Xe ôm cũng phải sắm MBH cho khách

Thứ Sáu, 14/12/2007, 08:25
Theo Nghị định 146/CP của Chính phủ, thì với những người hành nghề xe ôm, ngoài một chiếc mũ bảo hiểm (MBH) cho chính mình, cũng phải chuẩn bị thêm MBH nếu muốn chở... khách.

Từ ngày 15/12, mọi người dân khi tham gia giao thông bằng môtô, xe máy trên bất cứ tuyến đường nào đều buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Để người dân nghiêm túc tuân thủ quy định này, mức xử phạt hành chính đối với hành vi không đội MBH đã được nâng lên gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, theo phân tích của các luật sư thì người điều khiển phương tiện còn phải đối mặt với nhiều loại trách nhiệm pháp lý nặng nề hơn thế.

Xử phạt ngay lập tức và phạt liên tiếp

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội và Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định sẽ huy động toàn lực lượng ra quân đảm bảo thực hiện kiểm tra xử lý nghiêm từ 6h sáng 15/12 đối với hành vi tham gia giao thông bằng môtô, xe máy mà không tuân thủ quy định về đội MBH.

Tinh thần là xử phạt ngay lập tức chứ không nhắc nhở hay nương nhẹ, bởi thời gian qua, việc tuyên truyền nhắc nhở đã được triển khai liên tục và rộng khắp.

Theo sự cho phép tại Nghị định 146/CP của Chính phủ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh áp dụng mức xử phạt 150.000đ/lần vi phạm không đội MBH và có thể phạt tới 200.000đ/lần nếu người điều khiển phương tiện không chấp hành dừng xe. Sau khi bị xử phạt, người vi phạm muốn lên xe đi tiếp thì phải trang bị ngay MBH. Nếu cố tình lên xe đi mà vẫn không đội MBH thì sẽ bị tiếp tục xử phạt.

Theo Nghị định 146 thì nguyên tắc của xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là "Nếu nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt".

Như vậy, việc xử phạt hành chính được áp dụng từng lần đối với từng người, kể cả người ngồi sau xe máy mà không đội MBH. Nếu người không đội MBH là trẻ em thì người lớn đi kèm phải chịu trách nhiệm thay.

Quy trình xử phạt vi phạm lỗi không đội MBH như sau: Khi bị phát hiện, người vi phạm sẽ bị chiến sĩ tuần tra, gác chốt tạm giữ giấy phép lái xe hoặc giấy đăng ký xe, lập biên bản vi phạm. Tiếp đó, đội trưởng sẽ ra quyết định xử phạt. Người vi phạm mang quyết định xử phạt đến nộp tiền phạt tại kho bạc gần nhất rồi cầm biên lai nộp tiền đến bộ phận xử phạt để lấy lại đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe.

Cảnh báo về trách nhiệm đối với người điều khiển phương tiện

Mức xử phạt đối với hành vi không tuân thủ quy định về bắt buộc đội MBH gần tương đương với giá trị của một chiếc MBH hẳn sẽ khiến những người còn lừng khừng không chấp hành phải xót ruột mà đi mua cho mình một chiếc mũ.

Tuy nhiên, theo phân tích của các luật sư thì nếu để người ngồi sau không đội MBH, người điều khiển phương tiện có thể phải chịu nhiều loại trách nhiệm pháp lý nặng nề hơn, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra tai nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh mạng của người ngồi sau không đội MBH.

Theo luật sư Nguyễn Kiến Thiết, Trưởng Văn phòng LS Kiến Thiết (Đoàn LS Hà Nội), khi Chính phủ đã có quy định bắt buộc thì việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà để người ngồi sau không đội MBH là vi phạm, mặc dù lỗi này cũng thuộc về người ngồi sau.

Nếu xảy ra tai nạn mà những người ngồi sau thiệt mạng hoặc tổn hại nặng nề đến sức khỏe thì ngoài trách nhiệm bồi thường dân sự, người điều khiển phương tiện còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" tại Điều 202 BLHS.

Điều luật này quy định: "Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm".

Phân tích cụ thể hơn, luật sư cho biết: Nếu người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng này là người lớn và chỉ một người thì trách nhiệm của người điều khiển có thể được xem xét giảm nhẹ do đây cũng là lỗi về ý thức cố ý không đội MBH của người đó (khác với trường hợp người điều khiển phương tiện gây tai nạn do vượt đèn đỏ, say rượu, đi quá tốc độ cho phép,…), nếu người bị thiệt hại đó là trẻ em chưa có đủ nhận thức về việc bắt buộc đội MBH thì người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm đầy đủ, hoàn toàn đối với hậu quả xảy ra.

Tất nhiên, khi sự cố đáng tiếc xảy ra thì cơ quan chức năng sẽ xem xét đánh giá cụ thể hậu quả tai nạn ở trường hợp không đội MBH với trường hợp có đội MBH khác nhau ra sao để tính toán trách nhiệm phù hợp.

Cũng có phân tích tương tự, PGS.TS, luật sư Phạm Hồng Hải - Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội cho rằng, rõ ràng là trong mọi trường hợp thì người điều khiển môtô, xe máy phải chịu trách nhiệm nếu chấp thuận chở người không đội MBH.

Những người hành nghề xe ôm chẳng hạn, ngoài một chiếc MBH cho chính mình, cũng phải chuẩn bị thêm MBH nếu muốn chở khách.

Theo luật sư Phạm Hồng Hải, đây là vấn đề pháp lý rất mới nên cơ quan chức năng cần có hướng dẫn thật cụ thể và phổ biến tới rộng rãi người dân, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức tuân thủ quy định về đội MBH, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc

Đối với cán bộ công chức, khi phạm lỗi không đội MBH ngoài bị xử phạt hành chính, còn bị gửi thông báo về cơ quan, địa phương. Các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang cũng đã có những quy định nội bộ rất rõ về xử lý kỷ luật cán bộ nếu vi phạm quy định về đội MBH.

Bá Tuấn
.
.
.