Xông đất đồng bào Rục

Thứ Tư, 06/02/2008, 14:00
Trong men say ngất ngây của rượu đoác, thứ rượu chỉ có trên dãy Trường Sơn và chỉ có đồng bào dân tộc ít người mới làm ra được, già làng Cao Xàng ở bản Ón, xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) dẫn chúng tôi đến chúc Tết từng nhà. Tết của người Rục thật lạ và thật vui. Già làng Cao Xàng nói: "Lần đầu tiên người Rục đón một cái tết to như vậy!"

Như đã hẹn với già làng Cao Xàng và đồng bào Rục ở các bản Mò O Ồ Ồ, Ón và Yên Hợp trong chuyến cứu trợ đồng bào sau cơn bão số 5 xảy ra vào tháng 8 dương lịch, chúng tôi phóng xe một mạch từ TP. Đồng Hới (Quảng Bình) lên Thượng Hoá.

Còn nhớ, cũng trên con đường nhựa này cách nay chưa đầy 5 tháng, chú tài xế chở đoàn cứu trợ của Báo CAND - Chuyên đề An ninh thế giới đã phải ghì chặt vô lăng khi qua những ngọn núi cao hay đập tràn chỗ con suối lớn ngổn ngang đất, đá sạt lở mới đến được các bản Mò O Ồ Ồ, Ón và Yên Hợp. Nhưng nay các bản làng này hiện ra trước mắt dọc hai bên con đường trải nhựa phẳng phiu trông đẹp như một bức tranh, khiến chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ, cứ tưởng đã lạc đường!

Trong bão số 5, cả xã Thượng Hoá chỉ ngập lũ vài điểm, nhưng thiệt hại khá lớn. Đây là điểm cứu trợ thứ 2 trong chuyến hành trình đến với đồng bào Rục của đoàn xã hội từ thiện Báo CAND - Chuyên đề An ninh thế giới. Đoàn đã tổ chức cấp phát trực tiếp 55 suất lương thực cho bà con; đồng thời cùng với Bộ đội Biên phòng Đồn 585, lực lượng chức năng địa phương giúp đỡ đồng bào sửa sang lại nhà cửa...

"Bão lũ, bà con thiếu gạo, cán bộ cho gạo, nhờ gạo đó mà có lúa mới này", già làng Cao Xàng chỉ vào chiếc chum sành đầy ắp lúa nói với chúng tôi. Bên ly rượu đoác ngất ngây hương rừng, già làng Cao Xàng chậm rãi kể: "Đoàn từ thiện xã hội của Báo CAND cứu trợ gạo rồi tỉnh hỗ trợ nguồn giống sản xuất nên bà con có điều kiện xuống vụ kịp thời, nay nhà nào cũng đầy ắp lúa, ăn tết rất to".

Người Rục quan niệm rằng Tết đến có thịt bao nhiêu con heo, gà; gói bao nhiêu bánh chưng, bánh ít nhưng không có rượu đoác thì Tết đó không to. Có rượu rồi cũng phải uống cho thật say, sống với nhau cho thật cái bụng bằng không coi như chưa có Tết!

Cứu trợ gạo cho đồng bào Rục sau bão số 5.

Rượu đoác là thứ rượu được làm từ cây đoác thuộc thân đốt, lá tàu xẻ, thường mọc ở thung lũng rừng già. Hằng năm đoác đơm bông, kết trái vào tháng mười một đến hết tháng ba âm lịch. Để làm rượu đoác, đồng bào chặt bớt lá cây, dùng thân gỗ rừng đập dập quanh cổ buồng vài lần, mỗi lần cách nhau 3-4 ngày, sau đó cắt bỏ phần hoa, còn cổ buồng thân đoác giữ nguyên.

Tiếp theo là dùng cây dọc môn có tố chất ngứa đập vào vết nứt ra ở cổ buồng thân đoác, nước đoác tiết ra từ đó. Đồng bào thường hứng nước này vào một cái hũ, trong hũ bỏ sẵn vỏ cây chuồn có tác dụng gây men làm cho đoác chuyển hóa thành rượu. Rượu đoác có hương thơm, vị the như nước ga, uống lâu say, nhưng khi đã say thì ngất ngây suốt cả mấy ngày...

Phó Công an xã Thượng Hoá Trương Đình Hồng, cho biết cả xã có 150 hộ dân, trong đó đồng bào Rục chiếm hơn 80%. Năm 1959, bộ đội biên phòng phát hiện người Rục trong các hang đá. Họ sống bằng săn bắt và hái lượm, cách biệt với thế giới bên ngoài. Sau nhiều lần vận động, người Rục mới chịu rời hang, từ chỗ chỉ có 34 người đến nay có trên 700 người.

Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh và Trung ương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đồng bào ít người ở Thượng Hoá. Riêng đường vào bản Ón và hệ thống cấp điện cho các bản Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ lên tới 16 tỷ đồng... Bên cạnh đó là các chính sách, chủ trương ưu đãi khác nằm trong Dự án Bảo tồn và Phát triển bền vững tộc người Rục xã Thượng Hoá. Nhờ đó cuộc sống của đồng bào đã có tiến bộ rõ rệt, bà con đã biết trồng cây lúa nước, chăn nuôi lợn, gà, dê, bò; đặc biệt là biết nghĩ đến chuyện học hành của con em mình. Năm học 2006-2007 có gần 200 em theo học ở bậc tiểu học.

Có một điều rất đáng mừng, trong ba năm trở lại đây, không ít hộ gia đình ở Thượng Hoá làm ăn khá giả như hộ ông Cao Tiến Thuỳnh, Cao Thị Hồng, Cao Tiết ở bản Ón và Mò O Ồ Ồ. Trong ba năm liền, ông Cao Tiết được dân bản bầu làm người sản xuất giỏi của vùng.

Năm nào gia đình ông cũng thu hoạch trên 8 tạ lúa, 7 tạ ngô và đậu phụng. Ông còn làm chủ một trang trại vừa, gồm một ao cá hơn 3 nghìn con, 25 con bò và 1.200 cây trầm gió... Ông Tiết tiếp đãi chúng tôi và dân làng một con heo to và rượu đoác mang từ rừng về...

Vào sáng sớm, hay chiều tối của ngày mồng một, người Rục làm lễ cúng tổ tiên ông bà với đủ đầy thịt heo, thịt gà, bánh chưng, bánh ít, rượu và hoa quả. Sau lễ cúng diễn ra trạng trọng, người Rục đến thăm tết nhau. Ở đó, khách phải uống cho thật say để thể hiện tình cảm chân thật của mình và cầu cho chủ nhà sức khỏe, trồng cây lúa, cây ngô được tốt tươi.

Tầm năm giờ chiều, nhà ông Cao Tiết đông người, mỗi người mang đến một hũ rượu đoác. Ông Tiết giải thích, tết không phải mang rượu đến nhà nhưng đây vừa tết vừa đón khách từ xa, đó là tập tục của đồng bào.

Quây quần bên mâm cỗ với đủ đầy món ăn như thịt lợn, gà, dê, bánh chưng, bánh ít và... rượu đoác, già làng Cao Xàng trịnh trọng nói: "Kính thưa bà con, hôm nay bản làng mình đón khách, những người khách nghĩa tình từ miền đồng bằng đã giúp đỡ chúng ta vượt qua khó khăn sau thiên tai bão lũ và hơn nữa họ biết giữ lời hứa nên bữa tiệc này là đãi khách và cũng là mừng một cái tết mới khang trang, đủ đầy hơn". Tiếp đó, chủ nhà tưới rượu lên một góc bàn thờ, nói tiếng Rục một hồi liền, rồi vái một vái. Già làng Cao Xàng cho biết đó là tập tục của đồng bào khi khách đến nhà phải báo với tổ tiên ông bà và cầu chúc cho khách mọi điều được an lành, sức khỏe... 

Theo yêu cầu, già làng Cao Xàng dẫn chúng tôi một vòng quanh các bản. Tết năm nay, nhà nào cũng có bánh chưng gói bằng lá dong, bánh ít gói bằng lá chuối, thịt, cá và trái cây. Bà con thăm hỏi nhau từ sáng sớm, lời mở đầu của khách là cầu chúc cho chủ nhà sức khỏe, cái bụng được sáng để học nhiều điều hay của người Kinh để biết trồng cây lúa nước, nuôi con trâu, con dê trên núi.

"Năm nay, nghe nói cả xã Thượng Hoá chỉ còn 50% hộ nghèo, trong đó bản của bọ (bản Ón-PV) chỉ còn 25/55 hộ nghèo. Năm mô cũng được mùa thì tết to là phải. Bọ chưa một lần đón tết vui như ri, sau này ta cũng nên bắt chước người miền xuôi, ăn tết phải từ 7 đến 10 ngày!", ông Cao Xuân Tình, trưởng bản Ón tâm sự.

Chúng tôi bỗng nhớ lúc lên cứu trợ cho đồng bào, ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá có nói, năm 2004 là năm đầu tiên xã Thượng Hoá có một số liệu so sánh về giàu nghèo cho đồng bào Rục. Lúc đó có gần 80% hộ nghèo nhưng chỉ sau 3 năm số hộ nghèo đã giảm gần một nửa.

Trong men say chuếnh choáng, già làng Cao Xàng nắm chặt lấy tay chúng tôi nói: "Năm sau các con nhớ lên đây uống rượu đoác với bọ và đồng bào". Cô gái Rục nhìn khách chúm chím cười, gửi chúng tôi nắm hoa rừng về xuôi, bảo rằng Tết sang năm các anh nhớ lên nhé...

H.Cương – Th.Bình
.
.
.