Xét xử sơ thẩm vụ nâng điểm tốt nghiệp THPT tại Bạc Liêu

Thứ Ba, 27/11/2007, 11:47
Phiên tòa xét xử sơ thẩm được khai mạc sáng 26/11 dưới sự chủ tọa của thẩm phán Đặng Quốc Khởi - Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu. Đây là vụ án liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT có số bị cáo đông nhất từ trước đến nay tại các tỉnh ĐBSCL trong hàng chục năm trở lại đây.

Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến phiên tòa này là có đến 24 (trên tổng số 26 bị cáo) từng là cán bộ, thậm chí là lãnh đạo của ngành Giáo dục (GD) của địa phương.

Đó là Nguyễn Văn Tấn - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, Ngô Đoàn Nguyễn - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trần Văn Đồng - nguyên Phó phòng GD Trung học Sở GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng chấm thi tốt nghiệp (TN) hệ THPT, Lê Tiến Thịnh - Trưởng Phòng GD Trung học Sở GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng chấm thi hệ Bổ túc THPT, Lâm Văn Chương - Phó Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT, Nguyễn Hữu Chính - Phó phòng GD Trung học Sở, Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi hệ Bổ túc THPT, Nguyễn Hoàng Huy - cán bộ vi tính Sở GD&ĐT, Lê Hồng Chuyên - nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Gành Hào, Phạm Minh Cảnh - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lợi, Thái Nhật Trường - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Lợi, Nguyễn Trọng Trường - nhân viên thư viện Trường THPT Hiệp Thành, Tào Đại Hải - Kế toán Trường THPT Hiệp Thành, Nguyễn Hữu Tâm - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật - Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh, chồng của bà Bùi Hồng Phương, Phó Chủ tịch (phụ trách văn xã) UBND tỉnh Bạc Liêu; các bị cáo nguyên là cán bộ gồm: Lê Sơn Đông, Nguyễn Xuân Đào, Trần Kiến Thức và các giáo viên, gồm: Hồ Ngọc Mến, Ngô Văn Trung, Nguyễn Thế Thuyên, Nguyễn Đồng Hết, Nguyễn Quốc Nghiêm, Lê Văn Lăng, Trịnh Minh Tân, Trần Văn Lợi. Hai bị cáo  còn lại là Quách Thị Phấn, vợ của bị cáo Trịnh Minh Tân và Lê Văn Phước ĐKTT khóm 7, phường 1, TX Bạc Liêu.

Ông Tấn, Nguyễn, Đồng, thịnh và Huy bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; ông Nguyễn còn bị truy tố thêm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Huy cùng bị truy tố với Chương, Chính tội Nhận hối lộ; Phước bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đọat tài sản; số bị cáo còn lại bị truy tố tội Làm môi giới hối lộ.

Theo Cáo trạng của VKSND Bạc Liêu, vụ án bắt đầu vào lúc 8h45' ngày 15/6/2006. Cơ quan CSĐT Công an Bạc Liêu đã bắt khẩn cấp Nguyễn Quốc Nghiêm - Giáo viên trường THPT Lê Văn Đẩu khi đối tượng này đã nhận tiền của phụ huynh học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2005 - 2006 để lo cho các em được đậu tốt nghiệp.

Tiến hành khám xét người và nơi ở của Nghiêm, cơ quan điều tra thu giữ được số tiền trên 9 triệu đồng, 1 ĐTDĐ cùng nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan. Nghiêm khai đã nhận của 11 học sinh với số tiền là 88 triệu đồng.

Nghiêm đã đưa cho ông Cảnh - Trưởng Phòng GD&ĐT Vĩnh Lợi 65 triệu đồng và danh sách 11 học sinh nhờ ông Cảnh giúp. Từ sự việc này, vụ án đã được mở rộng điều tra và nhiều điều khó ngờ đã được phanh phui.

Cụ thể, kỳ thi TN năm học 2005 - 2006 đối với hệ THPT và  Bổ túc THPT toàn tỉnh Bạc Liêu có 6.619 thí sinh (TS) dự thi. Ngày 12 và 15/6/2006, Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu thông báo tỉ lệ TN của hệ THPT là 79,04% (4.344 TS đậu), của hệ Bổ túc THPT đạt 47,28% (531 TS đậu).

Kết quả nhập điểm thực tế của cơ quan CSĐT chỉ có 3.034 TS đủ điểm tốt nghiệp (tỉ lệ 55,20%, chênh lệch 1.310 TS so với thông báo của Sở. Đối với hệ Bổ túc THPT, có 101 TS đủ điểm đậu, tỉ lệ 8,99%, chênh lệch 430 TS so với thông báo trước đó.   

Quá trình điều tra, cho thấy xuất phát từ động cơ cá nhân, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Tấn, Ngô Đoàn Nguyễn cùng với 2 thuộc cấp là Trần Văn Đồng và Lê Tiến Thịnh bàn bạc thống nhất nâng tỷ lệ tốt nghiệp năm 2005 - 2006 từ 55% lên 79,04% của THPT, từ 8,99% lên 47% của hệ Bổ túc THPT và nâng điểm cho nhiều TS thân quen trong tỉnh gởi cho họ để đủ điểm TN.

Cụ thể ông Tấn đã nhờ thuộc cấp nâng điểm cho 18 TS, ông Nguyễn gởi 79 TS, ông Đồng gởi 37 TS và ông Thịnh gởi 16 TS. Người được nâng thấp nhất là 6 điểm và cao nhất là 17 điểm. Sau đó, bộ sậu này chỉ đạo cho Nguyễn Hoàng Huy - cán bộ máy tính phụ trách nhập điểm thi trên máy, in ra kết quả.

Tranh thủ chủ trương này, ngoài việc làm theo ý của lãnh đạo, nhóm: Huy, Chương và Chính đã trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của nhiều TS để sửa điểm thi từ rớt thành đậu.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh, số tiền do hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của nhiều TS để sửa điểm thi từ rớt thành đậu của Huy là 246,5 triệu đồng, của Chương 20,9 triệu đồng, của Chính là 13 triệu đồng.

Các bị cáo còn lại nhận tiền của các TS để đưa lại cho Huy nâng điểm của các TS như sau: Đông nhận của 23 TS 66 triệu đồng, Chuyên nhận của 24 TS 123 triệu đồng, Phấn nhận của 30 TS 89 triệu đồng, Cảnh nhận 11 TS 65 triệu đồng, Nghiêm nhận 11 TS 87 triệu đồng, Tâm nhận của 12 TS 58 triệu đồng, Lăng nhận 19 TS 64 triệu đồng, Tân nhận 10 TS 29,5 triệu đồng, Lợi nhận 3 TS 15 triệu đồng, Nhật Trường  nhận 14 TS 41 triệu đồng, Trọng Trường nhận 2 TS 12,5 triệu đồng, Hải nhận 4 TS 17,5 triệu đồng, Mến nhận 1 TS 8 triệu đồng, Đào nhận 3 TS 9 triệu đồng, Trung nhận 1 TS 7,5 triệu đồng, Thức nhận 1TS 8 triệu đồng, Thuyên nhận 3 TS 11 triệu đồng, Hết nhận 3 TS 10,5 triệu đồng.

Riêng Ngô Đoàn Nguyễn đã nhận 25 triệu đồng để đưa một trường hợp vào biên chế, dạy tại Trường THPT Giá Rai. Còn Lê Văn Phước, sau khi nhận tiền của 2 TS 12 triệu đồng, đã chi xài bản thân chứ không chạy nhờ cậy.

Quá trình điều tra, các bị can đã nộp lại số tiền chiếm đoạt lên đến 533,9 triệu đồng. HĐXX cho biết, phiên tòa dự kiến diễn ra liên tục trong 5 ngày

Binh Huyền
.
.
.