"Xin đểu", "trấn lột" người tảo mộ

Thứ Hai, 23/10/2006, 13:53
Sau khi bị "xin" 600.000 đồng và “tiêu thụ” hết "lộc các cụ", bà Lâm Hồng Liên thất thần vì những lời hăm doạ đòi "bồi dưỡng" lâu đến cả tiếng đồng hồ của những kẻ đã "tận tình phục vụ" tại nghĩa trang Bất Bạt.

Thời gian gần đây, dư luận nhân dân Hà Nội và khách thập phương có người thân an nghỉ tại nghĩa trang Bất Bạt (Yên Nghĩa, Ba Vì, Hà Tây) hết sức bất bình phản ánh tới Báo CAND về hiện tượng nhiều đối tượng có hành vi "xin đểu", "trấn lột" những người đến thăm viếng mộ phần người thân của họ.

Rất ngạc nhiên là trong số đó có cả những người đeo băng đỏ danh nghĩa làm nhiệm vụ hướng dẫn khách thăm viếng và ổn định trật tự trong khu vực. Qua tìm hiểu được biết, hiện tượng đó đã từng diễn ra trong nhiều năm, chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn do quy định thiếu, quản lý lỏng! 

Nỗi thất vọng của một Việt kiều

Sự việc gần đây nhất gây bất bình là trường hợp bà Lâm Hồng Liên, Việt kiều Canada về nước thăm quê hương và lên viếng mộ phần người thân tại nghĩa trang Bất Bạt đã bị một số đối tượng đeo bám "xin đểu".

Theo tường trình của bà Liên, thì sáng 16/10 sau cuốc xe ôm dài đã thấm mệt mới tới được nghĩa trang. Khoảng 10h30' khi bà vừa đặt chân vào cổng nghĩa trang thì xuất hiện 3, 4 thanh niên, trong đó có một người đeo băng đỏ sáp lại hỏi bà số mộ bao nhiêu, bà Liên trình ra số mộ liền được một người trong số đó dẫn đến ngôi mộ.

Đến nơi người đó tự động thắp hương, làm một số động tác nhỏ rồi sau đó xin luôn 200.000 đồng. Bà Liên đồng ý trao ngay khoản tiền trên cho họ. Nhưng ngay lập tức có khoảng 20 đối tượng ập vào chỗ bà đang đứng, xồng xộc dẫn bà sang những khu mộ khác của gia đình bà.

Chưa kịp hiểu ra điều gì thì đã thấy 3,4 người con gái ngồi nhặt cỏ khu mộ phần người thân bà, rồi chính những người này lại chèo kéo bà về phần mộ ông bà nội bà Liên để thắp nhang, thăm viếng. Tất cả những hành vi trên diễn ra liên tục như kịch bản đã dàn dựng sẵn, đến nỗi bà Liên muốn có một giây lát yên tĩnh để "giao tiếp" với người thân dưới âm cũng không được các đối tượng buông tha.

Tất nhiên, sau khi dẫn đi như thế những "hướng dẫn viên" không mời này đã kịp "xin" bà Liên 600.000 đồng cho việc đưa bà đến thắp hương 3 ngôi mộ. Khi bà Liên muốn đốt hương thì một số đối tượng ngang nhiên ngăn cản. Bảo họ đứng xa ra để có không gian yên tĩnh cúng ông bà thì họ chen lấn xô đẩy áp sát vào mộ như chứng minh sự có mặt của mình để ghi công lấy tiền. Rồi tự động lấy rượu, thuốc lá, bánh kẹo thờ cúng phân phát cho mọi người một cách hết sức thiếu văn hoá.

Cứ tưởng sự việc dừng lại ở đó, nào ngờ khi đã lấy 600.000 đồng và “tiêu thụ” hết số đồ thờ cúng trên thì ồ ạt một đám đông xông đến bên bà kẻ đòi tiền dẫn đường, người kể công nhặt cỏ, thắp nhang... khiến bà Liên thất thần vì những lời hăm doạ trong khoảng thời gian cả tiếng đồng hồ.

Hành vi trắng trợn của các đối tượng khiến bà Liên chỉ còn có nước xé túi để chứng minh là mình không còn tiền. Bởi sau khi đã trả cuốc xe ôm 300.00đồng, 600.000 đồng tiền nộp cho số người trên, còn 100.000 đồng bà định bụng để đi đường cũng bị chúng gây áp lực lột nốt.

Người quản lý nói gì?

Ông Đặng Văn Đức - Trưởng ban Phục vụ tang lễ Hà Nội (đơn vị quản lý nghĩa trang) thừa nhận có tình trạng đó và nó đã diễn ra từ khá lâu. Sở dĩ có tình trạng này vì nghĩa trang Bất Bạt thành lập từ năm 1960 với diện tích khoảng 40ha đất lại không có tường rào bảo vệ. Trước năm 1999, người dân 6 xã xung quanh có thói quen tự ý vào làm các dịch vụ xây, sửa mộ, khắc bia, phục vụ cúng lễ... và trực tiếp lấy tiền của khách thông qua dịch vụ này.

Năm 1999 sau khi có quy định quy cách mộ và các dịch vụ kèm theo thì tình trạng này đã giảm đáng kể. Vì nghĩa trang quá lớn mà 15 cán bộ của Ban không quản lý nổi, nên hàng năm Ban vẫn hợp đồng với chính quyền địa phương cử ra 15 đến 20 người làm nhiệm vụ hướng dẫn kiêm bảo vệ trật tự. Đây chính là nguyên nhân mà người đeo băng đỏ danh nghĩa vì việc thiện lại làm điều xấu.

Ông Hoàng Thành Thái - Phó ban Phục vụ tang lễ cho biết: Ngoài quy định về hợp đồng ký kết di chuyển, xây dựng mộ người quá cố thì chưa có quy định cụ thể nào để xử lý sai phạm.

Hiện tại ở nghĩa trang không có cán bộ bảo vệ chuyên trách. Vì thế nhiều vụ việc xảy ra trong nghĩa trang nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời

Nhóm PVĐT
.
.
.