Xe khách "được dịp" nâng giá, lèn khách

Chủ Nhật, 02/09/2012, 09:18
Từ chiều 31/8, cho đến gần trưa 1/9, lượng người tăng đột biến ở các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô đã khiến giao thông ở những khu vực này ùn ứ khá nghiêm trọng. Trong khi đó, phần lớn các bến xe ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng nghẽn người vì người dân đổ xô về quê nghỉ lễ 2-9. Cùng tình trạng ùn tắc, thì tình trạng xe khách nhồi nhét khách, tự ý nâng giá tái diễn trên nhiều tuyến đường.

Từ xe khách đến xe buýt đều chung cảnh “lèn khách” 

Theo kế hoạch, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội đã tăng cường gần 200 chuyến xe chia đều cho các bến để đáp ứng nhu cầu đi lại cao của hành khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Cụ thể, Bến xe phía Nam (Giáp Bát) sẽ tăng cường 80 xe, tập trung ở các tuyến như Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình; Bến xe Mỹ Đình tăng cường 85 xe tập trung ở tuyến Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ.

Riêng Bến xe Gia Lâm, do nhu cầu hành khách mọi năm vào dịp này không lớn nên chỉ tăng cường thêm khoảng 25 xe cho tuyến Hải Phòng và Thái Bình. Hơn nữa, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội còn khẳng định, dịp nghỉ lễ này mặc dù lượng người đổ về bến xe khá đông nhưng sẽ không lo thiếu xe bởi các đơn vị vận tải đã có những phương án điều động nhằm giải tỏa khách.

Học sinh, sinh viên xếp hàng chờ xe buýt.

Dù lượng xe có thể nói là khá dồi dào, song, theo ghi nhận của phóng viên ngày cuối tuần, tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, tình trạng xe đứng bắt khách ngay cửa bến, rồi cò vé đứng để chèo kéo khách lên xe về quê vẫn diễn ra. Khu vực cửa Bến xe Giáp Bát từ 17h ngày 31/8, rồi sáng 1/9, khá nhốn nháo.

Mặc dù đã có lực lượng chức năng bám chặt ở các khu vực cửa ra vào bến nhưng tình trạng taxi dừng đỗ trả khách ngang nhiên giữa đường khiến phía cửa vào bến không ngớt tiếng người quát tháo hòa lẫn còi xe inh ỏi. Phía trong bến, nhiều tuyến xe về thành phố, thị xã liên tỉnh, xe vừa tới sân đã phải quay đầu do hành khách kiếm chỗ khi xe vừa mở cửa.

Nóng không kém trong thời điểm những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ là khu vực những điểm chờ xe buýt. Trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên - Hà Nội), sinh viên và lao động ngoại tỉnh xếp kín dọc đường đợi bắt xe khách. Những tuyến xe buýt về các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… ngày thường vốn đã khá đông thì trong dịp nghỉ lễ phải hoạt động hết công suất mà vẫn luôn phải chịu cảnh quá tải trong khi xe khách gom khách không xuể. Các tuyến buýt chạy qua nhiều trường đại học hầu như không còn chỗ trống. Xe buýt chạy qua khu vực này đều phải chịu cảnh nhồi nhét.

Điểm đến là thành phố hay huyện, đều đồng hạng giá vé

Trong những dịp nghỉ lễ, đông nhất là tuyến xe về các huyện của tỉnh. Bởi lẽ, bình thường lượng xe cung ứng cho khu vực này khá ít, và với tần suất không nhiều, giờ nhu cầu tăng cao thì coi như là dịp nhà xe tha hồ "nêm" chặt hành khách mà không ai dám kêu ca, vì ai muốn nhanh chóng về nhà. Nhiều hành khách đi chặng ngắn như Hà Nội - Phủ Lý cũng phàn nàn, họ buộc phải trả giá vé đồng hạng như đi Nam Định, Ninh Bình vì nếu không nhà xe sẽ không chịu chở.

Cụ thể, sáng 1/9, phóng viên Báo CAND liên tục nhận được phản ánh của hành khách đi trên những chuyến xe đường dài. Anh Đỗ Mạnh Hùng (Nho Quan - Ninh Bình) cho hay, bình thường giá vé xe từ Giáp Bát về TP Ninh Bình chỉ 60.000 đồng, về huyện là 75.000 đồng, nhưng hôm nay anh cũng như nhiều khách khác đã phải trả tới 100.000 đồng và xe 30 chỗ nhưng phải chở tới gần 50 người khách. Hành khách này còn cho biết thêm, một người bạn đi xe khách về tuyến Nam Định, cũng phải trả mức vé đồng hạng là 100.000 đồng/lần.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho hay, để tránh tình trạng lộn xộn hay chèn ép khách, Ban Quản lý bến xe Giáp Bát cũng đã tăng cường việc giám sát, kiểm tra. Những chuyến xe chậm rời bến để chèo kéo khách sẽ bị lập biên bản. Nhằm tránh tình trạng chặt chém giá vé và có chỗ ngồi khi “hồi hương”, ông Thành cũng khuyến cáo, hành khách có nhu cầu đi lại trong dịp này nên vào bến mua vé, tránh đón xe dọc đường dễ bị nhà xe dồn khách, ép giá…

Nói là vậy, nhưng về bản chất, người dân để tìm được số điện thoại mà phản ánh những tiêu cực của nhà xe trong cả hành trình đã là điều khó. Khó hơn nữa đó là việc người dân không dễ tìm được một thông tin nào về việc bến xe xử lý xe vi phạm sau mỗi dịp lễ Tết như lời đã hứa. Kỳ nghỉ lễ vẫn còn diễn ra, và những dịp lễ tết tiếp theo vẫn đang chờ phía trước, thiết nghĩ Công ty Quản lý bến xe, cũng như các bến phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân cần có biện pháp xử lý nghiêm và cụ thể những trường hợp vi phạm để người dân an tâm hơn khi lựa chọn xe khách làm phương tiện lưu thông chính

Đặng Nhật
.
.
.