Nhà chống bão, lũ: Xây thế nào cho tiện dụng, cơ động?

Thứ Sáu, 11/12/2020, 19:27
Chiều ngày 11/12, bên lề Hội thảo “Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ” do Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.


Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử, việc tổ chức hội thảo khoa học về “Nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ” có ý nghĩa gì?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Sau đợt mưa lũ miền Trung, hiện nay có hơn 250 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, số nhà này cơ bản chúng ta đã sửa chữa hoàn thành. Nhưng vẫn còn khoảng hơn 1500 nhà bị sập hoàn toàn, cộng với khoảng 150 nghìn ngôi nhà ở trong diện lúc nào cũng sẵn sàng phải di dời. Như vậy, vấn đề nhà ở cho người dân, đặc biệt sắp đến Tết nguyên đán rồi, chúng ta phải làm thế nào để người dân có nhà ở trước Tết là rất quan trọng. 

Chính vì thế, đây là hội thảo chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ để từ đó hướng dẫn cho các địa phương, cùng với các nguồn lực từ Chính phủ, từ các tổ chức, các cá nhân và từ cộng đồng để sớm nhất sửa chữa, xây dựng mới các ngôi nhà trên tinh thần xây mới lại tốt hơn nhà cũ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.

Phóng viên: Chúng ta đã có nhiều dự án về xây nhà chống lũ, theo ông mô hình nào hiệu quả và phát huy tác dụng trong thời gian vừa qua?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực ra hiện nay có 2 mô hình nhà chống bão chủ yếu, một là nhà nổi, hai là nhà cố định và có thêm một số bộ phận để đảm bảo chống bão lũ. Thật ra, nếu đánh giá, hiện tại, chúng ta sẽ không có mô hình nào hoàn hảo. Mỗi một mô hình có thể thích ứng với một điều kiện cụ thể. Nhà nổi thì với những vùng lụt sâu rất phù hợp, nhưng nhà nổi vấn đề đặt ra là làm thế nào công năng sử dụng thường xuyên, và bất cứ hoàn cảnh nào cũng áp dụng được.

Còn nhà cố định thì sử dụng được thường xuyên, trong điều kiện các cột mốc lũ lịch sử càng ngày càng thay đổi, càng ngày càng cao lên thì làm thế nào cho phù hợp với điều kiện này cũng là một bài toán khó. Tóm lại là giải pháp có hai loại hình nhà như hiện nay thì chúng ta phải tính toán lựa chọn phù hợp với từng địa phương, phù hợp với từng gia đình (kinh phí) và phù hợp cả văn hoá.

Phóng viên: Kinh phí hỗ trợ người dân xây nhà chống lũ lụt được triển khai thế nào vì theo tôi được biết, nhà chống bão, lũ cũng có chi phí khá lớn và có nhiều hộ còn rất khó khăn?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Hiện nay chúng ta đang có nhiều cơ chế để hỗ trợ người dân. Trước hết là quyết định 48 của Thủ tướng từ năm 2014, có quy định hỗ trợ mỗi hộ dân từ 12-16 triệu đồng để xây nhà chống bão, lũ. Từ nguồn hỗ trợ này chúng ta đã làm được hơn 15.000 ngôi nhà rồi và chúng tôi đánh giá khá tốt, nhưng mức hỗ trợ này quá ít và chúng tôi đang  đề nghị Thủ tướng xem xét, tính toán lên mức hỗ trợ 40 triệu, tương đương như một quyết định vừa rồi Thủ tướng đã hỗ trợ những nhà khắc phục hậu quả khẩn cấp sau thiên tai.

Mô hình nhà chống bão, lũ cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Thứ 2 là chúng ta có cơ chế các tổ chức quốc tế hỗ trợ khoảng 1.700USD cho 1 gia đình và chỗ này chúng tôi đã làm được 3.500 nhà ở 5 tỉnh. Với số tiền khoảng hơn 40 triệu cho một gia đình thì hiện nay ở số 3.500 nhà này đã làm khá tốt. Trong thống kê của chúng tôi, một ngôi nhà đảm bảo được bão lũ tối thiểu là 2 triệu/m2. Như vậy là nhà 4 người phải có diện tích 30-35m2 thì cũng phải 60-70 triệu đồng. Nên đây là vấn đề Nhà nước, nhân dân, cộng đồng và xã hội phải tham gia. Hiện nay, nguyên tắc của nhà chống bão lũ là tiện dụng, dễ làm, giá rẻ và cơ động trong mọi tình huống. Hơn nữa phải phù hợp văn hoá từng địa phương. Và trên những nguyên tắc như thế phải tính toán sao cho phù hợp và mọi người có thể làm được với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước.

Nhà đảm bảo cho phòng chống lũ phải trên tinh thần làm mới tốt hơn cũ, làm mới đảm bảo an toàn hơn cũ và làm mới phải bền vững hơn cũ. Có nhiều giải pháp trong đó bắt đầu là vật liệu. Vật liệu phải ứng dụng các loại nhẹ, giá thành rẻ. Như vậy là các doanh nghiệp phải tham gia vào đây. Thứ hai là phải sản xuất hàng loạt thì mới rẻ được. 

Thứ ba là phải thay đổi nhận thức của người dân và cộng đồng. Hiện giờ tôi thấy còn có suy nghĩ: Liệu có cần phải làm một cái nhà như thế không, trong khi 10 năm mới có một trận bão lũ như vừa rồi. Điều này rất quan trọng. Chúng tôi hy vọng, sắp tới, từ chỉ đạo của chính quyền đến người dân, khi chúng ta làm nhà ở khu vực này phải làm để đảm bảo an toàn trước bão lũ và mọi loại hình thiên tai.

Phóng viên: Thưa ông, Ban chỉ đạo có đánh giá thế nào về một mùa nhiều thiên tai cực đoan như vừa qua để rút ra kinh nghiệm phòng ngừa tốt hơn cho những năm sau?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Nam nay là năm thời tiết dị thường, việc này chúng ta đã đánh giá từ đầu năm là sẽ có hạn cực đoan và lũ cực đoan. Hạn cực đoan xảy ra ở Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, lũ cực đoan sẽ diễn ra ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Thế nhưng, chúng tôi cho rằng thực tế diễn biến bất thường hơn dự báo.

Chúng ta không thể hình dung được trật lụt vừa rồi ở miền Trung, đến mức cả tỉnh Quảng Bình 15 ngày liên tục chìm trong lũ. Đây là điều chưa bao giờ có trong lịch sử. Thời tiết cực đoan hơn, chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các ngành đặc biệt là ngành tài nguyên môi trường xem xét lại kịch bản biến đổi khí hậu.

Vấn đề thứ 2 là các bộ ngành phải tính toán, đặc biệt là trong bối cảnh đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, thì phải đưa các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng tránh thiên tai vào trong công việc của bộ ngành mình và coi đây là việc làm thường xuyên của các bộ ngành và chính quyền địa phương. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể phát triển bền vững và an toàn.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!                                                                            



Ngọc Yến (ghi)
.
.
.