Xóa bỏ lò gạch thủ công: Nan giải cũng phải làm

Thứ Hai, 22/08/2011, 15:23
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg về việc xóa bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010, thế nhưng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện vẫn còn hàng trăm lò gạch thủ công ngày đêm "hành hạ" người dân. Môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe bị tổn hại... người dân bức xúc, còn cơ quan chức năng "ì ạch".

Ô nhiễm, và...

Trên tuyến QL1A, đoạn đi qua khu vực cầu Cấm, thuộc địa phận xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc - Nghệ An), có 6 lò gạch thủ công đang hoạt động thường xuyên. Những lò gạch này xả những làn khói mù mịt bao trùm cả khu vực rộng lớn, bao phủ khu dân cư khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thấy chúng tôi chụp ảnh, chị Nguyễn Thị Cẩm, chủ quán cơm bình dân phục vụ xe khách Bắc - Nam ở khu vực cầu Cấm tiến lại bắt chuyện với vẻ bức xúc: "Khổ lắm các chú ơi. Hàng chục năm nay nhiều lò gạch thủ công ở đây xả khói hành hạ chúng tôi mãi. Mùi hăng như muốn ngạt thở luôn, nhất là khi có gió lớn là những làn khói cứ quất thẳng vô nhà hàng, khách không thể chịu nổi nên chẳng ai dám vô ăn các hàng quán dọc khu vực này nữa".

Ngoài 6 lò gạch ngay cạnh cầu Cấm, hiện còn có nhiều lò gạch thủ công khác nằm trong khu vực giáp ranh với Khu công nghiệp Nam Cấm, những làn khói mù mịt của các lò gạch thủ công hòa lẫn với khói của các nhà máy trong khu công nghiệp càng làm cho môi trường nơi đây bị ô nhiễm trầm trọng.

Bà Nguyễn Thị Mai, người dân xóm 4, xã Nghi Yên kiến nghị: "Chúng tôi sống ở đây đã mấy đời rồi, lò gạch thì mới xây khoảng chục năm nay, thêm nữa là tỉnh vừa xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên lên ngay khu vực gần xóm 4 chúng tôi nên môi trường cứ thế càng ngày càng ô nhiễm. Nếu nhà nước không quan tâm rồi chúng tôi không chuyển đi chỗ khác thì cũng chết vì bệnh tật thôi chú ạ".

Ngược về xuôi, chúng tôi tiếp cận khu vực sông Kẻ Gai, nơi giáp ranh giữa hai xã Hưng Đông (TP Vinh) và xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), theo quan sát, chỉ một khu vực nhỏ mà có đến hàng chục lò gạch thủ công đang hoạt động. Các lò gạch này đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của nhân dân 2 địa phương này…

Tại xóm Trung Thành (xã Hưng Đông), ngay sát bờ tường của ông Trần Văn Ngọ là 2 lò gạch thủ công với công suất ra lò hàng chục vạn viên gạch/mẻ đang hoạt động. Với 2 lò gạch này, hàng ngày ngoài việc khiến cho con người phải "oằn mình" hứng chịu khói bụi với biết bao rình rập bệnh tật thì khói lò gạch còn bao phủ vườn tược, ruộng lúa của người dân. Được biết, gia đình ông Ngọ hiện có 3 sào ruộng, tuy nhiên khói lò gạch luôn bao trùm quanh năm nên rất khó sản xuất, có cố gắng làm thì năng suất cũng chỉ đạt phân nửa, cá biệt có năm bị mất trắng.

Những lò gạch thủ công ngày đêm "hành" bà con nhân dân xóm Mai Lộc, xã Hưng Đông (TP Vinh).

Theo người dân thì bình thường mỗi sào ruộng chăm bón tốt cũng cho năng suất từ 4-5 tạ/ha. Tuy nhiên, khói lò gạch và hơi nóng của nó đã phá hoại tất cả nên mỗi sào may ra cũng chỉ đạt 1,5-2 tạ; có năm bị mất trắng vì lúa không thể làm đòng.

Không riêng gì người dân ở xã Hưng Đông mà người dân ở nhiều nơi trong tỉnh cũng đang điêu đứng bởi các lò gạch thủ công. Ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) thời điểm cao nhất có đến hơn chục lò gạch thủ công hoạt động. Việc duy trì sản xuất lò gạch thủ công đã biến hàng trăm hécta diện tích đất nông nghiệp có hàm lượng chất đất tốt sang dạng hoang hóa. Riêng xã Hưng Đông (TP Vinh) có khoảng trên 10ha và xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) có trên 15ha đất bị bỏ hoang.

Loay hoay xóa lò gạch thủ công?

Theo tìm hiểu của PV, ngoài một số địa phương không có lò gạch thủ công như thị xã Cửa Lò hay huyện Diễn Châu..., đến thời điểm này chỉ có huyện Nam Đàn là thực hiện triệt để công tác xóa bỏ lò gạch thủ công. Theo ông Lê Văn Bình, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Đàn thì toàn huyện có 40 lò gạch thủ công. Tuy nhiên, thực hiện khá nghiêm túc Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg đến tháng 6/2011, huyện này đã xoá được 40/40 lò gạch thủ công.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chủ trương của cấp trên. "Tiêu biểu" nhất là huyện Tân Kỳ - địa phương có số lò gạch thủ công nhiều nhất tỉnh Nghệ An đang hoạt động, trong đó trọng điểm là làng nghề ngói Cừa với khoảng 70 lò, tiếp đó là các xã Tân Long, Nghĩa Đồng, Kỳ Sơn. Do chưa có sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo nên các công việc, giải pháp để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công chưa được huyện thật sự quan tâm. Đơn cử như làng nghề ngói Cừa, mặc dù đã có định hướng chuyển đổi sản xuất theo mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất theo hướng chất lượng cao, nhưng đến nay mọi việc cũng mới dừng lại ở việc phê duyệt dự án.

Trong khi đó, lộ trình mà huyện đề ra là đến năm 2012 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn. Nếu trong thời gian tới, Tân Kỳ không chỉ đạo quyết liệt hơn thì khó có thể thực hiện được. Đô Lương cũng là một trong những địa phương thực hiện chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công chậm.

Đến Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An để tìm hiểu số liệu về số lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận được thái độ bất hợp tác của lãnh đạo Sở này khi ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở thẳng thừng từ chối: "Chúng tôi chỉ cung cấp thông tin 1 lần và đó là cho bên Báo Nghệ An" (?!). Thuyết phục mãi ông Kim mới "tạo điều kiện" để giới thiệu cho gặp bộ phận chuyên môn là Phòng Quản lý hoạt động vật liệu xây dựng.

Tại đây, ông Nguyễn Trọng Do - Trưởng phòng Quản lý hoạt động vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng, sau một hồi lâu với điệp khúc của "sếp" là "chúng tôi chỉ cung cấp thông tin 1 lần cho Báo Nghệ An", nhưng qua thuyết phục thì vị Trưởng phòng này cũng cho biết ngắn gọn: "Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 300 lò gạch thủ công. Việc xoá bỏ lò gạch thủ công là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên vẫn cần phải có một lộ trình dài dài".

Với thái độ bất hợp tác và cách trả lời trên của ngành chức năng, dư luận có thể hiểu rằng, việc xóa lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chậm và sẽ còn chậm trong một thời gian không ngắn

Quỳnh Thương
.
.
.