật gấu, nếm rượu mật gấu và được mời mua các sản phẩm trái phép từ gấu.

Chứng kiến cảnh các cá thể gấu bị hành hạ, nhiều người không khỏi ái ngại, thậm chí là phẫn nộ trước hành vi của những người khai thác dịch vụ từ loài động vật hoang dã này. Dù các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế đều nỗ lực tuyên truyền, xử lý, thế nhưng, đầu năm 2013, Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn phát hiện tuor du lịch trại gấu ở Hạ Long.

Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm Môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Thanh tra Sở VH-TT&DL, Công an phường Đại Yên kiểm tra điểm nuôi nhốt gấu tại khu Minh Khai, phường Đại Yên, do ông Nguyễn Thanh Nhượng làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện anh Vũ Công Hiển, hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Âu Lạc, có trụ sở tại Nhân Chính, TP Hà Nội đang dẫn một đoàn khách Hàn Quốc gồm 15 người đi xe ôtô khách 45 chỗ đến tham quan trái phép tại trại nuôi gấu trên. Công an tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao cho Thanh tra Sở VH-TT&DL xử lý và tới đây sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, các tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực tuyên truyền dưới nhiều hình thức để làm thay đổi nhận thức của từng người dân, đặc biệt là người nuôi động vật hoang dã với mục đích kinh doanh. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các sản phẩm từ gấu nói riêng và động vật hoang dã nói chung có thể gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người chứ không phải là “thần dược” như nhiều người đã lầm tưởng.

Các hoạt động tuyên truyền được đưa đến nhiều địa phương, đặc biệt là những điểm nóng về nuôi nhốt động vật hoang dã. Gần đây nhất, từ ngày 13 đến 19/5, ENV đã triển khai các hoạt động kêu gọi bảo vệ loài gấu tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hơn 200 em học sinh đã ký cam kết nói không với mật gấu và các sản phẩm làm từ gấu. Gần 100 em đã chia sẻ ý kiến của mình phản đối ngành công nghiệp mật gấu, trong đó 21 em cho biết đã tận mắt nhìn thấy cảnh chích hút mật gấu.

Tiếp theo, một triển lãm về bảo vệ gấu được tổ chức tại chợ Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu đã thu hút người dân tham gia tìm hiểu, ký cam kết không sử dụng mật gấu và đọc các tài liệu giáo dục. Bên cạnh đó, các cán bộ ENV cũng gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo của huyện Quỳnh Lưu và 7 xã trong huyện để thảo luận về các biện pháp tăng cường quản lý gấu nuôi nhốt, tiến tới xóa bỏ nạn gấu nuôi nhốt trong địa bàn huyện.

Hoạt động tuyên truyền, ký cam kết không sử dụng mật gấu như tại Quỳnh Lưu, Nghệ An cần được tăng cường.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo tồn và xử lý vi phạm

Hiện nay trên cả nước có gần 3.000 cá thể gấu nuôi nhốt trong các trại gấu. Địa phương có số gấu nhiều nhất là ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; huyện Phúc Thọ, Hà Nội; TP Hồ Chí Minh, Bình Dương; Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… Phần lớn các cá thể gấu nuôi lẫn trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh chuồng trại, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sự an toàn cho cư dân địa phương. Đã từng xảy ra rất nhiều vụ việc đáng tiếc khi người nuôi không đảm bảo không gian an toàn khiến gấu gây sát thương cho người.

Theo Quy chế quản lý gấu nuôi (Ban hành kèm theo Quyết định số 95/2008QĐ-BNN), trại nuôi gấu theo phương thức nuôi nhốt phải có nhà đặt chuồng cũi, xung quanh trại có tường xây dày tối thiểu 20cm, cao 1,8m; đảm bảo vững chắc, an toàn, gấu không thể thoát ra ngoài. Thế nhưng, quá trình thâm nhập thực tế tại một số cơ sở nuôi nhốt gấu, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân chỉ đóng cũi sắt đặt trong không gian nhà mình như sân, vườn, thậm chí là ngay mặt quốc lộ. Với những chiếc khóa mỏng manh, lại không có bức tường nào được xây để ngăn gấu thoát ra ngoài, nếu như con gấu hung hăng phá phách, không ai dám khẳng định điều gì sẽ xảy ra. Ngoài ra, còn có quy định khá ngặt nghèo về hệ thống xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại đối với các trại nuôi gấu. Nhưng qua thực tế, chúng tôi thấy môi trường tại khu vực nuôi gấu đều bị ô nhiễm nghiêm trọng dù các chủ trại nuôi nói rằng họ làm vệ sinh cho gấu và chuồng trại hàng ngày.

Gấu nuôi trong chuồng trại chật chội, không đảm bảo điều kiện an toàn.

Trước thực trạng nuôi nhốt và sử dụng sản phẩm của nhiều loại động vật hoang dã, đã có ý kiến cho rằng, việc gây nuôi động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng là tốt và nên làm. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn lại cho rằng, đối với loài động vật hoang dã thuộc nhóm IB, cần phải tịch thu các cá thể nuôi nhốt trái phép và xử phạt nghiêm khắc để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Hiện nay, lực lượng kiểm lâm là cơ quan quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã. Đối với các cá thể gấu, việc quản lý dựa trên chíp điện tử gắn trên gấu và quản lý bằng hồ sơ. Quy trình xử lý gấu chết, gấu nhiễm bệnh đã được quy định chặt chẽ từ việc chủ nuôi báo cáo đến Hạt Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm, lập biên bản, tổ chức tiêu hủy, quá trình tiêu hủy phải đảm bảo các yêu cầu về khử trùng, vệ sinh môi trường và không để lây lan dịch bệnh… Dù vậy, tình trạng lén lút chích hút mật gấu vẫn diễn ra, thậm chí người dân vẫn truyền miệng về giá bán thịt gấu, chân, tay gấu.

Công tác truyền thông vận động người dân không sử dụng mật gấu đã thu được kết quả khá tốt, nên phong trào sử dụng mật gấu làm thuốc chữa bệnh đã giảm đáng kể. Người nuôi gấu lao đao khi đầu tư quá nhiều kinh phí để nuôi và duy trì sự sống cho gấu. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện quy chế xử lý số gấu nuôi đang tồn tại thực tế này. Nếu thả ra môi trường tự nhiên, số gấu này sẽ chết. Còn để trong dân cư, nó gây nhiều nguy cơ về sự an toàn, môi trường, bệnh tật và không có giá trị bảo tồn. Vậy nên chăng, chúng ta hãy xem xét đề nghị hỗ trợ phần nào kinh phí để các hộ nuôi gấu giao nộp lại cho Nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang soạn thảo một Thông tư mới thay thế Quyết định số 95/2008QĐ-BNN quản lý gấu nuôi. Hy vọng các chuyên gia sẽ đưa ra những quy định hợp lý để vừa đảm bảo công tác bảo tồn, vừa thực hiện cam kết xóa sổ tình trạng nuôi nhốt gấu. Ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội nói: “Những hộ không có đủ điều kiện nuôi gấu thì giao nộp lại cho Nhà nước, chúng tôi sẽ tiếp nhận”. Đó là cách làm trước mắt để giải quyết tình trạng gấu nuôi nhốt đang bức xúc hiện nay.

Ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội:

Hà Nội hiện có hơn 80 hộ nuôi gấu với khoảng 400 cá thể ở nhiều địa bàn, nhưng tập trung chủ yếu tại huyện Phúc Thọ. Nhà nước không công nhận tính hợp pháp của các chủ nuôi. Bởi vậy, dù đang nuôi gấu nhưng các cá thể này không thuộc quyền sở hữu của người dân nên họ không có quyền định đoạt gấu. Các hộ nuôi gấu không được chích hút lấy mật, không được giết thịt, bán. Nếu người dân giao nộp gấu thì Nhà nước sẽ tiếp nhận và đưa gấu đến Trung tâm Cứu hộ gấu tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Việt Hà – Trần Hằng
.
.
.