Ninh Bình:

Xây dựng “di sản thiên nhiên thế giới” bằng… mìn

Thứ Ba, 22/03/2005, 08:44
Khi được giao nạo vét các hang ngập nước thuộc Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), Công ty Xây dựng Xuân Trường nảy ra “sáng kiến”: trần thấp thì dùng mìn bạt trần hang; đáy hang cao khiến thuyền đi lại khó khăn thì lại dùng mìn bạt đáy…

Khu du lịch Tràng An được UBND tỉnh Ninh Bình quy hoạch thành trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh, nơi hút khách du lịch với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Ninh Bình cũng nuôi hy vọng Tràng An sẽ được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Dự án này được giao cho một doanh nghiệp tư nhân - Công ty Xây dựng Xuân Trường thực hiện. Một phần việc quan trọng của dự án là nạo vét các hang ngập nước để khách du lịch vào thăm bằng thuyền. Công ty Xuân Trường không chỉ đơn giản là nạo vét bùn đất trong lòng hang mà đã dùng một khối lượng mìn lớn để phá đá, nới rộng cửa hang, khoét rỗng thêm lòng hang, phá vách núi để mở đường thủy thông nhau giữa các hang.

Khu du lịch Tràng An của tỉnh Ninh Bình nằm trên địa phận các xã: Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải (huyện Hoa Lư) và một phần của huyện Gia Viễn và thị xã Ninh Bình, rộng 1.566ha. Tràng An có gần 100 hang động chạy dài 18km theo hướng Bắc - Nam, trong đó có gần 50 động xuyên thủy. Các hang động được nối với nhau bằng 30 thung ngập nước.

Mìn nổ làm chấn động các nhũ đá mà thiên nhiên phải mất hàng triệu năm mới tạo ra được. Nhiều hòn đá lô nhô, vách đá uốn lượn tạo vẻ đẹp kỳ bí, bị mìn và máy khoan phá bay. Vòm cửa một số hang động nhẵn thín, hai bên cửa, lòng hang và sườn núi nham nhở bởi bàn tay con người.

Hiện tại, một số hang sau khi được "tôn tạo", quan sát từ phía ngoài, trông giống như những đường hầm xây vụng. Nghe nói sau này, người ta sẽ dùng xi măng tạo ra nhũ đá giả và những tảng đá giả trong động để phục vụ du lịch. Trên đỉnh núi sẽ đục đẽo, đắp điếm các khối đá cho giống tiên, bụt hay các con vật. Trên sườn núi sẽ khắc phù điêu hoặc chữ nho để khách nhìn ngắm và suy ngẫm…

Thiên nhiên bị cưỡng ép theo ý con người. Như vậy thì Tràng An có thể được phong tặng bất kỳ danh hiệu nào chứ nhất quyết không thể là di sản thiên nhiên!

Hậu quả nhỡn tiền

Chưa nói đến sự tác động của việc nổ mìn phá đá tại các hang động sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên vốn là yếu tố sống còn của các khu du lịch sinh thái, chỉ riêng vấn đề an toàn lao động cũng khiến dư luận quan tâm, lo lắng. Chưa đầy hai năm, đã có 5 nữ nhân công bỏ mạng trong hang đá và 10 người bị thương tật, có người bị rất nặng.

Theo thông tin của chúng tôi, công việc nổ mìn, phá đá được khoán cho "công ty con". Đến lượt mình, "công ty con" lại khoán trắng công việc cho các cai thầu. Các “ông cai” thuê những người nông dân lúc nông nhàn, vào hang khuân đá. Công việc này chẳng hề bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động cũng như các chế độ bảo hiểm, phương tiện phòng hộ.

Mới đây nhất, tai họa đá sập lặp lại ngày 7/3, tại vũng Quao cũng thuộc khu du lịch Tràng An. Sự cố do nổ mìn phá đá để làm đường hầm xuyên núi đã cướp đi mạng sống của chị Doãn Thị Nhung, 39 tuổi, trú ở thôn Trường Thịnh, xã Trường Yên. Còn chị Dương Thị Nga và vợ chồng anh Trần Văn Nam, chị Ngô Thị Chiều cùng bị thương và đang điều trị tại Quân y Viện 5 (thị xã Ninh Bình).

Chị Chiều cho biết: "Tôi mới chuyển sang làm ở hang Quao. Trước tôi khuân đá ở hang Địa Linh 2. Ở đó, người ta nổ mìn để lấy lối đi cho thuyền chở khách du lịch. Cửa vào nhỏ thì mở cho to. Không có cửa ra thì phá vách núi mà làm. Nguy hiểm lắm. Biết thế nhưng vẫn phải làm"

Lam Giang - Nhu Giang
.
.
.