Xóm nghèo quặn nỗi đau thương

Thứ Bảy, 28/03/2015, 10:44
Trong số 13 nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập giàn giáo ở Dự án Formosa Hà Tĩnh thì mảnh đất nghèo Quảng Bình có đến 7 người. Những nạn nhân xấu số đều là trụ cột của gia đình, vì vậy khi họ mất đi đã để lại nỗi đau tột cùng cho những người mẹ, người vợ và những đứa con thơ.

Cuộc điện thoại giữa chừng và lời hứa không thể thực hiện

Thắp một nén nhang cho anh Trương Đình Tuấn (39 tuổi), ở xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, mà lòng chúng tôi quặn thắt khi thấy đứa con út của anh mới hơn 3 tuổi ngỡ ngàng nhìn bàn thờ ba. Cưới vợ rồi sinh con, Tuấn chí thú làm ăn ở mảnh đất nghèo khó. Từ ngày theo bạn ra Khu Kinh tế Vũng Áng làm việc, đồng lương công nhân tuy ít nhưng cũng giúp vợ chồng Tuấn đỡ cơ cực phần nào. Vài tuần, Tuấn lại vượt hơn 100km về nhà thăm vợ con.

Khối sắt thép khổng lồ đổ sập gây nhiều khó khăn cho các lực lượng cứu nạn.

Mỗi lần anh về, những đứa con thơ, đứa bá cổ, đứa bá vai làm căn nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Giờ, nhìn cảnh vợ anh cùng mấy đứa con ôm riết lấy góc quan tài thật não nề, thương cảm. Chị Trương Thị Mận (vợ anh Tuấn) nấc lên ngẹn ngào: “Chiều qua anh mới điện về hứa với mẹ con em là tối làm ca đêm xong sáng mai anh vô, đưa thằng út đi khám bệnh, vậy mà làm chưa hết ca anh lại ra đi. Trong cuộc điện thoại, các con tranh nhau để nói chuyện với ba, nhưng vì đến giờ làm nên anh phải tắt máy, vậy mà…”.

Rời nhà chị Mận, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hữu ở xã Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Từ khi nghe tin con là anh Nguyễn Văn Chiến chết trong vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh, ông Hữu khóc ngất trước hiên nhà. “Chiến ơi, hôm qua con mới ăn cơm với ba, vậy mà giờ con trở về trong câm lặng”, ông Hữu nấc lên bên thi thể con trai.

Được biết, trưa 25/3, sau bữa cơm với gia đình, anh Chiến ra công trường Formosa làm việc, đến tối thì gặp nạn. Buổi trưa, trước khi đi, Chiến còn đun nước ấm để tắm cho mẹ. Mẹ nạn nhân, bà Trần Thị Hiểu từ khi nghe hung tin con chết trong vụ sập giàn giáo đã khóc cạn nước mắt vì con.

Theo người làng cho biết, Chiến là thanh niên rất hiền lành, chịu thương chịu khó, trong ngày gặp nạn, trước khi chạy xe ra khỏi cổng Chiến còn nói vọng với mẹ: “Vài bữa nữa nhận lương, con cầm vô cho mẹ, mẹ nhé”. Lời hứa của đứa con trai hiền lành, chất phác sẽ không bao giờ thực hiện được nữa.

“Con cất trữ lương rồi về mua ván làm trần nhà cho mẹ”!

Cả xóm nghèo ở xã Lâm Hóa, huyện Bố Trạch quặn lòng khi nhận hung tin 3 người làng chết trong vụ sập giàn giáo ở Formosa. Hai nhà đối diện nhau, bên này là nhà bà Hoàng Thị Hiều, bên kia là nhà chị Đinh Thị Phương, cả hai nhà đang quặn thắt chung một nỗi đau.

Nỗi đau tận cùng của những người phụ nữ khi bỗng dưng mất chồng, mất con.

Từ hôm qua đến nay, bà Hiều luôn có mấy người làng dìu bên cạnh, bởi mỗi lần nhìn thấy quan tài con trai là anh Nguyễn Văn Bảo (32 tuổi) là bà lại ngất xỉu. Các anh chị đã yên bề gia thất, là con út lại chưa lập gia đình nên hằng ngày Bảo ráng sức chăm lo cho mẹ. Chưa một lần Bảo rời cái làng ven núi heo hút của mình, bởi vậy khi ra Tết Ất Mùi, nhiều thanh niên làng rủ ra Formosa làm công nhân, Bảo rất ái ngại. Lần lữa lần này rồi lần khác, cuối cùng Bảo cũng đi làm.

Ba ngày trước khi gặp nạn, Bảo còn điện về khoe với mẹ là gần được nhận lương, rồi Bảo hồ hởi nói những dự định của mình với mẹ “Con cất trữ lương rồi về mua ván làm trần nhà để mưa bão khỏi lo ngói rớt xuống nữa mạ hè, sau đó nữa làm có tiền rồi con cưới vợ…”.

Trong khi đó, chị Đinh Thị Phương (34 tuổi), vợ nạn nhân Nguyễn Văn Dũng quặn lòng trước nỗi đau mất chồng. Anh Dũng mất đi để lại vợ và 3 đứa con nhỏ, đứa lớn mới biết đọc chữ, đứa út mới chập chững tập đi. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, vất vả, giờ mẹ con chị Phương càng rơi vào túng quẫn. Cách đám tang của anh Dũng, anh Bảo độ mươi nhà thì chị Nguyễn Thị Thương cũng lịm đi khi anh Nguyễn Văn Lịch tử nạn. Người làng đến nhà chị động viên, thường ngày chị đã ốm yếu, giờ lại càng cam go. Hai đứa con vợ chồng anh Lịch, đứa lớn mới lên ba, đứa nhỏ còn phải ẵm…

Có những nỗi đau không thể nói bằng lời. Ông Nguyễn Ngọc Khai, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch cho biết: “Gia đình anh Bảo, Dũng và anh Lịch đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi chưa xảy ra sự việc, các nạn nhân thường đi rừng kiếm củi bán để nuôi sống gia đình. Vừa rồi dự án Formasa vào tuyển lao động, các anh đã nộp hồ sơ và đi làm chỉ cách đây 3 ngày, hôm qua mới bắt đầu đi làm thì xảy ra sự việc đau lòng trên”.

Dương Sông Lam
.
.
.