Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phát triển ĐBSCL

Thứ Ba, 07/09/2010, 08:33
Ngày 6/9, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội nghị đầu tư và phát triển ĐBSCL. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có trên 700 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL, đại diện Ngân hàng Thế giới, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo báo cáo tại hội nghị, toàn khu vực ĐBSCL hiện có khoảng 12.700 doanh nghiệp (DN) trong nước đang hoạt động và tính đến ngày 20/8, có 524 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 8,43 tỉ USD.

Vùng ĐBSCL hiện chiếm hơn 20% thị phần bán lẻ cả nước, nhưng việc khai thác thị phần này thì các tổng công ty, nhà đầu tư nước ngoài lại chiếm ưu thế hơn. Còn DN trong vùng quy mô nhỏ, năng lực tài chính và quản lý nhiều hạn chế, nên sức cạnh tranh không cao và chưa tạo được sức mạnh trong cộng đồng DN vùng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Mặt khác, môi trường kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp làm giảm khả năng cạnh tranh của DN. Thêm vào đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để mời gọi đầu tư. Các tỉnh, thành trong vùng đều có chính sách thu hút nhân tài, nhưng chưa mời gọi được nhiều người giỏi. Nguyên nhân không phải là mặt bằng lương, mà chính yếu là môi trường làm việc chưa thoáng nên nhiều trí thức trong vùng có xu hướng chọn các thành phố lớn để làm việc. Đến cuối năm 2009, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn vùng chỉ vào khoảng 22%. Việc gỡ những nút thắt này đang trở nên bức thiết đối với sự phát triển chung của toàn vùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, ĐBSCL có 3 lợi thế lớn: nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á và trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy sản... của thế giới; nhân lực đông đúc (hơn 18 triệu dân, chiếm 20% dân số và là nhân lực trẻ dồi dào); trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước và thế giới. Tuy nhiên, ĐBSCL có 2 hạn chế cần được tháo gỡ là cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu và nguồn nhân lực chưa qua đào tạo nghề, cũng như trình độ học vấn thấp, tỷ lệ bỏ học còn cao…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Qua Hội nghị này, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ có sự liên kết một cách chặt chẽ hơn. Cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt các tiềm năng, thế mạnh của cả vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, có ngày càng nhiều các dự án đầu tư đủ lớn, đủ tầm mang biểu tượng của sự liên kết vùng, sớm đem lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ĐBSCL.

Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL tăng cường công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, có những cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để thu hút đầu tư trên nền các quy định chung, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai sản xuất kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả các nhà đầu tư và phía Việt Nam. 

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự chứng kiến lễ ký kết 11 dự án đầu tư vào khu vực ĐBSCL trên các lĩnh vực, với tổng vốn đầu tư 907,35 triệu USD

Nam Giao
.
.
.