Xây dựng nhà dân không an toàn: Nguy cơ tai nạn lao động cao

Thứ Hai, 10/03/2008, 10:45
Năm 2007, cả nước có hơn 6.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết hơn 600 người và hơn 2.500 người bị thương, thiệt hại vật chất và tài sản lên gần 60 tỷ đồng, riêng TP Hồ Chí Minh, năm 2007 có 87 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 89 người chết.

Trong đó, TNLĐ trong ngành Xây dựng chiếm tỉ lệ cao nhất. Chỉ xét về khía cạnh là những công trình xây nhỏ lẻ chúng ta cũng thấy được công tác bảo đảm an toàn cho người lao động dường như không có.

Không một dụng cụ đề phòng tai nạn

Căn nhà số 670/59/… Đoàn Văn Bơ, phường 16, quận 4 với diện tích trên 30m2, một trệt một lầu và tường được xây gạch ống không cốt thép bê tông. Sau khi mua lại căn nhà này, người chủ đã tiến hành đập bỏ để xây dựng lại. Những ngày thi công, 10 người thợ đập bỏ căn nhà cũ không có một công cụ nào để bảo vệ tính mạng của mình.

Không nón bảo hộ, không găng tay, không giàn giáo, những người thợ ngồi thẳng trên bức tường chênh vênh dùng búa tạ để phá. Anh N.T.A (một phụ hồ) cho biết: "Bảo hộ bảo hiếc làm gì cho vướng víu, tôi làm bao nhiêu công trình rồi. Có nhiều công trình còn cao hơn thế này nữa mà chẳng việc gì!".

Những người phụ hồ, thợ xây ở căn nhà này đều có ý nghĩ giống như anh nên chẳng ai có bảo hộ lao động. Dạo quanh các công trình xây dựng nhà dân cư trong thành phố, chúng tôi nhận thấy các nhóm thợ đều tự phát do một người đứng ra làm chủ thầu. Tất cả mọi công việc cũng như mọi chế độ, hợp đồng ràng buộc giữa công nhân và chủ thầu đều bằng miệng. Cho nên khi xảy ra tai nạn, chủ thầu chi trả tiền thuốc men, bệnh viện… mà không có một trách nhiệm nào rõ ràng. Và người chịu thiệt vẫn là người lao động chân tay.

Cuối tháng 7/2007, một vụ tai nạn xảy ra tại căn nhà 3 tầng trong hẻm 183 đường Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh làm 2 công nhân đang thi công trên công trình này bị thương rất nặng. Nguyên do, khi thực hiện công đoạn tô bức tường bên ngoài tầng 3 bằng giàn giáo được làm bằng gỗ cắm vào tường chẳng may bị gãy làm 2 công nhân Vũ Văn Cường (28 tuổi) và Vũ Văn Giám (32 tuổi) rớt tự do từ trên cao xuống, chấn thương sọ não, hôn mê sâu.

Làm gì để giảm thiểu TNLĐ

Đa số các công trình khi mướn người lao động, nhà thầu chỉ thuê công nhân lao động chân tay theo thời vụ nên người lao động không được tập huấn nghề nghiệp, kiến thức về an toàn lao động. Không chỉ riêng các công trình nhỏ tự phát mà ngay cả những công trình cao tầng chúng tôi vẫn còn thấy rất nhiều lỗi vi phạm trong quá trình sử dụng lao động.

Tại cao ốc nằm ở góc đường Pasteur - Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, tòa nhà trên 20 tầng đang thi công. Trên đỉnh tòa nhà, các công nhân thi công công đoạn ráp nối sắt bê tông trườn qua lại nhỏ xíu như con kiến. Bên dưới họ không có một vật dụng nào bảo hộ nhưng những công nhân này vẫn leo lên tụt xuống. Nếu chẳng may sẩy tay, tính mạng của họ khó bảo toàn.

Vừa qua, Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần 10 đã xác định chủ đề trong năm 2008 là "Cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ", trong đó đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động, hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình quốc gia về bảo hộ lao động đến năm 2010.

Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động phải có ý thức chấp hành đúng các quy định về an toàn lao động. Các nhà thầu công trình cần phải phát huy chức năng giám sát tránh tình trạng TNLĐ tăng cao. Ngoài ra, các công trình nhỏ lẻ, giữa nhà thầu và người lao động phải có hợp đồng ràng buộc cụ thể, tránh tình trạng không đảm bảo an toàn cho người lao động

M.Đ.
.
.
.