Xóm chài sông Hồng mong nhiều tình thương

Thứ Bảy, 06/02/2010, 18:19
Đã lâu lắm rồi, sông Hồng mới khô cạn như năm nay. Sống phụ thuộc vào con nước, xóm thuyền chài (phường Phúc Xá) bị đẩy tận sang gần bờ bên kia. Những mái nhà lụp xụp như cá mắc cạn trên lạch nước còn sót lại giữa đáy sông Hồng. Chưa thấy nhiều bóng dáng Tết ở cái xóm tận cùng của sự nghèo khó này…

Những phận nghèo

12h trưa, một vài cư dân ở xóm thuyền chài lục tục về nhà. Sống chủ yếu bằng nghề nhặt rác, cửu vạn bám vào các chợ Long Biên, Đồng Xuân, dịp Tết cũng là cơ hội kiếm tiền của họ. Vượt qua bãi cát đáy sông lổn nhổn rác, tôi xắn quần, lội xuống sông Hồng nước xâm xấp ống chân.

Những ngôi nhà được ghép lại bằng đủ thứ vật liệu rẻ tiền như những chiếc áo vá chằng vá đụp bồng bềnh, đu đưa trên mặt nước. Vợ chồng ông Nguyễn Đình Minh, xóm trưởng vừa đi làm về. Trong nhà, chẳng có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc đài con con đã cũ rích.

Pha trà mời khách, ông Minh kể, chưa năm nào sông Hồng lại cạn như năm nay. Sông cạn khiến cuộc sống của xóm thuyền chài thêm chật vật bởi phần lớn nước sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của nhiều gia đình đều dựa vào sông. Cả xóm chài sống trong ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng chút nước còn đọng lại bởi không mấy nhà có đủ tiền để mua nước sạch của những gia đình trên bờ.

Xóm thuyền chài phường Phúc Xá dường như chưa có Tết.

Mà có mua được cũng oằn lưng để xách từng xô xuống thuyền. May mắn những ngày cuối đông, trời cho mấy trận mưa, nước dâng lên, nhiều nhà mới có nước tắm giặt.

Ông Minh bảo, trong 17 hộ dân ở xóm thuyền chài này, chỉ vài hộ có tivi. Đơn giản vì không phải ai cũng có tiền mua điện sử dụng. Chỉ cho tôi xem đường dây điện loằng ngoằng trên những con sào nối từ thuyền và bờ, ông Minh chép miệng: "Chỉ xem tivi và thắp cái bóng điện thôi, cũng mất 10.000 đồng/ngày, tiền ăn còn chật vật, lấy đâu ra mà trả. Sống trong bóng tối cũng quen rồi cô ạ".

Ông Minh kể, quê ông ở Đan Phượng, Hà Nội. Phận con vợ lẽ, bị các con của bà cả lấn át, trong nhà bất hòa khiến ông buồn chán, cùng vợ lang thang ra Hà Nội rồi dạt đến xóm thuyền chài này được 5 năm nay. Ban ngày, ông Minh đi lang thang các chợ nhặt rác. Đầy túi, ông chuyển về nhà cho bà vợ phân loại, bán đồng nát. Chịu khó nhặt nhạnh, ngày cũng được dăm ba chục, đủ cho hai vợ chồng sống qua ngày.

Một trong những cư dân sống có thâm niên ở xóm thuyền chài này là 5 mẹ con chị Phạm Thị Lĩnh, 46 tuổi, quê Bắc Giang. Cuộc đời vất vả, lận đận hiện rõ trên khuôn mặt lam lũ của người đàn bà này. Chị Lĩnh chua xót, phận đàn bà như hạt mưa sa, rơi đâu thì chịu đấy.

Cuộc đời làm thuê nay đây mai đó đưa đẩy vợ chồng chị từ quê lên  Hà Nội. Ban đầu, hai vợ chồng thuê nhà ở phường Phúc Tân. Đùng một cái, chồng chị bị tai biến mạch máu não, đâm ra thành ngẩn ngơ, bỏ nhà biệt tích dắt theo đứa con trai 7 tuổi.

Một mình nuôi 4 con gái, không kham nổi tiền thuê nhà, chị Lĩnh dạt về xóm thuyền chài Phúc Xá, khi đó mới lơ thơ vài cái thuyền. Ai thuê việc gì chị cũng làm, miễn là kiếm được đồng rau, đồng cháo nuôi các con. Giờ, các con đã khôn lớn nhưng số phận hẩm hiu chưa buông tha người đàn bà này.

Cô con gái đầu lỡ dại. Ngày đưa con đi đẻ, biết đứa bé là con trai, có người trực sẵn, giúi vào tay chị một sấp tiền để đổi lấy đứa nhỏ. Hoàn cảnh đã khó khăn, nay gánh thêm một miệng ăn thì sức đâu chịu nổi. Nhìn cháu mà rớt nước mắt, nhưng tình thương trỗi dậy, chị cương quyết trả lại tiền người ta, bồng cháu về thuyền, dù biết rằng mình sẽ thêm phần vất vả. 

Tết, mong nhiều tình thương của mọi người

Cũng như nhiều người lao động sống bám vào chợ Long Biên, Tết với những cư dân xóm thuyền chài là cơ hội để họ kiếm thêm tiền so với ngày thường. Hàng hóa cần đến cửu vạn cũng nhiều, mà rác thải từ chợ, từ các khu dân cư cũng lắm. Những ngày giáp Tết, những người dân xóm chài đi từ sáng đến tối mịt. Có Tết rác nhiều quá, công nhân môi trường dọn không xuể, dân xóm chài gần như không nghỉ Tết, mùng Một đã tranh thủ đi nhặt rác.

Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Tết đối với người dân xóm chài cũng đỡ tủi hơn. Như Tết năm ngoái, mỗi gia đình được một suất quà gồm tiền và bánh kẹo, trị giá 700.000 đồng. Hay các ông bà tổ trưởng, tổ phó dân phố, năm nào cũng vậy, tặng mỗi nhà 1 lít nước mắm, 1 gói mì chính.

Ông Nguyễn Đình Minh bảo, cũng nhờ có các cơ quan báo chí phản ánh, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng tìm đến tặng quà cho người dân nơi đây. Mở cuốn sổ ghi chép ra, ông Minh khoe: "Hôm trước, có một đoàn đến tặng mỗi hộ 20kg gạo, 1 thùng mì tôm và 1 gói quà gồm dầu ăn, đường, mì chính. Tôi lập danh sách cẩn thận, mời các hộ đến ký nhận".

Nghe tôi hỏi đến phút Giao thừa, chị Phạm Thị Lĩnh rưng rưng nước mắt. Chị bảo, vào thời khắc thiêng liêng ấy, chị và các con ngồi ra đầu thuyền, ngắm pháo hoa rực sáng trên bầu trời. Ở giữa sông, không bị che khuất tầm nhìn, pháo hoa rõ và đẹp lắm. Trên mặt nước sông Hồng phẳng lặng, in bóng những bông pháo hoa nở tung rồi rơi từ từ như ngàn ánh sao sa. Đây có lẽ là những giây phút hạnh phúc nhất của những người dân xóm chài...

Hương Vũ
.
.
.