Xin phá rừng phòng hộ để... lấy đất sản xuất

Thứ Ba, 13/04/2010, 13:06
Chiều 11/4, ông Nguyễn Hoàng Minh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận BQL dự án thủy điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đang đề nghị UBND tỉnh cho phép "chuyển đổi" 745ha rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My) để tạo quỹ đất sản xuất bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án Thủy điện Sông Tranh 2.

Đề xuất này gặp phải sự phản đối của Sở NN&PTNT và nhiều ban, ngành chức năng. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về UBND tỉnh vẫn còn để ngỏ…  

5 năm trước đây, tổng cộng gần 1.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người đã chấp nhận đi khỏi làng bản, nhường đất sản xuất để xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2. Công trình có quy mô lớn nằm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn này có công suất lắp máy 190MW với sản lượng điện mục tiêu trung bình 679,6 triệu KWh dự kiến cuối năm nay sẽ phát điện tổ máy số 1.

Lẽ ra trước khi xây dựng thủy điện, chủ đầu tư phải có quỹ đất tái định cư, đất sản xuất cụ thể nhằm ổn định cuộc sống người dân. Nhưng đơn vị này đã thực hiện "quy trình ngược": Thu hồi đất sản xuất, di dời dân đi nơi khác rồi mới tính đến chuyện tìm đất cho họ sản xuất. Thế nên đến nay, vẫn còn 413 hộ dân di dời vẫn chưa có đất canh tác như cam kết trước đó của BQL dự án thủy điện 3. Nhiều hộ đã tiêu xài hết số tiền được đền bù và lâm vào cảnh khốn khó.

Chính quyền huyện Bắc Trà My đã nhiều lần đốc thúc chủ đầu tư dự án và kiến nghị với UBND tỉnh giải quyết triệt để vấn đề an dân dự án Thủy điện Sông Tranh 2 nhưng qua nhiều cuộc họp, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về quỹ đất sản xuất.

Cuối năm nay, tổ máy số 1 Thủy điện Sông Tranh sẽ phát điện nhưng hàng trăm người dân vẫn chưa được bố trí đất sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thực tế, diện tích đất sản xuất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý trên địa bàn Bắc Trà My trước đây đã được cấp hết. Tỉnh và các ngành chức năng đã đề cập phương án chủ đầu tư dự án Thủy điện Sông Tranh 2 nhận chuyển nhượng 845ha đất rừng thuộc quyền sử dụng của các hộ dân ngoài khu vực lòng hồ để bố trí cho các hộ chưa được giao đất sản xuất.

Tuy nhiên, BQL dự án thủy điện 3 không đồng thuận. Theo đơn vị này, đơn giá bình quân để thu hồi 1ha đất sản xuất của người dân gần khu tái định cư là 100 triệu đồng, chưa tính hỗ trợ và bồi thường giá trị tài sản trên đất. Chủ đầu tư không muốn tốn thêm chi phí cả trăm tỷ đồng để thực hiện phương án này nên cứ "treo" lời hứa, đẩy thiệt thòi về phía người dân đã nhường đất cho thủy điện.

Trước bức xúc của người dân và chính quyền địa phương, mới đây BQL dự án đã có đề xuất hết sức bất ngờ: Đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét "chuyển đổi" 745ha rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Trà Bui để tạo quỹ đất bố trí cho 413 hộ dân tái định cư sản xuất.

Trao đổi với các phóng viên, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam đã thẳng thắn phản đối đề xuất của BQL thủy điện 3 và nhận xét việc "chuyển đổi" này thực chất là hành vi phá rừng phòng hộ không thể chấp nhận được.

Trước đó, Sở NN&PTNT cũng đã gửi công văn kiến nghị UBND tỉnh bác bỏ đề nghị này vì diện tích rừng mà BQL thủy điện 3 muốn "chuyển đổi" là rừng phòng hộ đầu nguồn nên không thể tùy tiện khai phá. Cùng với việc thúc giục chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2 sớm có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân vùng lòng hồ bị giải tỏa, UBND tỉnh Quảng Nam cần quyết định dứt khoát, không thể chấp nhận đề xuất bất hợp lý của BQL dự án thủy điện 3

Thân Lai
.
.
.