Xây dựng Bộ quy tắc để mọi người ứng xử có văn hóa, trách nhiệm trên mạng xã hội và trong các chung cư

Thứ Bảy, 15/12/2018, 07:06
Việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là cần thiết để phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực mà mạng xã hội mang lại. Điều này sẽ tạo “thông lệ” tốt, giúp mọi người ứng xử có văn hóa, trách nhiệm trên môi trường số. 



Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 14-12 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, bên cạnh các giải pháp mang tính pháp lý thông qua các văn bản pháp luật kết hợp với giải pháp kỹ thuật, Việt Nam cần xây dựng và triển khai các giải pháp “mềm” nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm của cư dân mạng đối với hành vi ứng xử trên môi trường mạng.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép hoạt động cho 436 mạng xã hội. Trong đó, Facebook, Youtube, Facebook Messenger, Zalo, Google+, Mocha… là những trang có số lượng người sử dụng đông nhất.

Theo khảo sát từ Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung vào nói xấu, phỉ báng; vu khống, bịa đặt thông tin; kỳ thị dân tộc, giới tính, khuyết tật, tôn giáo…

Nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không chịu trách nhiệm. Ngoài ra, những thông tin sai sự thật đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc này được xây dựng theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng, không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ với người sử dụng trong và ngoài nước.

l Ngày 14-12, tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong chung cư mới trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, lần đầu tiên đề cập đến vấn đề mới trong xây dựng văn hóa ứng xử cũng như tăng cường công tác quản lý trong các khu dân cư.

Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao. Gần 30 năm qua, kể từ khi khu chung cư mới đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội là Khu đô thị Linh Đàm, đến nay thành phố có 745 chung cư. Bên cạnh những mặt tích cực, các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội đang gặp nhiều bất cập, như mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân, giữa cư dân và Ban quản trị, giữa chủ đầu tư và Ban quản trị, giữa các cư dân với nhau.

Trong số 745 tòa chung cư trên địa bàn Hà Nội có đến 83 tòa có khiếu kiện, hiện Sở Xây dựng Hà Nội đã giải quyết tại 67 tòa chung cư, song nhiều mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tại buổi tọa đàm, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn khi cuộc sống càng văn minh, phát triển hơn thì việc ứng xử với nhau lại dường như... lệch chuẩn. Đây cũng là vấn đề đang được thành phố Hà Nội quan tâm, giao cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hướng dẫn người dân ở các khu chung cư trên địa bàn thành phố.

Đinh Thuận - Tiến Lực
.
.
.