Xóa khoảng trống trong quản lý, bảo vệ người lao động giúp việc gia đình

Thứ Bảy, 31/08/2013, 20:15
Cho đến nay, giúp việc gia đình (GVGĐ) vẫn chưa được quy định là một nghề trong danh mục nghề quốc gia. Trong khi đó nhu cầu về nhân lực dạng này lại có xu hướng ngày càng tăng nhanh.

Một cuộc nghiên cứu về thực trạng lao động GVGĐ tại Việt Nam được thực hiện ở 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Khánh Hòa và Vĩnh Long vừa được Trung tâm nghiên cứu Giới, gia đình và phát triển cộng đồng công bố đã đưa ra những khoảng trống về chính sách đối với người lao động đang tham gia vào thị trường GVGĐ.

Vấn đề đặt ra thị trường có nhu cầu cao nhưng nguồn cung lại không chính thống, đa số các gia đình sử dụng GVGĐ đều phải tìm qua kênh nhờ người thân, quen ở quê giới thiệu cùng với đó là chất lượng lao động GVGĐ còn thấp, hầu hết chưa qua đào tạo.

Theo Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động quốc gia dự đoán, số lượng việc làm liên quan đến GVGĐ sẽ tăng từ 157.000 người năm 2008 lên tới 246.000 người vào năm 2015. Có một nghịch lý mà từ lâu nay vẫn tồn tại là việc cung ứng nguồn nhân lực GVGĐ trong nước ít được chú trọng khâu đào tạo. Việc đào tạo mới chỉ phát triển ở một số DN dịch vụ cung ứng GVGĐ ra nước ngoài ở một số thị trường như CH Síp, Arab Saudi, Đài Loan, Malaysia…

Các kết quả nghiên cứu về lao động GVGĐ tại Việt Nam đều nhận định GVGĐ chủ yếu là nữ, chiếm 98,7%. Về trình độ học vấn, đa số từ THCS trở xuống, có đến trên 22% có trình độ tiểu học, thậm chí còn có không ít người không biết chữ. Hiểu biết về pháp luật liên quan đến công việc làm càng trống, 70% GVGĐ chưa biết đến các quy định liên quan đến lao động GVGĐ như ký kết hợp đồng lao động, BHXH, BHYT mà người sử dụng phải trả để người GVGĐ tự lo bảo hiểm… và rất nhiều điều kiện liên quan đến chỗ ăn ở, sinh hoạt và quyền được bảo vệ khỏi xâm hại…

Các số liệu khảo sát cũng cho thấy, 55% số người lao động tiềm năng cho biết họ có lo lắng khi dự định đi làm GVGĐ. Vấn đề lớn nhất là sợ không thích ứng được với công việc, bị gia chủ đối xử không tốt và không thích ứng với cách sống của gia đình chủ cùng với đó là lo lắng về kỹ năng sử dụng trang thiết bị hiện đại, sự không ổn định về công việc. Điều này cho thấy nếu được tham gia một khóa đào tạo trang bị những kiến thức cần thiết, chắc chắn người lao động sẽ tự tin và làm tốt công việc GVGĐ hơn. Theo kết quả nghiên cứu của GFCD, 2013, có 80,7% lao động tiềm năng cần dạy kiến thức, kỹ năng cho người làm GVGĐ. 71% người được hỏi có nhu cầu tham gia các lớp dạy kiến thức kỹ năng GVGĐ…

Có tới 86,7% gia đình đang sử dụng GVGĐ cho rằng cần thiết cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho lao động GVGĐ. Có trên 50% gia đình có dự định thuê người giúp việc  qua đào tạo, trong đó có 87,6% gia đình sẵn sàng trả lương cao hơn cho người giúp việc đã qua đào tạo.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đã khẳng định sự quan tâm của Chính phủ trong việc thực hiện quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích của nhóm lao động này. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ LĐ-TB&XH ban hành nghị định quy định chi tiết 5 điều trong Bộ luật Lao động xung quanh vấn đề lao động GVGĐ nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sớm đưa Bộ luật vào cuộc sống. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp đưa lao động GVGĐ vào hệ thống nghề quốc gia để đào tạo.

Để làm được điều này sẽ còn phải mất một thời gian nữa. Tuy nhiên, cách nhanh hơn để đi đến đích chính là việc bản thân lao động GVGĐ phải vận động, nâng cao chuyên môn, năng lực thương lượng, khả năng tự vệ và kiến thức cần thiết liên quan đến công việc mình làm trong khuôn khổ đã được Luật pháp bảo vệ. Bởi môi trường làm việc của lao động GVGĐ rất đặc thù, đóng kín trong hộ gia đình

Thu Uyên
.
.
.